(ĐTTCO) - Đầu tháng 8 vừa qua, hơn 10 nhà khoa học cùng ký vào đơn kiến nghị về quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan gửi đến Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung xoay quanh việc nên tạm ngưng khai thác quặng titan, bởi đây là nguồn tài nguyên không tái tạo, rất quý giá, không nên khai thác để xuất khẩu thô như hiện nay, hãy để dành nguồn nguyên liệu này cho thế hệ mai sau theo đúng chiến lược phát triển bền vững. Riêng tỉnh Bình Thuận, các cồn cát đỏ có diện tích nhỏ, nếu khai thác titan sẽ chồng lấn lên các ngành kinh tế khác như điện gió, điện mặt trời, du lịch, trồng rừng…
Bình Thuận có tổng trữ lượng khoáng sản titan gần 600 triệu tấn, được Chính phủ chấp thuận cho phép khai thác với quy mô công nghiệp. Nhưng đến nay mới khai thác được 1 triệu tấn đã xảy ra 5 vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ titan gây ô nhiễm môi trường. Mới đây nhất, vào tháng 6-2016, sự cố vỡ hồ chứa nước tuyển quặng titan tại mỏ Suối Nhum, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, như thêm lời cảnh báo về rủi ro môi trường trong khai thác titan vùng ven biển tỉnh này.
Hồ tuyển quặng trên đồi cát cao 50m bị vỡ đã phá bề mặt đồi cát thành khe rộng 3m, sâu 2,5m và dài 350m, làm nước cuốn theo cát chảy xuống tràn lấp nhà dân, đường giao thông... Điều đáng nói, hàng chục mỏ titan nằm dọc bãi biển Bình Thuận đã tạo ra những “hố đen” khổng lồ. Cây xanh khu vực xung quanh chết trụi, nước sinh hoạt đầy bùn, phèn. Hầu hết mỏ này nằm ở địa hình cao, ven biển và được bao bọc bởi những lớp bùn cát sơ sài. Chỉ cần những cơn mưa lớn, sạt lở rất dễ xảy ra.
Vì thế, dù không có sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ, hoạt động khai thác titan ven biển Bình Thuận vẫn tác động xấu đến môi trường tự nhiên, cảnh quan ven biển, hệ sinh thái nông nghiệp. Thực tế, các dự án titan đã và đang làm thay đổi địa hình các cồn cát, do quá trình khai thác làm bề mặt địa hình cồn cát và trật tự địa tầng của các lớp cát bị xáo trộn. Hiện người dân ở các khu vực khai thác titan phải đối diện với các trận cát bay, cát chảy xâm lấn đất sản xuất.
Chưa hết, hiện tượng xói lở bờ biển do khai thác titan đang diễn ra khi nhiều ngôi làng ven biển ở Bình Thuận bị sóng biển tấn công. Theo thống kê của chính quyền Bình Thuận, trong đợt xâm thực biển đầu năm 2016 có đến 70 gia đình mất nhà, chủ yếu ở Bắc Bình, gần khu vực khai thác titan.
Ngoài ra, khai thác titan còn làm suy giảm nguồn nước ngầm - nguồn nước chủ yếu cung cấp cho cư dân sống ở cồn cát và canh tác nông nghiệp ở ven rìa cồn cát. Trong khi đó, tuyển rửa quặng titan sử dụng rất nhiều nước nên mực nước ngầm trong cồn cát bị hạ thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân trong vùng.
Đặc biệt, quá trình khai thác - vận chuyển - chế biến quặng titan gây phát tán các chất phóng xạ, có hại đến sức khỏe cộng đồng. Kết quả đo xạ tại khu vực khai thác và chế biến quặng titan ở Bình Thuận, cho thấy cường độ phóng xạ trong đống cát thải ra sau tuyển quặng tinh đều rất cao, vượt ngưỡng cho phép so với tiêu chuẩn an toàn phóng xạ 6-15 lần.
Theo quy định, trước khi được cấp phép khai thác titan, doanh nghiệp phải cam kết hoàn phục, trả lại thảm thực vật. Nhưng trồng cây trên vùng cát đã bị rửa sạch các chất dinh dưỡng là điều không đơn giản, nên thực tế việc hoàn thổ, phục hồi môi trường thường mang tính đối phó. Trong khi đó, toàn bộ quá trình đánh giá tác động môi trường và cấp phép dự án khai thác titan đều do Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt theo kiểu khai thác “cuốn chiếu”.
Nghĩa là dùng nguồn nước ngầm tại chỗ để tuyển quặng titan, xong rồi hoàn thổ và cứ thế lấn sang vị trí kế cận. Chính điều này tạo ra những hố chứa bùn lấn theo các vị trí khai thác. Địa hình ven biển Bình Thuận không bằng phẳng, chỗ lồi chỗ lõm, nếu chủ đầu tư bất cẩn trong gia cố bờ bao, bể chứa bùn, sẽ dễ xảy ra sự cố vỡ hồ chứa.
Trước thực trạng trên, trong Nghị quyết về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Bình Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất giai đoạn 2018-2023, Chính phủ đã quyết định tạm dừng các dự án khai thác titan tại tỉnh này. Dù những vùng khai thác titan ở Bình Thuận đã dừng hoặc tạm dừng, nhưng hoạt động này đã để lại hậu quả nặng nề cho môi trường và cuộc sống người dân.
Và để các dự án khai thác titan xé nát môi trường bờ biển Bình Thuận không chỉ có lỗi của nhà đầu tư, mà có cả trách nhiệm buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, của Bộ Tài nguyên - Môi trường trong việc cấp phép khai thác titan. Trách nhiệm này cần phải được làm rõ.