Chỉ vài ngày nữa năm 2014 sẽ khép lại, nhìn về năm 2015 nhiều DN lớn đang tỏ ra khá lạc quan. Ngược lại, với hầu hết DN nhỏ hoặc siêu nhỏ, năm 2015 vẫn ngổn ngang nhiều nỗi lo.
Top trên về đích sớm
Mới đây, Công ty Vietnam Report công bố Báo cáo nghiên cứu thường niên Policy Debate số 8, với chủ đề: Khả năng phục hồi kinh tế Việt Nam: Góc nhìn của DN lớn. Nghiên cứu chỉ ra rằng năm 2014 đánh dấu sự chuyển mình trong sản xuất kinh doanh của các DN lớn.
Phần đông DN lớn đều cho biết doanh thu tăng hoặc cơ bản ổn định so với năm 2013. Đáng chú ý, tỷ lệ DN cho rằng tình hình kinh doanh xấu giảm dần qua các năm. Khảo sát DN lớn năm 2012 cho thấy tỷ lệ DN nhận định việc kinh doanh 2012 xấu hơn 2011 là 21,9%, trong khi tới năm 2014 tỷ lệ này giảm còn 9,1%.
Nghiên cứu cũng chỉ ra lý do DN lớn có thể tự tin như vậy một phần dựa trên thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trong năm nay. Theo thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500, tổng doanh thu của top 10 DN lớn nhất Việt Nam năm 2014 đạt xấp xỉ 2.354 ngàn tỷ đồng, tăng 14,8% so với top 10 năm 2013. Hệ số sinh lời ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản), ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của top 10 năm nay cũng tốt hơn nhiều so với năm ngoái. Những điều này đang làm gia tăng kỳ vọng kinh doanh cho năm 2015.
Thực ra ngay từ quý III rất nhiều DN đã hoàn thành chỉ tiêu lãi của năm 2014, thậm chí có DN còn vượt xa kế hoạch. Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố BCTC hợp nhất quý III-2014 với lãi sau thuế đạt 972 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2014, HAG đạt 1.653 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ và hoàn thành vượt 13% kế hoạch lợi nhuận năm.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố 9 tháng năm 2014, lợi nhuận dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 2.670 tỷ đồng, tăng 82,4% so với cùng kỳ 2013 và vượt kế hoạch lợi nhuận với tỷ lệ 25%. CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) báo lãi ròng hợp nhất quý III đạt 197,5 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng 565 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ và vượt 34% kế hoạch năm (421 tỷ đồng)…
Khá nhiều DN đang đặt ra những kế hoạch kinh doanh đầy lạc quan trong năm 2015. CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) cho biết đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2015 để trình ĐHCĐ sắp tới, như doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015 lần lượt đạt 23.590 tỷ đồng và 886 tỷ đồng, tăng mạnh so với kế hoạch 435 tỷ đồng… Có thể thấy với top DN này, khó khăn chung của nền kinh tế đang bị đầy lùi lại phía sau, nhường chỗ cho những đường đua mới trong năm 2015.
Tham vọng của Việt Nam là thúc đẩy phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu DN. Ngày 23-12 đã diễn ra lễ trao giải cho 63 DN lớn đạt danh hiệu thương hiệu quốc gia. Sau giải thưởng này, Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ cùng các DN tiếp tục xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện cho thương hiệu DN được thế giới biết đến và công nhận.
Điều này hết sức quan trọng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng. Bởi 2015 cũng là năm đánh dấu mốc quan trọng khi hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương được ký kết.
Top dưới vẫn thấp thỏm
Góc nhìn lạc quan của nhóm DN lớn cũng như những kết quả kinh doanh ấn tượng nói trên chỉ là phần sáng nhỏ nhoi trong bức tranh kinh tế năm 2015, bởi nhóm này chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn còn lại hơn 90% là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Năm 2014 tiếp tục ghi nhận một thực trạng đáng buồn khi số lượng DN buộc phải chia tay thị trường vẫn tiếp tục gia tăng.
Cụ thể, trong 11 tháng năm nay, cả nước có 60.340 DN gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này có 8.661 DN đã hoàn thành thủ tục giải thể; 10.147 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn; 41.532 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký. Điều này cho thấy cộng đồng DN vẫn trong giai đoạn khó khăn.
![]() |
Các DNNVV vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn, thị trường |
Điều lo ngại lớn là quy mô DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang có nguy cơ bị thu hẹp do những khó khăn kéo dài trong suốt mấy năm liền. Những điểm yếu cố hữu của nhóm DN này vẫn là thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và việc tiếp cận những nguồn vốn vay để cải tiến công nghệ, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh đang hết sức khó khăn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từng chia sẻ: “Việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang được coi là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế những năm qua. Tuy nhiên, khu vực DN dân doanh trong nước, nhất là DNNVV đang gặp nhiều khó khăn về tiếp cận các nguồn lực phát triển như vốn, thị trường, thiếu cơ chế hỗ trợ hữu hiệu từ phía Nhà nước”.
Những khó khăn trên đang đặt ra thách thức trong năm 2015 cho nhóm này, nhất là khi yêu cầu cạnh tranh bằng chất lượng đang được đặt lên hàng đầu. Liệu nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ có thể tồn tại trong một môi trường kinh doanh với sự tham gia của hàng hóa ngoại tràn ngập thị trường hay không vẫn đang là câu hỏi chưa thể trả lời ngay.
Nhưng một lần nữa yêu cầu về một môi trường kinh doanh công bằng và bình đẳng giữa khối DN trong nước và ngoài nước, giữa khối DNNN và tư nhân lại được đặt ra cấp bách.