Đơn cử, các mã TGG (Louis Capital) hay BII (Louis Land) đã bị Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Louis Holding, thành viên HĐQT TGG thông đồng với CTCK Trí Việt làm giá, đã có những diễn biến bất thường từ lâu.
Đầu tháng 10-2020, BII chỉ có giá 1.200 đồng/CP, nhưng đến 1-9-2021 CP này có giá gần 24.000 đồng/CP, nghĩa là tăng giá gần 20 lần chỉ trong chưa đầy 1 năm. Cách đây 1 năm, TGG chỉ có giá hơn 4.000 đồng/CP, chưa đầy 6 tháng sau CP này tăng giá lên đến gần 70.000 đồng/CP.
Chuyện CP tăng giá tính bằng lần, chục lần, thậm chí tăng trăm lần không có gì lạ nếu kèm theo đó là sự đột phá trong hoạt động kinh doanh, hoặc có những giá trị được lượng hóa rõ ràng. Còn trường hợp của BII, TGG hay một loạt CP đã được điểm mặt có yếu tố làm giá, không hề thấy yếu tố “chất lượng” ở đây.
Chắc chắn rằng, có rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) mua BII, TGG chỉ vì thấy… giá tăng và kỳ vọng cao hơn, còn không biết rõ tình trạng của doanh nghiệp như thế nào, kết quả hoạt động có tương xứng với đà tăng của CP hay không… Các yếu tố làm giá tại những CP trên có thể thấy rất rõ, nếu NĐT chưa có kinh nghiệm vẫn còn những “bộ lọc” bao gồm CTCK, hay báo chí chính thống với những bài viết chỉ ra các dấu hiệu đáng ngờ.
Hồi cuối năm 2010, khi Tổng giám đốc Dược Viễn Đông, Lê Văn Dũng bị bắt, đã gây rúng động cho những đội lái và những CP có tính đầu cơ. Nhưng điều này cũng không thể triệt tiêu hoàn toàn những đội lái, cá mập, vì theo thời gian các hình thái lũng đoạn, thao túng chứng khoán lại trở nên tinh vi hơn.
Nói như vậy để thấy rằng, ngoài việc chờ đợi cơ quan chức năng có những biện pháp mạnh tay để thanh lọc thị trường, chính các NĐT hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình để tránh những thiệt hại. Trong trường hợp NĐT thấy được những rủi ro tiềm ẩn, nhưng vẫn nhắm mắt đưa chân, mua vào những CP có yếu tố làm giá với kỳ vọng có thể chạy trước, thoát trước, đó là sự lựa chọn của cá nhân và phải chấp nhận những hệ quả đi kèm.
Ở đây có NĐT thu lãi từ những CP có yếu tố làm giá, nhờ việc mua thấp bán cao và vào đúng sóng, xét về ngắn hạn và hiệu quả đầu tư có thể là điều tích cực, nhưng về dài hạn chưa hẳn. Bởi lẽ, từ một NĐT, số ít NĐT tham gia theo cách này, dần dần sẽ trở thành số đông.
Nếu NĐT có thể tạo ra thông lệ về việc nói không với những CP kém chất lượng, làm giá lộ liễu sẽ rất tích cực để bảo vệ bản thân và những NĐT khác. Nhưng nếu vẫn canh chừng để đánh nhanh rút nhanh, có thể nói một cách gián tiếp vẫn sẽ tiếp tay để những hình thái làm giá khác xuất hiện.
Thực tế, nhìn bản chất của những hành vi trục lợi nói chung, đều tác động đến lòng tham của mỗi con người. Và bản thân các NĐT có thể thắng ở CP làm giá này, nhưng với CP khác chưa chắc. Xa hơn, nếu NĐT chỉ quan tâm đến những CP kém chất lượng, tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, việc có thể hình thành tư duy đầu tư phù hợp, hướng đến hoạt động giải ngân có tính dài hạn sẽ còn khá xa.
Việc này tưởng đơn giản nhưng thực tế lại không. Chẳng hạn, khi NĐT đã quen với việc đánh T+3, kỳ vọng CP trong ngắn hạn có thể sinh lãi 10-20%, làm sao có thể quen với việc “ôm” blue chips hay những CP có chất lượng vài tháng, thậm chí cả năm, dù rằng suất sinh lời của nhóm này cũng rất cao.
Nói tóm lại, NĐT cần biết tự bảo vệ mình trước, bằng việc thay đổi thói quen đầu tư, hướng đến CP chất lượng, dù có đánh ngắn, hay dài, cũng sẽ góp phần chung tay cùng cơ quan quản lý thanh lọc, làm sạch thị trường, bảo đảm lợi ích về dài hạn.