Làng hương Quảng Phú Cầu hối hả dịp cận Tết

(ĐTTCO) - Những xưởng sản xuất chân hương ở Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hoà, Hà Nội) đang nhộn nhịp chuẩn bị sản phẩm cho dịp cuối năm.

Thời điểm cận Tết, những nhân công làm tăm hương làm luôn chân luôn tay không hết việc (Ảnh: Minh Toàn).
Thời điểm cận Tết, những nhân công làm tăm hương làm luôn chân luôn tay không hết việc (Ảnh: Minh Toàn).

Làng nghề tăm hương "vào mùa"

Nghề làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu là nghề truyền thống của người dân ở đây. Đây là nghề làm quanh năm, tuy nhiên cuối năm mới là thời điểm "vào mùa" của các hộ gia đình sản xuất tăm hương trên địa bàn. Do nhu cầu tăng cao dịp cuối năm mà hầu hết các xưởng trong khu vực đều đẩy mạnh hoạt động sản xuất.

Là người có kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề làm tăm hương cô Đỗ Thị Xếp (64 tuổi, nhân công làm tăm hương) và cũng là người chứng kiến sự "thay da đổi thịt" của làng nghề. Cô Xếp cho biết: "Thời điểm cuối năm làm luôn chân luôn tay không hết việc vì đơn đặt hàng nhiều. Đầu năm với cuối năm thì nhiều…Người ta đi lễ, đi chùa đều phải có nén hương nên họ mua nhiều…".

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế mà sản phẩm tăm hương đầu ra giảm 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đây là thời điểm "vào mùa" nên lượng sản phẩm sản xuất cũng tăng mạnh hơn thời điểm giữa năm.

Là làng nghề truyền thống tuy nhiên, người dân Quảng Phú Cầu cũng đã kết hợp hoạt động du lịch quảng bá hình ảnh cùng hoạt động sản xuất. Thậm chí, với nhiều xưởng sản xuất có cách bày trí đẹp mắt, thu nhập từ hoạt động du lịch đã vượt qua lợi nhuận từ hoạt động sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Bản (69 tuổi, xã Quảng Phú Cầu) cho biết: "Thời gian gần đây, có nhiều khách du lịch cả trong nước và quốc tế để với Quảng Phú Cầu để tìm hiểu, tham quan, chụp ảnh với hoạt động sản xuất tăm hương truyền thống của làng. Dịp cận Tết, lượng khách có tăng so với dịp giữa năm. Khoảng 100-200 đoàn khách 1 ngày…".

Dọc đường vào làng sắc đỏ, sắc hồng từ những bó chân hương nhuộm đỏ cả hai bên lề đường, cạnh bờ mương, các bãi đất trống… Những máy chẻ chân hương hoạt động hết công suất để kịp đưa vào thị trường phục vụ cho dịp tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.

Những bó tăm hương được nhuộm nhiều màu, xếp và phơi theo hình lá cờ, bản đồ… với mục đích để khách đến tham quan và check-in. Một lượt vào chụp ảnh có giá từ 50.000 - 100.000 đồng.

Việc làm này vừa có thể tạo thêm thu nhập lại vừa có thể quảng bá thêm thương hiệu của làng nghề nên hiện nay có không ít xưởng sản xuất đang triển khai mô hình tương tự. Quảng Phú Cầu không còn là nơi chỉ giữ cái hồn của một vật phẩm mang ý nghĩa văn hóa tâm linh mà còn là địa điểm đẹp thu hút khách du lịch.

Hiện đại hóa nghề truyền thống

Nghề làm tăm hương truyền thống của xã Quảng Phú Cầu chủ yếu phát triển ở thôn Phú Thượng với quy mô các hộ gia đình. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, "thương hiệu" tăm hương Quảng Phú Cầu phát triển, mở rộng đến các địa phương khác như Đạo Tú, Cầu Bầu…Vốn là nghề phụ, làm lúc nông nhàn, đến nay, nghề làm tăm hương đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình trong khu vực.

Nghề làm tăm hương vốn là nghề thủ công của làng. Để tạo ra tăm hương thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao của những người nông dân. Theo ông Nguyễn Hữu Long (58 tuổi, chủ xưởng sản xuất hương Long Hoà) cho biết: "Để tạo ra cây hương thành phẩm, người dân phải đến tận Lào để chọn vầu, trực tiếp chẻ vầu, phơi vầu, lọc chân hương đạt chất lượng, đem nhuộm màu, phơi khô rồi mới se nhang được".

Với những bó chân hương được trưng bày cần được kiểm tra kỹ lưỡng và nhuộm lại thường xuyên, để phục vụ tốt nhất những du khách đến làng (Ảnh: Minh Toàn).

Trước đây, các hộ trong vùng chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình nên toàn bộ các công đoạn đều được làm thủ công. Trước đây, với cách làm truyền thống, khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công đoạn đã được giản ước đi bởi có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất. Điều này làm tăng hiệu quả công việc lên gấp 3 thậm chí gấp 4 lần trước đây. Trung bình một người thợ một ngày có thể hoàn thiện được 15-20kg thành phẩm.

Hiện nay, trên thị trường có không ít sản phẩm cạnh tranh với tăm hương Quảng Phú Cầu. Tuy nhiên, điểm độc đáo của hương đen Xà Cầu là được làm từ than đen và nhựa trám. Vì vậy mà chỉ có hương đen Xà Cầu sở hữu màu đen và mùi thơm từ nhựa trám rừng… Chính vì được chọn lọc từ những nguyên liệu thiên nhiên ấy nên rất khó để hương đen Xà Cầu có thể bị chiếm mất vị trí trên thị trường.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát không ít xưởng đã phải giảm công suất từ 20-50%. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở đã cơ bản phục hồi và phát triển. Dù phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm khác, tuy nhiên nhiều xưởng vẫn phân phối hương đi nhiều đại lý lớn trên toàn quốc, thậm chí xuất khẩu sang nước ngoài. Thậm chí, nhiều hộ dân đã kết hợp hoạt động tham quan, du lịch với hoạt động sản xuất để tăng thêm thu nhập.

Trải qua hơn 100 năm, làng hương Quảng Phú Cầu đã có nhiều thăng trầm biến đổi, nhưng những con người nơi đây vẫn say mê với nghề truyền thống làm tăm hương. Bàn tay khéo léo của người thợ vẫn cần mẫn cả ngày lẫn đêm, góp phần để những ngôi nhà, mái chùa Việt luôn nồng ấm hương thơm của những nén nhang mỗi dịp Tết đến xuân về.

Các tin khác