Lãi suất bắt đầu hạ nhiệt

Không ồ ạt công bố nhưng một số NHTM đã bắt đầu điểu chỉnh giảm nhẹ lãi suất cho vay VNĐ với khách hàng doanh nghiệp.

Không ồ ạt công bố nhưng một số NHTM đã bắt đầu điểu chỉnh giảm nhẹ lãi suất cho vay VNĐ với khách hàng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ngược chiều với xu hướng này, lãi suất cho vay USD có xu hướng tăng ở một số NHTM.

Ưu tiên doanh nghiệp xuất khẩu

Trong tháng 7-2011, Eximbank dành 2.000 tỷ đồng tài trợ xuất khẩu với lãi suất 19,5%/năm, thời hạn cho vay tối đa 6 tháng. Nguồn tiền này nhằm bổ sung vốn thu mua hàng hóa, nguyên vật liệu, thanh toán các chi phí liên quan đến sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. VietinBank chi nhánh TPHCM cũng cho biết sẽ dành 2.000 tỷ đồng tài trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Hiện nay các NHTM chủ yếu cho vay ngắn hạn lãi suất 7,5-8,5%/năm. Ảnh: LÃ ANH

Hiện nay các NHTM chủ yếu cho vay ngắn hạn lãi suất 7,5-8,5%/năm. Ảnh: LÃ ANH

Lãi suất cho vay thấp hơn 2%/năm với VNĐ hoặc thấp hơn 1,5%/năm nếu vay USD. Riêng cho vay với doanh nghiệp không thuộc chương trình xuất khẩu năm 2011, mức giảm lần lượt 1%/năm (VNĐ) và 0,5%/năm (USD). Các NHTM như VIB, Maritime Bank cũng cho biết đã bắt đầu điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất cho vay với các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, Maritime Bank giảm 0,5% lãi suất vay VNĐ với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với khách hàng doanh nghiệp là đối tác chiến lược sử dụng nhiều dịch vụ của NH, lãi suất cho vay chỉ từ 17%/năm trở xuống.

Một phó tổng giám đốc của ACB cho biết do những chương trình ưu đãi lãi suất tài trợ xuất khẩu trước đây đã sử dụng gần hết hạn mức, mới đây NH đã đưa ra hạn mức cho vay mới, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường 0,2-0,25%/năm, phổ biến 18,5-19,5%/năm. Mặc dù giảm lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng các NH cho biết không cào bằng mà dựa trên cam kết của khách hàng bán lại ngoại tệ cho NH.

Trong khi các NH cổ phần lớn ưu tiên dồn vốn cho xuất khẩu, một số NH cổ phần nhỏ đã triển khai việc bơm vốn trung, dài hạn cho các công ty lớn. Đơn cử, tuần qua Oceanbank đã ký 2 hợp đồng tín dụng trị giá 21 triệu USD, thời hạn cho vay 12 tháng với CTCP Hóa dầu và xơ sợi tổng hợp dầu khí (PVTEX) và hợp đồng tín dụng 70 tỷ đồng thời hạn 2 năm với CTCP Sợi PVTex. Trước đó NH này đã cho dự án khách sạn quốc tế Lào Cai vay 60% tổng mức vốn đầu tư.

Lợi thế NH ngoại

Trong khi điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất cho vay tiền đồng, nhiều NH do thiếu nguồn vốn huy động ngoại tệ, đã tăng lãi suất cho vay USD lên 0,1-0,25%/năm. Trước đây, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 6-7,5%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-8%/năm đối với trung và dài hạn. Nhưng hiện nay các NHTM chủ yếu cho vay ngắn hạn với lãi suất 7,5-8,5%/năm. Việc tăng lãi suất cho vay USD cũng do gần đây các NHTM thỏa thuận lãi suất vượt trần huy động USD để hút ngoại tệ này. Hơn nữa, tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi ngoại tệ đã tăng làm chi phí huy động đầu vào với vốn ngoại tệ của các NHTM tăng theo.

Trong bối cảnh các NHTM nội địa do huy động USD giảm đã hạn chế cho vay USD, cũng là cơ hội cho các NH nước ngoài đẩy mạnh tín dụng ngoại tệ. Nhiều NH nước ngoài cho biết nhu cầu vay USD của doanh nghiệp vẫn còn cao, nhiều doanh nghiệp do khó vay USD ở NH nội địa đã chuyển sang vay USD ở NH nước ngoài.

Theo ông Dương Minh Toàn, lãnh đạo UOB (NH Singapore) tại Việt Nam, UOB có nguồn ngoại tệ giá rẻ ở nước ngoài nên vẫn cân đối được hạn mức để cho khách hàng doanh nghiệp vay nhập khẩu nguyên vật liệu. “Hiện tỷ giá giữa thị trường tự do và chính thức đã ngang nhau, nên những doanh nghiệp có đủ điều kiện vay USD thường chọn giải pháp vay USD nhập khẩu nguyên vật liệu, thay vì vay tiền đồng lãi suất còn cao” - ông Toàn nói.

Không chỉ cạnh tranh ở mảng tín dụng ngoại tệ, các NH nước ngoài đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay đối với tiền đồng. Hiện nay UOB cho vay doanh nghiệp lãi suất chỉ từ 18-19%/năm so với trước đây 20-21%/năm. Theo nhận định của một chuyên gia, những động thái trên của các NH nước ngoài buộc NHTM nội địa phải tính toán giảm lãi suất cho vay để tăng trưởng được tín dụng giai đoạn cuối năm.

Theo số liệu của NHNN, dù vẫn còn 9 NH chưa giảm được tỷ trọng phi sản xuất xuống 22% vào cuối tháng 6 (trong đó có 6 NH cổ phần, 2 chi nhánh NH nước ngoài và 1 công ty tài chính), nhưng đến nay dư nợ phi sản xuất của hệ thống NHTM đã giảm từ 18,78% (cuối năm 2010) xuống dưới 16% (tương đương 70.000 tỷ đồng). Như vậy, mục tiêu giảm tỷ trọng tín dụng xuống 16% đã hoàn thành trước hạn 31-12-2011. Đây là điều kiện thuận lợi để các NHTM tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo NH, muốn cho vay được, các NHTM phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Theo đó, từ nay đến cuối năm các NH phải cơ cấu lại dư nợ theo hướng giảm dần tỷ trọng cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất, tập trung vốn cho khu vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Vì vậy, tín dụng lãi suất thấp không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được.

Các tin khác