Làm gì để trung tâm TPHCM như Singapore thu nhỏ?

(ĐTTCO) - Ngay sau khi khu vực trung tâm TP được trả lại mặt bằng khang trang, hoành tráng hơn trước, vào ngày 26-8, tại cuộc làm việc với UBND quận 1, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã gợi ý “quận 1 cần chủ động nghiên cứu, học tập Singapore trong việc ứng xử với khu trung tâm, sao cho khu vực này trở thành nơi có hoạt động kinh tế sầm uất, nhưng đảm bảo trật tự, vệ sinh, an toàn và cả công bằng nữa”. 
Rào chắn metro trên đường Lê Lợi đã được tháo dỡ, và dự kiến đây sẽ là phố đi bộ thứ 3 của TPHCM.
Rào chắn metro trên đường Lê Lợi đã được tháo dỡ, và dự kiến đây sẽ là phố đi bộ thứ 3 của TPHCM.
Lời gợi ý của Chủ tịch Mãi trở thành chủ đề sôi nổi cho các báo đài, ban ngành, giới chuyên gia và nhân dân bàn tán sôi nổi. Vấn đề là làm sao hiện thực hóa ý tưởng này? 
Thật ra ý tưởng Singapore hóa TPHCM không phải mới mà nó được nhắc đến từ hơn 10 năm trước. Nói đến Singapore ai cũng hình dung ra đó là một TP đảo quốc nổi tiếng xanh, sạch, đẹp, ngăn nắp và hợp lý, là hình mẫu cho nhiều quốc gia học tập. TPHCM đã từng có một thời kỳ lấy Singapore là trường hợp nghiên cứu để xây dựng chính sách.
Còn nhớ trong 2 nhiệm kỳ lãnh đạo của mình, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND đã mong ước TPHCM trở thành Singapore, và bà Thảo kiên trì theo đuổi mục tiêu này. Ba năm 2008, 2009 và 2010 TPHCM thực hiện kế hoạch “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, mà tác giả bài viết này là tác giả chính của đề án.
Đề án đưa ra các mục tiêu của nếp sống văn minh đô thị như không rải vàng mã, sạch vỉa hè, xanh đường phố, đẹp quảng trường… đã thu được kết quả rất tốt đẹp. Nhưng sau đó vì nhiều lý do khác nhau mà chương trình không tiếp tục nữa, một trong số đó là trung tâm TP bị xáo trộn gần 10 năm do triển khai tuyến Metro số 1. 
Mục tiêu biến khu vực trung tâm 930ha thành một Singapore là điều phải tính đến, nhưng trước mắt tập trung cho khu vực hạt nhân là các phố đi bộ bao gồm Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, quảng trường Quách Thị Trang là hoàn toàn khả thi, bởi sau khi hoàn trả lại mặt bằng khu này trở nên đẹp và thông thoáng hơn.
Thêm nữa khi xây dựng khu vực trung tâm TP là nơi đi bộ cần phải tính đến 12ha không gian ngầm dưới lòng đất sau khi ga trung tâm tàu điện ngầm đưa vào khai thác. Sự kết hợp giữa không gian nổi và ngầm này nếu khai thác tốt sẽ mang lại lợi ích to lớn cho TPHCM và sự thú vị cho du khách.  
Để làm cho nơi này không chỉ là nơi “hái ra tiền” mà còn xanh, sạch, trật tự, mỹ quan còn phải có sự tham gia tích cực của 4 chủ thể: sở chức năng, người dân đang sống ở khu hạt nhân, khách (du khách, người tham gia các giao dịch) và người bán hàng, làm dịch vụ từ nơi khác đến. Do vậy cần có một kế hoạch hành động thật chu đáo và chi tiết.
Trước hết, các sở chức năng như QH-KT, Xây dựng, VH-TT-DL cần tạo ra một không gian tiện tích và mỹ thuật với các công trình kiến trúc, tiểu cảnh, trang trí, tượng tròn, vườn hoa, thảm cỏ để làm sao cho không gian này thuận tiện cho người bộ hành di chuyển, nghỉ ngơi chốc lát và mua sắm, kể cả việc khôi phục 2 bùng binh “Bồn Kèn” và “Quách Thị Trang".
Và một điều mà Chủ tịch Phan Văn Mãi vẫn băn khoăn với 3 chuyện lớn, là khu vực này mỗi ngày thu hút hàng trăm ngàn, có thể cả triệu khách làm sao vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự xã hội, và sau nữa là sự tham gia của kinh tế vỉa hè. Hay như khách đến đây thì xe hơi, xe máy để đâu, không thể để trên vỉa hè hay đậu trên lòng đường được?
