Lãi suất vẫn khó giảm

(ĐTTCO) - Những ngày cuối tháng 4, một số NHTM đã hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với các khoản vay mới, doanh nghiệp (DN) tốt vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, động thái hạ lãi suất chỉ mới diễn ra ở một số NH, trong khi vẫn đang còn rất nhiều áp lực kéo căng lãi suất cho vay trong năm 2016.

(ĐTTCO) - Những ngày cuối tháng 4, một số NHTM đã hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với các khoản vay mới, doanh nghiệp (DN) tốt vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, động thái hạ lãi suất chỉ mới diễn ra ở một số NH, trong khi vẫn đang còn rất nhiều áp lực kéo căng lãi suất cho vay trong năm 2016.

NHTM lớn đi đầu

Tối 28-4, VietinBank đã tiên phong công bố giảm lãi suất cho vay. Theo đó, với dự án sản xuất, kinh doanh, đầu tư trung và dài hạn VietinBank áp dụng lãi suất cho vay không vượt quá 10%/năm. Những dự án được NH đánh giá tốt, lãi suất còn giảm so với mặt bằng hiện nay khoảng 1%/năm. Ngày 29-4, BIDV cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VNĐ đối với các khoản vay mới 0,5%/năm đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; vay trung, dài hạn tối đa không quá 10%/năm. 

Hệ thống NHTM còn nhiều NH yếu kém, đồng thời nợ xấu còn nhiều là nguyên nhân khiến lãi suất huy động và cho vay khó xuống thấp được, ngay cả thời điểm lạm phát rất thấp.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Cùng ngày, Vietcombank thông báo mức lãi suất cho vay trung, dài hạn bằng VNĐ được điều chỉnh về tối đa 10% trong thời gian 1 năm. NH này còn dành gói ưu đãi lãi suất khoảng 300 tỷ đồng (có được từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hóa quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh) để hỗ trợ DN. Trong khi đó, ở khối NHTMCP hiện chỉ mới có SHB cam kết giảm lãi suất các khoản vay trung, dài hạn xuống 10%/năm, đồng thời cho biết sẽ xem xét giảm lãi suất 0,5%/năm so với mức hiện hành đang áp dụng.

Động thái giảm lãi suất cho vay của các NHTM nhằm hưởng ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN về việc duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ DN. Còn nhớ thời điểm cuối tháng 10-2014, NHNN đã áp trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ngành nghề. Theo đó, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực ưu tiên ở mức 7-8%/năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường 9-10%/năm đối với ngắn hạn, 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn. Từ đó đến nay, NHNN không áp thêm quy định về mức lãi suất cho vay, chỉ khuyến khích NH kéo giảm lãi suất để hỗ trợ DN. Để cạnh tranh, các NH đã tự điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên về mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, 9-10%/năm đối với trung và dài hạn; lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Việc một số NHTM giảm lãi suất cho vay là tín hiệu đáng mừng đối với DN. Tuy nhiên, số lượng NH giảm lãi suất vẫn còn khá ít và chỉ trong thời gian ngắn. Trong khi đó, lãi suất cho vay tại Việt Nam đang ở mức 7-11%/năm, bình quân 8,5%/năm, chỉ thấp hơn Ấn Độ (10%) và cao hơn mức lãi suất 6-7%/năm của các nước trong khu vực ASEAN, đồng thời cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Điều này là bất lợi cho DN khi Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới.

Áp lực kéo căng lãi suất

Nhìn vào chỉ tiêu lợi nhuận năm 2016, có thể thấy các nhà băng rất dè dặt khi đề ra kế hoạch kinh doanh. Bởi lẽ năm 2015 việc giảm lãi suất theo yêu cầu của NHNN đã kéo giảm chênh lệch lãi suất, cộng với việc trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC, một số NH dù tăng trưởng tín dụng cao, nhưng hoạt động kinh doanh không đạt như kỳ vọng. Theo tính toán của BIDV, giảm lãi suất 0,5% đối với khoản vay ngắn hạn và cho vay trung và dài hạn tối đa không quá 10%, NH sẽ giảm thu khoảng 400-450 tỷ đồng. Trong khi năm nay, tín dụng bất động sản bị siết lại, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dự kiến giảm từ 60% xuống 40%, sẽ gây bất lợi cho tăng trưởng tín dụng một số NH. Quý I-2016, lãi suất huy động của các NHTM cũng đã có 3 đợt tăng, trong đó kỳ hạn trên 12 tháng tăng lên mức 6,4-8%/năm. Điều này cho thấy các NH sẽ khó giảm lãi suất cho vay.

 

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất cho vay đang chịu rất nhiều áp lực. Năm nay, lạm phát được dự báo khoảng 3-5%, cao hơn nhiều so với mức 0,63% của năm 2015 nên người dân sẽ kỳ vọng lãi suất huy động tăng, gây áp lực đến lãi suất huy động của các TCTD. Đồng thời, nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) để bù đắp bội chi ngân sách cao hơn năm 2015 khoảng 220.000 tỷ đồng đẩy lợi suất TPCP tăng. Các NH cũng khó kéo giảm lãi suất huy động VNĐ vì lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm, nếu chênh lệch lãi suất VNĐ và USD giảm xuống dễ dẫn đến hiện tượng đầu cơ ngoại tệ, cản trở mục tiêu chống đô la hóa. Hơn nữa, nhu cầu vốn mở rộng sản xuất kinh doanh gia tăng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ gây áp lực lớn lên lãi suất cho vay, nhất là trong điều kiện tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 bắt đầu vượt cao hơn tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống, khi tín dụng tăng 17,29% huy động chỉ tăng 15,64%.

Trong điều kiện hiện nay, muốn giảm lãi suất cho vay 0,5-1%, theo nhiều chuyên gia, cần thực hiện một số giải pháp, như NHNN xem xét điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với VNĐ về 1% và 3% với ngoại tệ, giảm tỷ lệ dự trữ thanh khoản từ mức ≤ 10% về mức ≤ 8% để giải phóng thêm khoảng 100.000 tỷ đồng vốn tín dụng. Giảm lượng phát hành TPCP khoảng 10% để giảm sức ép lên lãi suất và cạnh tranh nguồn vốn trung và dài hạn. Đẩy nhanh cơ chế, thủ tục tái cấp vốn/cấp bù lãi suất nhằm tăng hiệu quả quay vòng vốn, đồng thời đẩy nhanh xử lý nợ xấu để các NH có thêm vốn để phục vụ DN. Đẩy nhanh tái cơ cấu các TCTD yếu kém còn lại nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất huy động vốn không lành mạnh khiến mặt bằng lãi suất cho vay chịu áp lực tăng… Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp này đòi hỏi phải có thời gian, vì vậy, việc kéo giảm lãi suất trong năm 2016 vẫn còn nhiều khó khăn.

Các tin khác