Đánh giá kinh tế 6 tháng cuối năm khó khăn hơn nhiều so với 6 tháng cuối năm ngoái, nhưng các tổ chức uy tín nước ngoài cũng như các chuyên gia hàng đầu trong nước đều cho rằng với tinh thần quyết liệt, tính thiết thực và hiệu quả trong chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo là giai đoạn "bình thường mới" mà thế giới đang hướng tới.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Đọc kỹ và đánh giá rất cao Nghị quyết 63 ngày 29-6-2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, theo TS Trần Du Lịch, điểm nổi bật nhất là đẩy mạnh vấn đề phân cấp phân quyền cho các cấp, còn các bộ ngành trung ương tập trung vào làm chính sách, làm quy hoạch, thực hiện việc kiểm tra giám sát, nhất là thanh tra công vụ.
“Đây là cốt lõi của cách làm chính sách. Nếu làm được việc này thì chúng ta sẽ có một sự đột phá trong mô hình quản lý mới, hiệu quả của Chính phủ”, ông Lịch nhấn mạnh và cho rằng phân cấp phân quyền có thể áp dụng ngay trong việc triển khai các gói an sinh xã hội cho người lao động.
Ngân hàng UOB (Singapore) đánh giá: Với tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, cùng với mức thấp của nửa cuối năm 2020 (trung bình: 3,6%), chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam ở mức 6,7% so với mức dự báo chính thức 6 - 6,5% của Chính phủ Việt Nam.
Dự báo này dựa trên tính toán tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7,7% trong 6 tháng cuối năm 2021, vào khoảng gấp đôi tốc độ tăng trưởng trung bình trong 6 tháng cuối năm 2020 và có thể đạt được nếu các hoạt động kinh tế tiếp tục diễn ra bình thường và không bị gián đoạn một cách đáng kể.
“An sinh lúc này càng trở nên quan trọng vì đợt dịch vừa qua, những người lao động tự do, những ngành nghề nhỏ từ hớt tóc, bán hủ tiếu, những người làm ngày nào sống ngày đó cực kỳ khó khăn. TPHCM đang làm rất nhanh gói hơn 800 tỷ dành cho an sinh, HĐND quyết xong là triển khai ngay tới người dân.
Quan điểm phân cấp phân quyền của Thủ tướng, tôi cho rằng nên áp dụng mạnh trong việc này”, ông Lịch đề xuất và giải thích thêm, dù số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới trong 6 tháng đầu năm tăng kỷ lục, nhưng cũng có hơn 70.000 DN ngưng hoạt động. Điều này tác động tiêu cực rất lớn đến kinh tế - xã hội vì DN đóng cửa thì thất nghiệp tăng, thất nghiệp tăng thì sức mua giảm, sức mua giảm thì quy mô sản xuất giảm, quy mô sản xuất giảm thì tăng thất nghiệp.
“Thế nên, để vòng luẩn quẩn này đừng xảy ra, phải dùng an sinh xã hội để giữ được sức mua”, ông Lịch nói.
Đứng từ góc độ đó, theo TS Trần Du lịch, với cộng đồng DN việc giảm, miễn, giãn thuế là cần thiết nhưng cái khó của họ hiện nay đã khác, họ đang rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Các DN lớn như hàng không, đường sắt mất thanh khoản vì lượng khách sụt giảm xuống đáy, doanh thu không có. Phải có một gói lớn để giúp họ tồn tại chứ không nên để gãy đổ dây chuyền.
Còn các DN vừa và nhỏ dù giai đoạn hiện nay không đầu tư nhưng nợ tồn đọng phát sinh lãi... khiến họ chật vật, phải dùng các công cụ tài khóa và tín dụng để hỗ trợ họ vượt qua. Không nên để DN chết vì mất thanh khoản.
"Nghị quyết 63 cũng tập trung các chính sách tín dụng để giải quyết vấn đề này. Nếu triển khai được cho cả 2 nhóm DN nói trên, tôi tin rằng từ nay đến cuối năm, họ phục hồi dậy, sống được”, ông Lịch nói.
Cũng “tâm đắc” với vấn đề phân quyền, phân cấp và chế độ trách nhiệm cá nhân, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định đây không phải là vấn đề mới, đặc biệt ở cấp độ nghiên cứu, nghị quyết và quyết tâm.
“Từ lâu, tôi đã nhận thấy đây là điểm yếu sinh tử trong cơ chế vận hành của bộ máy quản lý nhà nước ta. Nhưng Thủ tướng tuyên bố điều này như một phương châm hành động của Chính phủ mới và ông đang thúc đẩy triển khai nó trên thực tế, qua việc chống dịch nhằm đạt “mục tiêu kép”.
