Không phải đến khi Việt Nam mở cửa kinh tế thì mới có những tờ báo chuyên về kinh tế, mà từ hơn 100 năm trước đã có tờ Nông Cổ Mín Đàm. Số báo đầu tiên phát hành ngày 1-8-1901, báo Nông Cổ Mín Đàm (uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn) đặt trụ sở tại số 84 đường De La Grandiere Sài Gòn (đường Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM bây giờ).
Với mục đích hướng dẫn cách làm ăn cho giới thương nhân và vận động cải tiến phương pháp sản xuất nông nghiệp, Nông Cổ Mín Đàm là tờ báo kinh tế đầu tiên của nước ta, do tư nhân bỏ vốn, giá bán cho người Việt Nam rẻ hơn giá bán cho người nước ngoài.
Báo Nông Cổ Mín Đàm do các nhà báo nổi tiếng bấy giờ làm chủ bút, lần lượt là Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt... Tờ báo tồn tại được 13 năm, số cuối cùng ra vào tháng 11-1924. Ê-kíp thực hiện Nông Cổ Mín Đàm sau đó đổi tên tờ báo thành Tân Đợi Thời Báo và xuất bản thêm 3 năm nữa.
Nông Cổ Mín Đàm, tờ báo chuyên về kinh tế
đầu tiên của Việt Nam.
đầu tiên của Việt Nam.
Trước khi chuyển sang thay Trần Chánh Chiếu (1868-1919) làm chủ bút Nông Cổ Mín Đàm, Trần Chánh Sắt (1868-1947) đã đảm nhận vị trí chủ bút Lục Tỉnh Tân Văn khoảng 50 số đầu tiên (trụ sở đặt tại số 4 đường Amiral Krantz; đường Hàm Nghi, quận 1, TPHCM bây giờ).
Tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn khởi sự xuất bản từ ngày 15-11-1907, mỗi tuần ra 2 số, rồi phát hành định kỳ vào thứ 2, 4 và 6. Những chủ bút tiếp theo của Lục Tỉnh Tân Văn như Lê Hoằng Mưu, Lâm Văn Ngọc... đã đưa tờ báo thành diễn đàn dành cho người Việt yêu nước. Tờ báo đã nhận được sự cộng tác của nhiều trí thức lúc ấy như Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Trần Huy Liệu...
Tháng 3-1913, Lục Tỉnh Tân Văn ra thêm ấn phẩm Đông Dương Tạp Chí. Ngày 1-10-1921, Lục Tỉnh Tân Văn sáp nhập với Nam Trung Nhựt Báo, vẫn lấy tên Lục Tỉnh Tân Văn để trở thành tờ báo tiếng Việt hàng ngày đầu tiên tại Việt Nam. Do ảnh hưởng của chiến tranh thế giới thứ hai khiến giấy in khan hiếm, Lục Tỉnh Tân Văn phải đóng cửa ở số báo cuối cùng ra ngày 30-9-1944.
Nếu Nông Cổ Mín Đàm là tờ báo chuyên về kinh tế đầu tiên và Lục Tỉnh Tân Văn là tờ báo phát hành hàng ngày đầu tiên, Nữ Giới Chung (tiếng chuông của nữ giới) là tờ báo dành cho phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam. Tờ báo phát hành thứ sáu hàng tuần, số đầu tiên ra ngày 1-2-1918, do nữ sĩ Sương Nguyệt Anh làm chủ bút. Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864-1921) là con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888). Sau khi cha mất, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh lên Sài Gòn làm báo. Bà từng bán phân nửa ngôi nhà mình đang ở để lấy tiền ủng hộ phong trào Đông Du, nên tư tưởng tiến bộ vì dân tộc của bà được phản ánh đầy đủ trên tờ báo Nữ Giới Chung.