Cho đến nay TP hoàn toàn thất bại về 2 bãi đậu xe ngầm ở Công viên Tao Đàn và Lê Văn Tám. Và quận 1 hoàn toàn có thể thiết kế bãi đậu xe nổi nhiều tầng, tự động hóa, như thế tiết kiệm đất và chứa nhiều xe. 
Với việc giữ gìn trật tự  xã hội, hoàn toàn có lý khi ông Mãi nói quận 1 cần sử dụng triệt để IT vào việc quản lý hành vi của mọi người trong khu vực trung tâm. Điều này Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ  đã làm từ lâu ở các địa điểm công cộng.
Một trung tâm điều hành thông minh (big data) phục vụ riêng cho khu vực trung tâm là hoàn toàn hợp lý. Qua hàng trăm các camera, hàng ngàn cảm biến (nhiệt, âm thanh), trung tâm sẽ phát hiện  ra các trường hợp xả rác, đậu xe không đúng nơi quy định, cháy nổ, trộm cắp, hành vi không đúng thuần phong mỹ tục...
Tuy nhiên, để cho những người hoạt động ở khu vực trung tâm này chấp hành nghiêm các quy định, TP cần phải có những quy định hành vi rất rõ ràng, chi tiết được công bố bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh.
Như ở Singapore từ thời ông Lý Quang Diệu đến Ngô Tác Đống và bây giờ là Lý Hiển Long, bất cứ một hình thức chế tài nào được thực thi đều công bố rộng rãi trước 3 tháng cho tất cả dân chúng và khách du lịch biết, và đến giờ G là đồng loạt thi hành rất nghiêm khắc.
Chẳng hạn búng tàn thuốc, vứt vỏ kẹo phạt 300SGD (5 triệu đồng),  nhổ nước bọt ở nơi công cộng có thể sẽ bị phạt 1.000SGD (17 triệu đồng). Đùa giỡn trên đường phố vô tình gây ùn tắc giao thông sẽ bị phạt 5.000SGD (85 triệu đồng).
Một điều nữa cần nói đến là ở khu trung tâm này liệu người buôn bán hàng rong có được bén mảng đến không? Trước đây, ở  Hà Nội và TPHCM có một quan điểm giống nhau là đẩy người buôn bán hàng rong ra xa.
Mấy năm gần đây, TPHCM có chủ trương sắp xếp cho người bán hàng ở một số điểm cố định như công viên Bách Tùng Diệp, đường Nguyễn Văn Chiêm, nhưng kết quả mang lại rất khiêm tốn và số lượng người được kinh doanh rất ít. Bây giờ khu vực trung tâm nếu được coi là Singapore thu nhỏ liệu có họ không?
Quan điểm của Chủ tịch Mãi là “Đừng bao giờ trong đầu bất kỳ đồng chí nào nghĩ đây là chỗ của những người giàu, người sang trọng. Nếu có 100, 200 hay 300 người buôn gánh bán bưng cũng phải tìm hiểu họ là ai, cách thức như thế nào và tạo sinh kế gì cho người ta sống được; đừng nghĩ đẩy người ta ra khỏi chỗ này”.
Đây là quan điểm rất mới, táo bạo và rất nhân văn, nhưng thực thi nó rất khó. Đó là bài toán mà quận 1 cần phải xây dựng đề án trên cơ sở nghiên cứu rất bài bản làm sao dung hòa lợi ích giữa các bên.
Đúng là cần học tập Singapore và Bangkok, họ thành công trong chuyện này. Những kiểu như người bán hàng rong ở trong ô vuông hạn định, luân chuyển theo ngày, giờ, thực hiện các quy định về trang phục, dụng cụ thiết bị hành nghề, tuân thủ triệt để các quy tắc vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm cần được quận 1 tiếp thu có chọn lọc.
Chính các xe, gánh bán hàng rong thực phẩm, đồ lưu niệm, hoa tươi… góp phần tạo ra sự “bất ngờ không đoán định” làm cho phố phường trung tâm quận 1 trở nên sống động, hấp dẫn và đáng yêu. 
Do vậy việc nghiên cứu tạo ra một không gian tương tự như Singapore là điều cần được làm sớm, mà đó là bài toán của các nhà kinh tế- xã hội-văn hóa đô thị và các nhà quản trị xã hội. 

Các tin khác