Với lịch sử tồn tại gần 6 thế kỷ, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương) đã trở thành biểu tượng của làng nghề truyền thống tỉnh Thái Bình.
Trải qua biến cố, thăng trầm của lịch sử và dòng chảy xã hội hiện đại, những nghệ nhân vẫn ngày ngày nỗ lực gìn giữ nét tinh hoa độc đáo hiếm nơi nào có được để thương hiệu “chạm bạc Đồng Xâm” còn mãi.
Sức sống làng nghề 600 năm tuổi
Trong những lời ca tha thiết, ngọt ngào của bài hát “Nắng ấm quê hương” viết về quê hương Thái Bình do nhạc sỹ Vĩnh An sáng tác có câu “Tay em trổ vàng, tay anh chạm bạc." Đó là cách miêu tả bằng lời ca và âm điệu của nhạc sỹ về làng nghề chạm bạc Đồng Xâm nổi tiếng.
Theo văn bia còn lưu giữ tại Đền thờ tổ nghề chạm bạc, vào thế kỷ XV, cụ Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề hàn xanh, hàn nồi đồng lên châu Bảo Lạc (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) hành nghề rồi trở về làng truyền dạy nghề cho dân.
Ban đầu, người trong làng mới chỉ làm nghề đồng doa, sửa chữa các đồ bằng đồng, sau phát triển thành nghề mỹ nghệ chuyên chạm khắc các đồ gia dụng bằng đồng, dần dần làm được đồ trang sức bằng vàng, bạc...
Thời kỳ hưng thịnh nhất, các nghệ nhân làng Đồng Xâm đi khắp mọi miền đất nước, lan tỏa tinh hoa, giá trị của làng nghề.
Thời Nguyễn, các nghệ nhân vào tận Huế để chạm trổ cung kiếm, đồ trang sức cho triều đình. Cùng với Hàng Bạc, làng Định Công (Hà Nội), làng Đồng Xâm (Thái Bình) là 3 địa danh nổi tiếng ở Việt Nam có nghề chạm bạc truyền thống. Mỗi làng nghề có bí quyết riêng, tạo nên nét độc đáo, tinh xảo của từng thương hiệu.
Nét chạm tinh xảo của nghệ nhân làng nghề chạm bạc Đồng Xâm. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Nghệ nhân Đinh Quang Thắng (66 tuổi, thôn Nam Hòa) là thế hệ thứ tư trong gia đình có truyền thống làm nghề chạm bạc tại xã Hồng Thái. Sau những năm tháng tham gia quân ngũ, ông Thắng trở về quê hương tiếp tục “giữ lửa” nghề của cha ông bằng tất cả tâm huyết và tình yêu với nghề chạm bạc-nơi ông sinh ra, lớn lên.
Hơn 30 năm gắn bó nghề “trổ vàng, chạm bạc," nghệ nhân Đinh Quang Thắng vẫn kiên trì gìn giữ những kỹ thuật tinh xảo của làng nghề truyền thống với chạm khắc thủ công là chủ yếu, qua đó, tạo nên nét khác biệt riêng có từ sản phẩm do ông chế tác.
Nghệ nhân Đinh Quang Thắng chia sẻ, chạm bạc là nghề khó, không phải ai cũng làm được. Ngoài yếu tố khéo léo của đôi tay, sáng tạo của bộ óc, nghề này còn đòi hỏi tính cẩn thận, kiên trì trên từng chi tiết nhỏ và đam mê của người thợ.
Để làm ra một sản phẩm chạm bạc hoàn chỉnh cần nhiều thời gian và có tới 10 công đoạn khác nhau nhưng chạm là kỹ thuật khó nhất, quyết định sự tinh xảo của sản phẩm.
Có những sản phẩm công phu phải mất cả năm mới hoàn thiện nhưng với nghệ nhân chạm bạc đó là tác phẩm nghệ thuật từ đôi bàn tay, trí óc, thể hiện nét tài hoa của người thợ khi biến những tấm nguyên liệu thô sơ thành sản phẩm có nét hoa văn khắc chìm, chạm nổi rất tinh tế, uyển chuyển.
Nghệ nhân Triệu Đăng Khoa, Chủ tịch Hội làng nghề chạm bạc Đồng Xâm cho biết Hội hiện có 50 thành viên, trong đó, có 6 nghệ nhân. Năm 2010, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cấp bằng chứng nhận làng nghề chạm bạc Đồng Xâm là một trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc.
Hoàn thiện tác phẩm “Thuận buồm xuôi gió” của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Các sản phẩm của làng nghề Đồng Xâm rất đa dạng và được phân làm 3 nhóm chính gồm đồ thờ-trang trí (các loại đỉnh, vạc, lư hương, đĩa quả, chân đèn, tứ linh, tranh); đồ gia dụng (các loại bát, đĩa, ấm, chén) và đồ trang sức (các loại dây chuyền, xà tích, nhẫn, hoa tai, lắc, vòng, trâm, khánh...)
Dù phải cạnh tranh với nhiều loại sản phẩm chạm bạc trên thị trường song hàng chạm bạc Ðồng Xâm vẫn được ưa chuộng bởi kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, các đồ án trang trí cân đối, đặc biệt thủ pháp xử lý sáng-tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc.
Phát triển bền vững làng nghề
Ông Nguyễn Văn Niết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồng Thái cho biết xã hiện có gần 160 tổ sản xuất làm nghề chạm bạc, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động. Với giá trị độc đáo, chạm bạc Đồng Xâm vẫn khẳng định được vị trí trên thương trường và mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân, đóng góp trên 60% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Đồng thời góp phần chuyển dịch lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện sản phẩm chạm bạc Đồng Xâm có mặt ở nhiều nơi trên cả nước và được xuất khẩu ra nước ngoài.
Từ cái nôi ở xã Hồng Thái, ngày nay, nghề chạm bạc đã phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa, lan tỏa sang các địa phương lân cận, thu hút hàng ngàn thợ trẻ, đào tạo thợ kim hoàn giỏi cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đó là niềm tự hào và động lực lớn để nhân dân địa phương tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống của cha ông.
Chị Tạ Thị Tươi (chủ cơ sở Thái Úy, xã Hồng Thái) chia sẻ, bên cạnh áp dụng máy móc vào một số khâu đoạn song gia đình chị vẫn ưu tiên phát triển chạm bạc theo phương thức thủ công, truyền thống. Bởi đây mới chính là “hồn cốt” để thương hiệu chạm bạc Đồng Xâm khẳng định sự khác biệt cũng như vị thế trên thị trường.
Cơ sở sản xuất tại làng nghề chạm bạc Đồng Xâm khẩn trương hoàn thành các đơn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Năm 2022, sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ của gia đình chị Tươi đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồng Thái Nguyễn Văn Niết thông tin, để duy trì và phát triển bền vững làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, thời gian qua, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã luôn chú trọng tạo hành lang pháp lý, quỹ đất và tạo điều kiện vay vốn để các hộ mở rộng sản xuất, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Ngoài ra, địa phương mở nhiều lớp học nghề, dạy nghề, phát triển lực lượng lao động kế cận, trao truyền bí quyết làng nghề chạm bạc truyền thống.
Đặc biệt, chính quyền xã đang phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh xây dựng mô hình phát triển du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng gắn với các tour tới điểm du lịch ở tỉnh. Kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới, bền vững, mang lại hiệu quả cao, qua đó, góp phần khẳng định sức sống của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm 600 năm tuổi.