Tờ báo Nữ Giới Chung đặt trụ sở ở số 15 đường Taberd (đường Nguyễn Du, quận 1, TPHCM bây giờ) mỗi tuần có 18 trang báo, với phương châm “nâng cao luân lý và đạo đức cho phụ nữ”. Ngoài chủ trương đấu tranh với những phong tục cổ hủ và sự bất bình đẳng nam nữ, tờ báo còn đẩy mạnh thông tin hướng dẫn nữ công gia chánh, cổ vũ phụ nữ tham gia hoạt động trồng trọt, mỹ nghệ. Sự ra đời của Nữ Giới Chung thực sự tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho phụ nữ Việt từ thành thị đến nông thôn. Dù vậy tờ báo gặp nhiều trở ngại về tài chính và chỉ tồn tại được 5 tháng. Cuối tháng 7-1918, Nữ Giới Chung đình bản và đổi thành tờ báo Đèn Nhà Nam phát hành được 5 số.
Nữ Giới Chung, tờ báo dành cho phụ nữ đầu tiên của Việt Nam.
Trong 3 thập niên đầu tiên thế kỷ 20 cũng có nhiều tờ báo tiếng Việt được yêu thích khác tại Sài Gòn, như Nhựt Tân Báo (1922-1929), Đông Pháp Thời Báo (1923-1929), Thần Chung (1929-1930)… Tại Hà Nội, tờ báo tiếng Việt đầu tiên do tư nhân bỏ vốn là Đại Việt Tân Báo, đặt trụ sở tại số 90 phố Hàng Mã. Đại Việt Tân Báo do nhà báo Đào Nguyên Phổ (1861-1908) làm chủ bút, số đầu tiên ra ngày 21-5-1905 và số cuối cùng ra ngày 5-5-1908.
Nhắc đến báo chí Hà Nội giai đoạn ấy, không thể không nhắc đến 2 tờ báo lừng lẫy là Nam Phong Tạp Chí và Trung Bắc Tân Văn. Tồn tại từ năm 1917 đến 1934, Nam Phong Tạp Chí do Phạm Quỳnh (1892-1945) làm chủ bút, còn Trung Bắc Tân Văn là tờ báo phát hành hàng ngày đầu tiên tại Hà Nội từ năm 1915 đến 1941, do Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) làm chủ bút.
Dù không có được độ mở thị trường như Sài Gòn và Hà Nội, nhưng báo chí tại Huế cũng có thành tựu riêng. Nếu Thần Kinh Tạp Chí do Tham tán Tòa Khâm sứ Lê Thanh Cảnh thành lập được hoạt động từ năm 1927 đến năm 1942 như một cơ quan của giới cầm quyền, thì tờ báo Tiếng Dân do Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) làm chủ bút lại đứng về phía giai cấp cần lao. Tờ báo Tiếng Dân được cấp giấy phép ngày 12-2-1927 và đình bản ở số báo ra ngày 28-4-1943, tập hợp được nhiều nhân sĩ như Đào Duy Anh, Trần Đình Phiên, Nguyễn Quý Hương, Nguyễn Xương Thái...
Trên tờ báo Tiếng Dân số 175 ra ngày 1-5-1929, chủ bút Huỳnh Thúc Kháng có bài “Tự do ngôn luận”, bộc bạch tâm sự của những nhà báo sống trong sự đô hộ của ngoại bang: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”. Đích thân chủ bút Huỳnh Thúc Kháng cũng viết nhiều bài báo mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trên tờ báo Tiếng Dân.
Gần 100 năm đã trôi qua. Ánh sáng của xa xưa hắt lại hôm nay nhiều nhung nhớ và buồn thương. Báo chí tiếng Việt thế kỷ trước với muôn vàn khó khăn, vẫn có giá trị nhắc nhở những người làm báo hôm nay về tinh thần dấn thân và trách nhiệm cống hiến cho cộng đồng. Báo chí tiếng Việt thuở ấy để lại những tấm gương sống tốt đẹp của những nhân vật có xuất thân khác nhau đã hết lòng phụng sự báo chí, như kỹ sư canh nông đầu tiên của Việt Nam Bùi Quang Chiêu (1872-1945), luật sư Diệp Văn Kỳ (1895-1945), luật sư Phan Văn Trường (1876-1933), chí sĩ Nguyễn An Ninh (1900-1943)...