Tuần này, Quốc hội sẽ có phiên giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Theo TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, một trong những nguyên nhân gây khiếu kiện nhiều nhất trong lĩnh vực đất đai là chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng có sự chênh lệch quá lớn giữa giá nhà nước và giá thị trường. Ông Vân cho biết:
Có rất nhiều vấn đề đặt ra trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai nói chung và giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột về đất đai nói riêng.
Thứ nhất, nhóm các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ Luật Đất đai cho đến các nghị định hướng dẫn còn thiếu đồng bộ về chủ thể quyết định, phạm vi, đối tượng và định hướng phát triển, không gian phát triển; chưa đạt được mục đích của quản lý nhà nước.
Thứ hai, nhóm các quy định về giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến lịch sử hình thành quyền sử dụng đất của người dân. Phải có một chính sách nhất quán về vấn đề này. Thứ ba, nhóm quy định liên quan đến thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương có sự xung đột trong thẩm quyền giao đất, thu hồi đất và quyết định giá bồi thường.
PHÓNG VIÊN: - Vậy theo ông nên xử lý những quy định còn vướng mắc trên như thế nào?
TS. LÊ THANH VÂN: - Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều quan trọng phải vừa mở “cổng chung”, tạo được khuôn khổ pháp lý cho cả nước, vừa mở lối riêng, tạo điều kiện cho từng địa phương phát huy được lợi thế, linh hoạt thực hiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh riêng từng nơi.
Thứ hai, phải phân loại các tranh chấp đất đai thành từng quan hệ cụ thể, soi chiếu vào thực tiễn giải quyết các tranh chấp mấy chục năm qua, để từ đó rút ra bài học. Cái nào hài hòa nhất, hợp lý rồi, quy định thẳng vào luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết các tranh chấp; xác định rất rõ loại đất nào Nhà nước dứt khoát thu hồi, loại đất nào giao lâu dài cho người dân...
Thứ ba, thực tế cho thấy những xung đột về lợi ích trong đền bù giải phóng mặt bằng từ trước đến nay chủ yếu bắt nguồn từ chính sách 2 giá. Lâu nay chúng ta áp dụng không đúng và có tình trạng chênh lệch quá lớn giữa áp giá của Nhà nước và giá thị trường nên mới kích thích mạnh mẽ đến lòng tham của con người.
Do vậy, cần xử lý vấn đề này trong khi sửa đổi Luật Đất đai theo hướng phải phân cấp, phân quyền hết sức mạch lạc, rạch ròi. Chính phủ có thể quy định linh hoạt hơn khung giá bồi thường và trao quyền mạnh hơn cho cấp chính quyền gần dân hơn để họ cập nhật và xử lý giá cả về đất đai sát với giá thị trường hơn.
Trung ương chỉ đưa ra những tiêu chí mang tính nguyên lý, còn địa phương có thể đưa ra giá đền bù tương ứng với từng thời kỳ biến động của đất đai, từng vị trí đất cho từng loại đất và sự chênh lệch địa tô.
- Theo ghi nhận của Đoàn giám sát của UBTVQH, nhiều địa phương kiến nghị nên giải quyết tranh chấp hành chính về đất đai theo con đường tư pháp. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Tranh chấp hành chính là tranh chấp giữa nội bộ cơ quan hành chính trong việc áp dụng pháp luật cho từng trường hợp cụ thể; cơ quan hành chính cấp trên có quyền bác bỏ, sửa đổi văn bản của cấp dưới.
Ghi nhận tại phần lớn địa phương cho thấy việc giải quyết tranh chấp trong nội bộ cơ quan hành chính có 2 nhược điểm: dễ có sự bao che giữa cấp trên - cấp dưới và việc giải quyết phải theo trình tự, thứ bậc mất rất nhiều thời gian.
Ngay cả những người trong hệ thống cơ quan hành chính cũng cho rằng, tốt nhất nên đưa việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai ra tòa. Nhưng thực tế giải quyết tranh chấp hành chính về đất đai theo hướng đó cũng còn rất nhiều vấn đề bất cập và chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Vấn đề đặt ra là tòa án từng cấp có chức năng, thẩm quyền như thế nào và có tính độc lập ra sao trong việc ra các phán quyết tài phán về hành chính?
Theo tôi, nên đẩy mạnh theo hướng trao thẩm quyền cho tòa hành chính giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời, cần bảo đảm tính độc lập của tòa án trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo của công dân. Như vậy sẽ bảo đảm được việc chính quyền cấp gần dân nhất được phân quyền mạnh nhưng không thể lạm quyền và từ đó bảo đảm được lợi ích chính đáng của người dân.
- Sau phiên giám sát tối cao, nếu Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này, theo ông nên tập trung vào những điểm gì để có thể khắc phục được những hạn chế, bất cập trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai?
- Nếu Quốc hội ban hành nghị quyết về chuyên đề giám sát này, theo tôi nên tập trung vào 3 nhóm nội dung. Thứ nhất, giao Chính phủ, các cơ quan khác của Quốc hội và tòa án nhân dân rà soát lại những mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo trong các quy phạm pháp luật.
Qua đó hỗ trợ kịp thời việc nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai. Thứ hai, trong lúc chưa sửa đổi xong Luật Đất đai nên chọn những quy định liên quan trực tiếp đến việc giải quyết các tranh chấp đất đai có liên quan đến câu chuyện lịch sử kéo dài từ trước thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, phân hóa ra để xử lý trước, làm tiền đề cho việc chính thức hóa các quy định này trong Luật Đất đai sửa đổi.
Tiếp đó lọc lại những mâu thuẫn, xung đột trong thẩm quyền ra quyết định hành chính về đất đai để ngăn chặn việc ban hành văn bản một cách tùy tiện, thậm chí ban hành sai hình thức văn bản. Phải chỉnh đốn lại vấn đề này.
Thứ ba, yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, TAND Tối cao ngồi lại với nhau để kiểm điểm về thực trạng năng lực pháp lý của bộ máy chuyên môn để đánh giá chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của bộ máy, xem như vậy đã hợp lý hay chưa và nên mạnh mẽ trao thẩm quyền cho cấp chính quyền gần dân nhất.
- Xin cảm ơn ông.