Trong đó, lõi cứng cáp để điều hướng chính sách y tế quốc gia và từng khu phố là mảng kiểm soát bệnh tật, mà gọi nôm na là y tế dự phòng.
Cán bộ y tế dự phòng Hà Nội lấy mẫu bệnh phẩm của nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai để xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Quốc Khánh
Họ là những người “đi trước về sau”, luôn có mặt sớm nhất và tiếp xúc gần nhất với những người có nguy cơ mắc Covid-19. Thế nhưng, vượt lên trên những nỗi lo về nguy cơ cao bị lây nhiễm chéo, những cán bộ y tế làm công tác dự phòng vẫn đang ngày đêm thầm lặng chiến đấu chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Phản ứng nhanh
Sáng 19-3, tiếng chuông điện thoại réo vang, đó là số máy của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TPHCM. Nhận cuộc gọi, lặng đi trong giây lát, bác sĩ Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 2, triệu tập ngay thành viên 2 đội phản ứng nhanh, thông báo: Có một phi công người Anh dương tính virus SARS-CoV-2 (ca thứ 91), hiện ngụ tại chung cư The Ascent Aparment, phường Thảo Điền. Bệnh nhân này có nguy cơ lây nhiễm chéo ra cộng đồng rất lớn vì thời gian ủ bệnh dài, đã ghé nhiều nơi, trong đó có quán bar Buddha.
15 phút sau, 2 đội có mặt tại chung cư The Ascent Aparment và phối hợp với lực lượng chức năng của quận, phường, chia thành 3 nhóm: phong tỏa, phun xịt khử khuẩn tòa nhà; lập phiếu xác minh, điều tra; truy xuất toàn bộ camera để xác minh trường hợp F1. Làm việc không mệt mỏi đến 4 giờ sáng hôm sau, y sĩ Nguyễn Hữu Hiệp, Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận 2 và các đồng nghiệp cứ quần quật hết điều tra dịch tễ học, thực hiện vệ sinh môi trường đến xử lý ổ dịch. Anh nói: “Nhiều lúc cũng sợ vì chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể bị nhiễm bệnh, mang mầm bệnh đó về cho gia đình và người thân của mình. Thế nhưng, ý nghĩ đó chỉ thoáng qua thôi. Những lúc như vậy, chúng tôi cùng động viên nhau vượt qua vì cộng đồng an toàn”.
Quá trình điều tra được mở rộng, một loạt chung cư lớn cùng hàng ngàn hộ dân trên địa bàn được cách ly như: Masteri (phường Thảo Điền), Vista Verde (phường Thạnh Mỹ Lợi)... “Chúng tôi căng mình ở khắp mặt trận”, bác sĩ Phan Thành Phước nhớ lại. Bác sĩ kể tiếp, hơn 150 bác sĩ, nhân viên của 3 đầu mối gồm: Trung tâm Y tế, Phòng Y tế và Bệnh viện quận 2 cùng lực lượng chức năng phải làm quên thời gian để đảm bảo xác minh, truy tìm, lấy mẫu xét nghiệm và đưa người đi cách ly.
Cũng trong tháng 3, sau khi có kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM về trường hợp chị N.T.M.P. (ca thứ 65), ngụ hẻm 248 đường Phạm Ngũ Lão, phường 7, Gò Vấp được xác định mắc Covid-19, cả hẻm ai cũng hoang mang. Trước tình hình ấy, bác sĩ Tô Thị Huyền Trang, công tác tại Trạm Y tế phường 7 và đồng nghiệp đã trao đổi nhanh công việc qua group Zalo, triển khai từng nhiệm vụ cho 5 cán bộ y tế trong trạm.
Một nhóm được cử ngay đến gặp, lập phiếu xác minh, giám sát tại nhà đối với 3 người thân của bệnh nhân. Nhóm khác tỏa ra các hộ trong hẻm để khoanh vùng, khử khuẩn... Bác sĩ Trang cùng đồng nghiệp đã nỗ lực hết mình, làm việc căng như dây đàn đến 11 giờ đêm mới kết thúc. Danh sách những người tiếp xúc gần, từng lịch trình đi lại của các thành viên trong gia đình bệnh nhân được ghi chép cẩn thận, đầy đủ và phân tích, đánh giá chi tiết nhất, làm cơ sở cho việc xác định đối tượng được cách ly và theo dõi sức khỏe.
