Lận đận phận tôm

Từ nhiều năm nay, Nhật Bản đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thị trường tôm Việt Nam vấp phải nhiều rào cản kỹ thuật nhất.

Năm 2010, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản gặp lao đao vì dư lượng trifluralin, một hoạt chất diệt cỏ. Sang năm 2011, khi trifluralin lắng xuống, vấn để dư lượng kháng sinh enrofloxacin ở các lô tôm xuất khẩu sang Nhật Bản lại nóng lên.

Đầu năm nay, khi cả trifluralin lẫn enrofloxacin đã được kiểm soát khá tốt, tôm xuất khẩu vướng vào dư lượng ethoxyquin.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết hiện Nhật Bản đang cho kiểm tra chất ethoxyquin với 30% lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam, chỉ cần 1-2 lô hàng tiếp tục bị phát hiện chất này thì sẽ nâng mức kiểm tra lên 50% và sau đó thêm 1-2 lô hàng bị phát hiện ethoxyquin nữa sẽ bị kiểm tra 100% lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo chia sẻ của các DN, ethoxyquin là chất chống oxy hóa, dùng trong thức ăn nuôi tôm. Nhiều nước trên thế giới và cả Nhật Bản đều sử dụng chất này trong thức ăn thủy sản. Không giống như các chất bị cảnh báo khác, hiện chưa có một nghiên cứu nào cho thấy chất ethoxyquin ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Hiện tôm Việt Nam xuất vào Nhật đang phải chịu mức quy định rất ngặt ngèo là 0,01ppm (Việt Nam đang cho phép mức 150ppm), mức các DN Việt Nam chưa thể thực hiện được. Trước tình hình này, Tổng Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay cục sẽ làm việc với Vasep để tìm nguyên nhân và giải pháp.

Rất có thể, nếu chất ethoxyquin làm ảnh hưởng đến thị trường Nhật Bản thì Tổng cục Thủy sản sẽ có lệnh cấm sử dụng chất này trong sản xuất thức ăn thủy sản.

Song khi cấm ethoxyquin, các DN có thể sử dụng BHT (butylated hydroxyl toluene), BHA (butylated hydroxyl Anisole) để thay thế. Nhưng liệu BHT và BHA có tiếp tục bị phía Nhật Bản cảnh báo, cấm hay không là câu hỏi mà ngay cả phía Vasep cũng đang lúng túng tìm câu trả lời.

Giả như bị cảnh báo chúng ta lại cấm hay sao? Cái vòng quay bị cảnh báo, cơ quan chức năng kiểm tra và cấm sử dụng đang trở nên luẩn quẩn. Số phận con tôm vào Nhật sao quá lận đận.

Và để tạm tìm cách cứu vãn tính hình, các DN đang phải tự xoay sở, tự nuôi tôm cho đạt tiêu chuẩn, hoặc lấy mẫu tôm trước khi thu hoạch ở đầm nuôi đi xét nghiệm. Song tất cả chỉ là những giải pháp tình thế, hầu hết các DN phải giảm lô hàng xuất sang Nhật Bản.

Cũng như những lần trước, việc tôm Việt Nam bị cảnh báo tại Nhật Bản không chỉ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu tại thị trường này mà còn làm tôm Việt Nam bị “dò xét” nhiều hơn khi vào các thị trường khác.

Các tin khác