Theo thống kê của Bộ Công an, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên trên địa bàn cả nước là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người 14-16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Có những đối tượng chỉ 12-13 tuổi nhưng đã thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy...
Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi hành vi phạm tội. Cụ thể, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Chúng ta chưa có cuộc điều tra xã hội học thật nghiêm túc về tội phạm trong giới trẻ. Tuy nhiên, những hoàn cảnh càng khốn khó và môi trường càng lạc hậu, mức độ tội phạm vị thành niên càng đáng sợ hãi hơn. Không thể đổ hết mọi thứ cho cơ chế thị trường. Đúng là đồng tiền đang làm băng hoại đạo đức xã hội, nhưng tội phạm vị thành niên còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác.
Thử nhìn vào giáo dục hiện nay. Khái niệm “tiên học lễ, hậu học văn” được lưu truyền từ thời cha ông, nhưng vì căn bệnh thành tích, việc “học văn” đang ưu tiên đứng trước “học lễ”. So với dạy chữ, việc dạy người đang có phần bị xem nhẹ. Hiện nay tại các trường học chủ yếu chú trọng cung cấp kiến thức, chưa quan tâm đúng mức đến việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để định hướng hành vi ứng xử cho học sinh còn quá khiêm tốn.
Mải mê sinh kế, nhiều gia đình phó mặc con em cho nhà trường. Một số phụ huynh dường như không biết rằng, gia đình mới là cái nôi quan trọng nhất để hình thành nhân cách một con người tử tế. Một khảo sát đã đúc kết các động cơ dẫn đến tội phạm trong giới trẻ. Thí dụ, động cơ vụ lợi có tỷ lệ cao vì các em muốn được sang chảnh như bạn bè, muốn có nhiều tiền để đua đòi mua sắm.
Tiếp theo là động cơ mang tính chất hiếu chiến, trẻ vị thành niên có tâm lý muốn người khác phải sợ mình, phải phục tùng mình nên tìm cách chứng tỏ sức mạnh bằng những hành vi ngang ngược, hoặc kéo bè cánh phô diễn sự hung tợn dẫn đến hậu quả phải trả giá đắt.
Ngoài ra, động cơ đi ngược với xã hội cũng đã hình thành ở những tội phạm vị thành niên. Một số trẻ vị thành niên đi theo con đường phạm tội do muốn chống đối gia đình, hoặc do không tìm thấy tiếng nói chung với cha mẹ. Động cơ đi ngược với xã hội dễ xảy ra ở những trẻ vị thành niên cảm thấy thất vọng với cuộc sống vì bố mẹ ly hôn hoặc bố mẹ ích kỷ.
GS.TS Đặng Cảnh Khanh có nhiều năm công tác ở Viện Nghiên cứu Thanh thiếu niên, nhận định: “Sự phát triển của kinh tế thị trường dẫn đến cuộc sống luôn gấp gáp, căng thẳng đã khiến con người phải chịu quá nhiều áp lực. Những người này dễ rơi vào trầm cảm hoặc không kiểm soát nổi hành vi của mình. Họ dễ nóng giận, tức tối với những gì không vừa ý mình và chọn bạo lực để xử lý nhanh các tình huống.
Thanh thiếu niên cũng đang phải sống trong một xã hội luôn căng thẳng với việc học hành, thi cử, tìm kiếm việc làm thêm, thu nhập... cùng vô vàn mối quan hệ phức tạp. Lúc rảnh rỗi và giải trí lại tiếp xúc với những hình ảnh bạo lực từ phim ảnh, sách báo đến trò chơi điện tử”.
Một vài ý kiến cho rằng, cần tăng cường sự trừng phạt đối với giới trẻ phạm tội. Thiết nghĩ, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế bảo vệ quyền trẻ em, giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với trẻ vị thành niên không phải bằng tăng hình phạt, mà chính là sự quản lý giáo dục và các chính sách dành cho trẻ em. Bởi thực tế, tội phạm trong giới trẻ hầu hết đều kém hiểu biết pháp luật.
Do đó, cần tăng cường tổ chức tuyên truyền pháp luật cho đối tượng thanh thiếu niên. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng lứa tuổi, từng địa bàn. Khi cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện các hành vi phạm tội của thanh thiếu niên cần đưa ra xử lý nghiêm minh, và đẩy mạnh sự tuyên truyền để loại trừ các tư tưởng manh nha vi phạm pháp luật ở những đối tượng “ăn chưa no, lo chưa tới”. Việc giáo dục đạo đức phải kết hợp với giáo dục pháp luật.
Trong thời đại công nghệ, sự lan tỏa của internet và điện thoại thông minh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi sa ngã của trẻ vị thành niên. Cho nên, cần tăng cường các biện pháp quản lý xã hội, đặc biệt là quản lý trên không gian mạng. Trẻ vị thành niên là đối tượng chưa biết chọn lọc để loại trừ các thông tin có tính kích động nên phải ban hành và thực hiện các quy phạm pháp luật để quản lý chặt chẽ nhà mạng, các dịch vụ online có liên quan đến sự hình thành nhân cách của trẻ em.
Khi đã mạnh dạn đề cập đến tội phạm gia tăng trong giới trẻ, có lẽ cũng nên nhắc một thuật ngữ quan trọng trong ngành xã hội học là “sự chuyển dời áp bức”. Cha mẹ dùng bạo lực để đối xử với con cái, thì con cái dùng bạo lực với bạn bè. Cấp trên đối xử đê hèn với cấp dưới, thì cấp dưới đối xử đê hèn với đồng nghiệp.
Cứ thế, cái thói thủ lợi tranh đoạt chiếm hữu lan tràn, và trẻ vị thành niên là nạn nhân hứng chịu mọi hệ lụy. Sự tha hóa không phải tự nhiên hình thành, nó chỉ xuất hiện khi tất cả cuống cuồng chạy theo vật chất, mặc kệ mọi thành bại khốn khó xung quanh. Vì vậy, mỗi người hãy tự nhìn lại mình và học cách quan tâm đến trẻ vị thành niên gần gũi với mình để cái xấu, cái ác không có cơ hội hoành hành.