Ông đặc biệt nhấn mạnh “chế độ trách nhiệm cá nhân”, rằng phải “cá thể hóa việc chịu trách nhiệm”, “phải biết bảo vệ những người có năng lực, dám đổi mới”. Giờ đây, Thủ tướng đặt nó lên thành nguyên tắc phải thay đổi đầu tiên, đang nỗ lực đưa nó vào thực tiễn. Quả thật là rất đáng trông đợi”, TS Trần Đình Thiên hào hứng.
Thiết thực, hiệu quả và tính hành động cao
“Thiết thực, hiệu quả và tính hành động cao”, TS Trần Đình Thiên tóm lược về cách chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và Chính phủ.
Dẫn chứng, việc tuyên bố cắt giảm hơn 1.000 dự án đầu tư công trong tổng số hơn 6.000 dự án là ví dụ điển hình cho tính thiết thực, hiệu quả về chỉ đạo điều hành của Thủ tướng và Chính phủ nhiệm kỳ mới.
TS Trần Đình Thiên phân tích lâu nay, việc cắt giảm số lượng dự án đầu tư công đặt ra nhiều lần, cũng quyết tâm rất cao nhưng hầu như không làm được. Bởi dự án là lợi ích. Cắt bỏ, dù là những dự án không hiệu quả, cũng sẽ đụng vào lợi ích.
“Tôi tin Thủ tướng Phạm Minh Chính biết rất rõ khó khăn, thậm chí là “hiểm nguy” đó, song ông vẫn tuyên bố phải cắt bỏ. Tôi nghĩ đó không phải là sự can đảm “tuyên ngôn” mà là “cương lĩnh hành động”. Việc này chắc chắn sẽ có những thay đổi có ý nghĩa tại khâu “nút” thể chế này: cơ chế phân bổ nguồn lực quốc gia”, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Chuyển biến tích cực về mặt cải cách và thể chế
TS Trần Du Lịch nêu nhận định: "Những giải pháp trong Nghị quyết 63, Chính phủ làm được, chúng ta sẽ có một chuyển biến tích cực về mặt cải cách thể chế.
Tất nhiên, kết quả vẫn phải chờ ở tương lai, nhưng dưới góc độ một người nghiên cứu chính sách thì tư duy chỉ đạo của Chính phủ, nhất là Thủ tướng, là một điểm rất sáng, rất ý nghĩa theo tinh thần đưa cái mới của Đại hội 13 vừa qua vào thực tiễn".
Trước đó, rất nhiều người gọi việc cắt giảm hơn 1.000 dự án là "cách mạng đầu tư công" bởi theo đề xuất ban đầu, trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, số vốn đầu tư 2,75 triệu tỷ đồng sẽ được dành cho khoảng 6.440 dự án. Con số này đã giảm một nửa so với giai đoạn trước.
Thế nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả xuống còn 5.000 dự án. Chỉ 1 tuần sau Chỉ thị 13 của Thủ tướng về vấn đề này, hơn 1.000 dự án đã được cắt bỏ.
Và đúng như TS Trần Đình Thiên nhận xét, đây là chỉ đạo hết sức thiết thực bởi dù giảm một nửa nhưng trong số 11.000 dự án kỳ trung hạn 2016 - 2020, chỉ có 7.354 dự án hoàn thành. Hơn 3.000 dự án dở dang cho thấy những bất cập, dàn trải, lãng phí, thiếu hiệu quả của đầu tư công.
Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chi tiêu của DN, người dân đều giảm thì đầu tư công chính là bệ đỡ tăng trưởng kinh tế. Việc cắt hơn 1.000 dự án và tăng thêm gần 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công cho giai đoạn 2021 - 2025 (Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV chuẩn bị khai mạc, tăng 0,87 triệu tỷ đồng so với 5 năm vừa qua), nhiều chuyên gia nhận định nguồn vốn khổng lồ này sẽ tạo ra cú hích cho phát triển hạ tầng giao thông, tạo đột phá cho kinh tế. Đó chính là tính hiệu quả mà TS Trần Đình Thiên đúc kết ở trên.
Không chỉ giao việc cụ thể, theo TS Trần Đình Thiên, Nghị quyết 63 còn tích cực thúc đẩy thông qua đôn đốc, giám sát thực thi cụ thể và gắn với trách nhiệm cá nhân.
“Tôi có cảm tưởng rằng sẽ có những động lực mới thúc đẩy sự tiến triển của một Chính phủ mang tính chuyên nghiệp cao và chịu trách nhiệm, nhất là sau kỳ họp Quốc hội tới đây, bầu ra Chính phủ cho cả nhiệm kỳ 5 năm. Nhìn nền kinh tế từ góc độ Chính phủ như vậy, tôi thật sự thấy có nhiều lạc quan. Tất nhiên, đừng quy tất cả mọi thứ của nền kinh tế - kể cả thành tích - về cho Chính phủ. Còn nhiều yếu tố tác động lớn, bất thường và rủi ro ngoài tầm với của Chính phủ. Nhưng tôi tin ở một Chính phủ có tầm nhìn và dám hành động”, ông Thiên nhấn mạnh.