Kỳ vọng cổ phiếu dược

(ĐTTCO) - Năm 2017, nhóm CP dược ghi nhận đợt sóng tăng khá mạnh nhờ những thông tin về thoái vốn và nới room ngoại. Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp trong khu vực, CP dược vẫn còn thấp và đây cũng chính là yếu tố để NĐT tiếp tục kỳ vọng về đà tăng của nhóm CP này trong 2018. 

Tăng trưởng 2 con số
Theo dự báo của Business Monitor International (BMI), tốc độ tăng trưởng tổng chi tiêu thuốc cả nước bình quân 5 năm 2017-2021 sẽ ở mức 11,5%/năm. Dù thấp hơn mức 15,6%/năm bình quân giai đoạn 2012-2016, nhưng tỷ lệ tăng trưởng này vẫn cao hơn mức 6-9% bình quân của các nước có ngành công nghiệp dược đang phát triển, lẫn mức 4-7% bình quân toàn thế giới.
Đặc biệt, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường dược phẩm hấp dẫn với đặc điểm quy mô dân số khá lớn, tuổi thọ trung bình đang gia tăng, đi kèm với việc nhận thức về sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao. Ngoài ra, mặc dù thuộc nhóm 3 (nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất) trong số 17 nước phát triển, nhưng chi tiêu thuốc bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chưa đến 40USD/người/năm, chỉ bằng khoảng 1/2 mức bình quân của các nước phát triển.
Với mục tiêu thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, từ năm 2012 Chính phủ đã có những biện pháp đẩy mạnh, mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó, sau 5 năm thực hiện đến nay 85,3% dân số cả nước đã tham gia BHYT, so với mức 65% của năm 2012. Theo Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016, mục tiêu đến năm 2020 trên 90% dân số tham gia BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế và việc quản lý giá thuốc và tính hiệu quả trong sử dụng quỹ BHYT.
Năm 2017, ước tính chi phí khám chữa bệnh do quỹ BHYT chi trả lên tới trên 90.000 tỷ đồng, trong đó 50-60% là tiền thuốc, tương đương 40% tổng giá trị chi tiêu thuốc cả nước. Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến 2020 định hướng ưu tiên phát triển ngành dược nội địa, mục tiêu đưa tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước trên tổng giá trị thuốc lên 80% trong năm 2020.
Dù thách thức không nhỏ nhưng cũng có thể xem đây là cơ hội cho các công ty dược trong nước có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-EU hoặc PIC/s-GMP, để giành lại thị phần từ doanh nghiệp ngoại.
Kỳ vọng cổ phiếu dược ảnh 1 Dây chuyền sản xuất thuốc của CTCP Dược phẩm Imexpharm. 
Cơ hội cho doanh nghiệp biết nắm bắt
Theo thống kê, năm 2017, nhóm CP dược tăng 37% nhờ thông tin về thoái vốn nhà nước và kế hoạch nới room cho NĐTNN lên 100%. Tuy nhiên, theo CTCK Maybank KimEng (MBKE), dù tăng nhưng trung bình P/E của CP các công ty sản xuất dược niêm yết Việt Nam hiện chỉ ở mức 17,5x.
Nếu tính riêng 6 công ty có giá trị vốn hóa trên 100 triệu USD, gồm CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Pymepharco (PME), CTCP Traphaco (TRA), CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC), CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) và CTCP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (DBD), P/E của nhóm CP này cũng chỉ ở mức 20,9x. Dựa trên ước tính cho năm 2018, P/E bình quân của 6 công ty này là 18,4x, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình khoảng 33x của các nước trong khu vực.
Cho dù cơ hội rất lớn nhưng số lượng các nhà máy tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-EU hiện nay không nhiều. Trong số doanh nghiệp dược niêm yết trên sàn, chỉ có PME và IMP đạt được tiêu chuẩn này. Chẳng hạn, IMP được kỳ vọng đẩy mạnh tỷ suất khai thác 2 nhà máy thuốc tiêm, đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn GMP-EU vào cuối năm 2016 và hoàn tất số đăng ký để có thể tham gia đấu thầu từ 2018.
IMP hiện có thể cung cấp 3/5 hoạt chất kháng sinh tiêm theo danh sách đấu thầu tập trung của BHYT. Nhà máy sản xuất thuốc công nghệ cao với sản phẩm là các thuốc đặc trị theo tiêu chuẩn GMP-EU, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2019. Dự báo lợi nhuận sau thuế 2018 của IMP tăng gần 25% so với năm 2017.
Trong khi đó, thế mạnh của PME là tiêu chuẩn chất lượng cao, bao gồm các thuốc generic kháng sinh đạt tiêu chuẩn GMP-EU và nhiều sản phẩm đạt chứng minh tương đương sinh học. Ngoài ra, PME còn sản xuất các loại thuốc đặc trị được nhượng quyền và chuyển giao công nghệ từ cổ đông lớn là Tập đoàn Stada, CHLB Đức. Dư địa tăng trưởng của PME còn đến từ nhà máy thuốc tiêm (37 triệu lọ/năm) đang hoạt động chưa quá 20% công suất thiết kế.
Trong khi nhà máy thuốc viên đang khai thác ở mức 70% công suất, công ty có kế hoạch đầu tư thêm nhà máy thuốc viên tiêu chuẩn GMP-EU, giúp mở rộng năng lực sản xuất thuốc viên từ 900 triệu viên/năm hiện nay lên 2,1 tỷ viên/năm vào năm 2019. PME được kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho 2 năm (2018-2019) ở mức 15%/năm. 
Việc nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng đang là xu hướng của các doanh nghiệp lớn trong ngành nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh, đặc biệt khi đấu thầu vào kênh bệnh viện. Tuy nhiên, do các quy định về đấu thầu vẫn đang thay đổi, có thể dẫn đến các rủi ro, khiến hiệu quả đạt được không như kỳ vọng.

Các tin khác