1.
Sáng 31-1-2018, sau khi dự Đại lễ kỷ niệm 50 năm chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Dinh Thống Nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đến thăm Di tích lịch sử hầm chứa vũ khí và ém quân của lực lượng Biệt động Sài Gòn tại căn nhà số 287/70-72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.
“Đến thăm gia đình cố Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai, một trong những cơ sở tiêu biểu nhất nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ, hầm chứa vũ khí, khí tài phục vụ đắc lực cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào Dinh Độc Lập của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn; được chứng kiến những hiện vật tại di tích, tôi vô cùng ngưỡng mộ, và cảm kích trước tinh thần yêu nước, mưu trí, dũng cảm, vì nước quên thân của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Tinh thần chiến đấu và sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn bất diệt” - đó là một phần bút ký trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư đã để lại ấn tượng không bao giờ phai nhòa trong lòng những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn còn sống và người thân của gia đình Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai, về vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước có tác phong nhẹ nhàng, gần gũi, có tư duy nhân văn, uyên bác, và đặc biệt là tầm nhìn sâu xa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cơ sở giấu vũ khí của Biệt động thành trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Ảnh: VIỆT DŨNG
2.
Khi đoàn vừa đến hầm di tích, Tổng Bí thư tuy tuổi đã cao nhưng bước xuống xe bằng tác phong nhanh nhẹn, ông lập tức ân cần thăm hỏi với sự trân quý từng nhân chứng sống của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Tổng Bí thư nắm tay thật chặt những nữ giao liên quả cảm, những người phụ nữ huyền thoại này đã góp công lớn vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: nữ giao liên Hai Phiên (Dương Thị Phiên), bà Đặng Thị Thiệp (nữ giao liên, vợ Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai), nữ giao liên Nguyễn Thị Ngọc Huệ.
Tổng Bí thư dành sự quan tâm đặc biệt đến những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn còn sống, ông chăm chú lắng nghe nhân chứng sống - ông Phan Văn Hôn, kể lại trận chiến đấu vào đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân.
Trong ký ức của người thân gia đình Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai và các nhân chứng sống Biệt động Sài Gòn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một người thân trong gia đình.
Tổng Bí thư đã trực tiếp nhắn gửi trong bút ký: “Tôi hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã giữ gìn, lưu giữ những kỷ vật trưng bày vô cùng quý giá này. Mong rằng chính quyền Thành phố tiếp tục đầu tư, tôn tạo, xây dựng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia này không chỉ là nơi mang ý nghĩa lịch sử chính trị, văn hóa, giàu tính nhân văn sâu sắc, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.
Cùng gia đình đón tiếp Tổng Bí thư, giới thiệu và thuyết minh về những hiện vật bên trong nhà, Trần Trọng Nghĩa (cháu nội Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai) kể: “Đó là lần đầu tiên tôi được gặp bác và được đứng gần bác đến như vậy, có lẽ đó chính là vinh dự lớn nhất trong đời tôi khi được là một trong những người đại diện bảo tàng để giới thiệu và thuyết minh cho bác khi tham quan. Cảm xúc của tôi lúc đó rất hồi hộp, thậm chí còn là áp lực vì tôi không nghĩ bản thân có thể được đi cùng với Tổng Bí thư, hơn nữa còn được giao tiếp với bác một cách gần gũi như vậy. Tôi sợ mình còn nhỏ, chưa hiểu hết phép tắc khi ứng xử sẽ làm cuộc gặp không vui… Nhưng sau đó, áp lực và căng thẳng không còn, bởi tính gần gũi và trìu mến của bác. Gần gũi nhưng bác cũng rất nghiêm trang. Bác đi chậm để quan sát từng hiện vật, rồi dừng lại mỗi khi đến một khu vực quan trọng ở di tích để chăm chú lắng nghe người thuyết minh, dù đó là tôi - một học sinh lớp 11, bác vẫn rất tôn trọng, lắng nghe trọn vẹn”.
HỒNG DƯƠNG