Kinh tế VN: Nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội

(ĐTTCO)-Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, chúng ta đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển.

(ĐTTCO)-Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, chúng ta đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển.

Tăng trưởng bước đầu chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu

Về tăng trưởng kinh tế, trong gần 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới và được xếp vào nhóm tăng trưởng cao trên thế giới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh và cao với tổng sản phẩm quốc nội đến năm 2014 đạt khoảng 184 tỷ USD.

Từ năm 2008, với mức GDP bình quân đầu người đạt 1.047USD (giá thực tế), Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp, để gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp.

Riêng trong giai đoạn 2011-2013, mô hình tăng trưởng có chuyển biến bước đầu từ chiều rộng sang theo hướng chiều sâu, chú ý hơn đến chất lượng tăng trưởng. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được cải thiện, hệ số gia tăng vốn đầu ra (ICOR) giảm từ 6,96% giai đoạn 2006-2010 còn 6,5% giai đoạn 2011-2015. Chất lượng tăng trưởng có mặt được cải thiện, trình độ công nghệ sản xuất có bước được nâng lên; tỷ trọng công nghiệp chế biến trong giá trị sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng, tỷ trọng của công nghiệp khai thác giảm dần...

 

Những nỗ lực đổi mới thời gian qua đã giúp cho môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tổng đầu tư xã hội cũng như tỷ trọng vốn đầu tư xã hội so với GDP tăng liên tục và duy trì ở mức cao.

Trong đó, giai đoạn 2004-2009 lên đến hơn 40%, thuộc vào nhóm nước có mức đầu tư cao nhất thế giới. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại khi khu vực nông nghiệp giảm, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp; cơ cấu thành phần kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế và đan xen nhiều hình thức sở hữu; cơ cấu lao động có sự chuyển đổi tích cực gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có cải thiện khi chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng sản phẩm công nghiệp, giảm dần tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu thô…

30 năm đổi mới cũng đã chứng kiến vai trò tích cực của các chủ thể kinh tế. Kinh tế nhà nước dần phát huy tốt hơn vai trò chủ đạo; hệ thống doanh nghiệp nhà nước từng bước được cơ cấu lại, cổ phần hóa theo Luật Doanh nghiệp và đang giảm mạnh về số lượng. Kinh tế tập thể bước đầu được đổi mới. Kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh, giải quyết việc làm, đóng góp ngày càng lớn vào GDP. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được khuyến khích phát triển và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và xuất khẩu...

Việt Nam cũng dần hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Thị trường hàng hóa, dịch vụ đã có bước phát triển và hoàn thiện về quy mô. Trong hơn 15 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của thương mại bán lẻ luôn cao hơn 2 - 3 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng kỳ.

Thị trường tài chính, tiền tệ phát triển khá mạnh và sôi động; thị trường chứng khoán bước đầu hình thành, góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư; thị trường bảo hiểm đóng góp tích cực vào việc ổn định sản xuất và đời sống dân cư; tỷ giá đồng tiền, giá ngoại tệ, giá vàng cơ bản giữ được ổn định; thị trường bất động sản đã có bước phát triển nhất định với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương đối đồng bộ đã góp phần đô thị hóa và dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thị trường lao động đã được hình thành, có nguồn cung lao động khá dồi dào với lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng từ 50,51 triệu người (cuối năm 2010) lên 53,65 triệu người (cuối năm 2013) và 53,8 triệu người (năm 2014)...

Tuy nhiên, 30 năm qua, nền kinh tế vẫn còn phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang chiều sâu. Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng chưa cao; việc tuyên truyền, phổ biến, thực thi pháp luật và bảo đảm kỷ cương, pháp luật còn nhiều hạn chế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ, môi trường kinh doanh chưa thật sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Doanh nghiệp gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường còn gặp nhiều vướng mắc; giá cả của một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa thật sự tuân thủ theo nguyên tắc và quy luật kinh tế thị trường; quản trị doanh nghiệp còn yếu kém, chưa theo kịp các tiêu chuẩn quốc tế và chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường...

Doanh nghiệp nhà nước, trong đó nhiều tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước chưa thể hiện được đầy đủ vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả thấp, để xảy ra lãng phí, thất thoát; kinh tế tập thể còn nhiều mặt yếu kém kéo dài. Doanh nghiệp tư nhân phổ biến là quy mô nhỏ; doanh nghiệp FDI chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn và trình độ quản lý tiên tiến... Kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế chưa cao, còn lệ thuộc nhiều vào một vài thị trường bên ngoài.

Nhận diện, vượt qua thách thức

Trong giai đoạn tới, có hai vấn đề lớn đặt ra về phát triển kinh tế. Một là, hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Hai là, tập trung thực hiện có kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, sớm khắc phục những điểm nghẽn về thể chế kinh tế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.

Để thực hiện các định hướng trên, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, về mô hình tăng trưởng, cần hướng tới mô hình tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh với những nội dung chủ yếu sau: (1) Phương thức thực hiện: kết hợp hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo;

(2) Chiến lược tăng trưởng: chuyển tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang phát triển đồng thời cả về đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước;

(3) Động lực tăng trưởng phải dựa trên năng suất lao động, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị nội địa và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu;

(4) Nguồn lực tăng trưởng cần dựa trên cơ sở khai thác, phát huy nguồn nội lực đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài;

(5) Mục tiêu tăng trưởng cần hướng tới các mục tiêu dài hạn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả và vì con người, giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, vì con người.

Thứ hai là đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, nâng cao trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của từng ngành, doanh nghiệp, sản phẩm và toàn bộ nền kinh tế. Đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.

Thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, toàn diện trong các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp, cơ sở, sản phẩm chủ yếu, với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa “tổng thể” và các “trọng tâm” trong cơ cấu lại nền kinh tế...

Thứ ba, về cơ cấu lại kinh tế vùng. Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng. Cơ cấu lại kinh tế vùng dựa trên cơ sở lợi thế so sánh và tạo lập thể chế kinh tế vùng hiện đại và hội nhập, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế, tạo cực tăng trưởng và thể nghiệm thể chế mới, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.

Hình thành cơ chế điều phối vùng kinh tế hiệu quả và liên kết vùng kinh tế. Xây dựng thể chế kinh tế hiện đại, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế cho các vùng, khu kinh tế, nhất là đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thể nghiệm thể chế mới, thực sự trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa vùng ngoại vi và cả nước; đồng thời tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo, Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc và phía Tây các tỉnh miền Trung.

Thứ tư là phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền đất nước. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển), du lịch biển, đảo. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác các tài nguyên biển, đảo một cách bền vững. Tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển.

Thứ năm, chủ động hội nhập quốc tế gắn kết với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong đó, khai thác có hiệu quả lợi ích kinh tế trong việc tham gia các hiệp định tự do hóa kinh tế song phương và đa phương, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); gắn kết với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tránh phụ thuộc vào một thị trường, đối tác cụ thể. Cùng với đó là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thực thi các hiệp định thương mại tự do sau khi được ký kết.

30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành và phát triển; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện... Đồng thời, chúng ta cũng nhận thức rõ còn những hạn chế, khó khăn không nhỏ của nền kinh tế đã và đang đặt ra các vấn đề cần phải có những quyết sách để đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững.

30 năm đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế.

Chúng ta tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO; đàm phán, ký kết và thực hiện nhiều hiệp định tự do song phương và đa phương thế hệ mới. Các yếu tố nền tảng cơ bản của kinh tế thị trường dần được hình thành và được nhiều nước thừa nhận. Cho đến nay đã có gần 50 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Các tin khác