Hôm qua 14-12, Hội nghị Tham tán thương mại năm 2011 đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là hội nghị được nhiều kỳ vọng sẽ có những giải pháp từ các tham tán thương mại để thúc đẩy xuất khẩu năm 2012.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015, yêu cầu đặt ra đối với ngành công thương rất nặng nề, thể hiện qua một số chỉ tiêu cụ thể như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9-10%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân toàn ngành tăng 13,5%/năm; tăng trưởng GDP công nghiệp và xây dựng tăng 7,8%/năm.
Về xuất nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 12,1%/năm; phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 133 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 11,5%/năm (dự kiến 146 tỷ USD vào năm 2015). Như vậy, nhập siêu năm 2015 khoảng 9,8% so với kim ngạch xuất khẩu.
Vì vậy, các đơn vị trong ngành công thương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, góp phần đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng phát triển không bị hạn chế về khả năng sản xuất, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước (thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cao su, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, sản phẩm cơ khí, dịch vụ phần mềm…); kết hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư và hợp tác công nghiệp; tìm kiếm, vận động các đối tác nước ngoài tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên liệu thay thế nhập khẩu và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu…
Trước mắt, năm 2012, ngành công thương được giao chỉ tiêu tăng khoảng 8% chỉ số phát triển công nghiệp, xuất khẩu tăng 13%, đạt 108,5 tỷ USD; nhập khẩu tăng 14,6%, đạt 121,5 tỷ USD và nhập siêu 13 tỷ USD, bằng khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Để đạt được các chỉ tiêu trên, sự phối hợp của các thương vụ đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trong đó, cùng với các thông tin cơ sở dữ liệu được xây dựng thương vụ cần đẩy mạnh việc quảng bá, kêu gọi đầu tư công nghiệp và thương mại tại các hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp tại nước sở tại; nghiên cứu thế mạnh của các thị trường, tác động của các chính sách ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thương mại của nước sở, quan hệ của Việt Nam với nước sở tại; tiếp tục theo dõi các chính sách có ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, theo dõi và cập nhật thông tin về diễn biến thị trường, nhu cầu, thị hiếu ngành hàng; đẩy mạnh cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nước sở tại thu hút sự quan tâm đến thị trường Việt Nam; tiếp tục tham gia tháo gỡ các vướng mắc tranh chấp trong kinh doanh giữa hai phía…
Vấn đề đặt ra là tình hình xuất khẩu các mặt hàng đang có những thay đổi rất nhanh, vì vậy đòi hỏi sự nhanh nhạy tiếp cận một cách linh hoạt của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có sự đồng thuận của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Như vậy, tham tán thương mại đóng vai trò quan trọng để giúp các hiệp hội, doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, khi xảy ra các vụ tranh chấp thương mại, ngoài sự trợ giúp của các cơ quan chuyên trách trong nước, thương vụ Việt Nam là đầu mối quan trọng giúp doanh nghiệp thu thập, trao đổi thông tin với các đối tác.
Đặc biệt trong bối cảnh xu hướng bảo hộ ngày càng tăng, các nước đưa ra các hàng rào kỹ thuật, áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm của Việt Nam.
Hiện nay Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là hiệp định chất lượng cao, mức độ phức tạp lớn, có nhiều tiềm năng cho xuất khẩu nước ta. Tuy nhiên, lợi ích thu được có thể bị hạn chế bởi các quy định của hải quan các nước.
Do vậy, rất cần sự hỗ trợ của các thương vụ trong việc cung cấp thông tin để có thể khai thác lợi ích từ TPP. Theo đó, các tham tán cần tăng cường công tác tham mưu, đưa ra dự báo kịp thời, chính xác. Thí dụ, hướng ưu tiên của ngành nông nghiệp là đầu tư chiều sâu, sản phẩm chủ lực, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng để có thể xuất thẳng đến các siêu thị trên thế giới.
Tuy nhiên xu thế các thị trường lớn đòi hỏi cao hơn, rào cản kỹ thuật cao hơn. Do đó việc nắm bắt thông tin thị trường, cơ chế chính sách, sự điều chỉnh của thị trường phụ thuộc vai trò, trách nhiệm của tham tán. Tức các tham tán cung cấp nhiều hơn thông tin từ các thị trường lớn, cơ chế chính sách của nước sở tại để xuất khẩu từ qua trung gian đến xuất khẩu trực tiếp nhằm nâng cao giá trị, hạn chế thiệt hại các rào cản thương mại.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận hiện nay tham tán không có kinh nghiệm xúc tiến đầu tư, tăng xuất khẩu 12%/năm mà chưa biết thế giới thế nào là khó khăn do ảnh hưởng đầu tư công, chính sách thắt lưng buộc bụng...
Vì thế, trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn như hiện nay, nhiệm vụ đặt ra đối với các tham tán là đẩy mạnh công tác xúc tiến xuất khẩu và phải tham mưu để hạn chế nhập khẩu. Đối với trào lưu bảo hộ, Việt Nam có thể là nạn nhân oan khi các nước “định kiện ông này lại lấy Việt Nam ra thí mạng” nên tác động ngày càng nhiều.
Hơn nữa, nhiều mặt hàng Việt Nam đứng thứ nhất, nhì thế giới thì nguy cơ bị kiện ngày càng cao. Do vậy, tham tán phải tham mưu cho các bộ, ngành ứng phó với các rào cản. “Chúng ta đã làm công tác này nhưng vẫn còn nhiều yếu kém nên phải quan tâm hơn nữa” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.