Nhờ cách làm khoa học, chặt chẽ, sự phối hợp nhịp nhàng của cán bộ Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, chiều 19-3, kết quả xét nghiệm lần 1 đối với 49 nhân khẩu/16 hộ dân trong hẻm cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Người dân đã được trấn an, yên tâm cách ly tại nhà. Còn bác sĩ Trang và đồng nghiệp cũng cởi bỏ áp lực, cơ thể như được thả lỏng đến từng khớp xương sau 3 ngày gồng mình. “Ca cách ly thành công ngoạn mục”, câu nói được TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thể hiện niềm tin vào hiệu quả, cách làm sáng tạo của đội ngũ thầy thuốc quận nhà.
Để tiếp nối chiến thắng
Sau 2 tuần “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để phòng ngừa lây lan dịch Covid-19, đúng 0 giờ ngày 12-4, không khí tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội chẳng khác nào giao thừa khi hàng rào cách ly được chính thức dỡ bỏ. Nhiều bác sĩ, y tá bật khóc, cùng hô vang “Bạch Mai chiến thắng”. Trước đó, sau khi Hà Nội xử lý được ổ dịch liên quan tới ca thứ 17 và chuyến bay VN0054 thì những ngày sau đó cũng là giai đoạn mà Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước liên tiếp ghi nhận thêm người mắc Covid-19.
Khi có 16 ca mắc Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai, CDC Hà Nội đã điều hướng rất nhanh việc rà soát hơn 9.062 trường hợp liên quan đến ổ dịch. Cùng đó là kế hoạch rất lớn, xét nghiệm lần 2 cho 5.000 nhân viên và bệnh nhân trong bệnh viện.
Nhận thấy nguy cơ lây lan dịch Covid-19 từ Bệnh viện Bạch Mai là rất lớn, CDC Hà Nội quyết định đưa các trạm xét nghiệm di động dã chiến vào hoạt động. Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa các trạm xét nghiệm di động Covid-19 vào vận hành. Tất cả người có tiếp xúc với ca bệnh, cũng như người đã sử dụng dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10-3 đều được xét nghiệm nhanh...
Đã 1 giờ sáng, nhân viên tại Khoa Xét nghiệm thuộc CDC TP Đà Nẵng vẫn tất bật với công việc. Một ngày của họ là những chuyến đi không ngừng nghỉ. Nhận được thông báo, họ lập tức có mặt để lấy mẫu bệnh phẩm. Nhân viên trong những trang phục bảo hộ màu xanh, mặt đeo bảo hộ kín mít. Để lấy được mẫu dịch ngoáy họng, các nhân viên y tế phải đưa dụng cụ vào sâu khu vực hầu họng. Trong quá trình đó, họ phải thật cẩn thận, bởi đôi khi chỉ một vài động tác của bệnh nhân như: ho, hắt xì hơi, thở dốc trong khi lấy mẫu cũng khiến virus phát tán ra ngoài.
10 năm trong nghề, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng thuộc CDC TP Đà Nẵng, cho biết: “Đây là công việc thường xuyên của nhân viên y tế khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm với dịch bệnh. Tuy nhiên, lần này đặc biệt hơn, bởi đây là căn bệnh do chủng virus hoàn toàn mới gây ra khiến cả thế giới đang phải gồng mình đối phó. Trong quá trình thực hiện công việc, các nhân viên kiểm tra an toàn tuyệt đối việc sử dụng bảo hộ, xử lý các trang phục cũng như tất cả dụng cụ liên quan đến quá trình thực hiện”.
Theo dõi thông tin từ các CDC trên cả nước mới thấy, trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, số lượng mẫu bệnh phẩm cần xét nghiệm ngày càng tăng, dường như các nhân viên y tế tại khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng của các CDC đã có nguyên một cái Tết Nguyên đán Canh Tý chạy theo... Covid-19 để bảo vệ cộng đồng hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Đến nay, TPHCM đã kiểm soát tốt ổ dịch tại bar Buddha. Để có được kết quả này, đội ngũ y tế dự phòng cùng các đơn vị liên quan đã dốc sức điều tra, xác định và thực hiện cách ly, xét nghiệm đối với 4.483 người, trong đó 4.431 có kết quả âm tính và đã hết thời gian theo dõi. Dự kiến ngày 15-4 sẽ kết thúc theo dõi chuỗi lây nhiễm này. Theo CDC TPHCM, tính đến ngày 13-4, có 13 trường hợp đến quán bar có xét nghiệm dương tính, 6 trường hợp nhiễm do tiếp xúc gần với các trường hợp trên, trong đó có 1 ca nhiễm phát hiện tại Đồng Nai. |