Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhưng vẫn đang xây dựng một loạt nhà máy nhiệt điện như Nghi Sơn, Thái Bình 2, Vân Phong… Trong khi đó, hàng loạt dự án điện gió và điện mặt trời có công suất cả ngàn MW đang nằm "đắp chiếu" dù đã sẵn sàng đóng cầu dao hòa vào lưới.
Lợi thế phát triển điện sạch nhưng bán không được
Việt Nam là một trong số ít quốc gia thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo (điện sạch, không ô nhiễm). Ở bất cứ tỉnh thành nào cũng có thể phát triển điện gió hay điện mặt trời. Các tỉnh cực Bắc như Hà Giang, Lào Cai không có nhiều nắng nhưng nhiều gió; các tỉnh miền Trung và Nam bộ nắng quanh năm và gió thì vô tận.
Nhận thấy ưu thế này, từ năm 2015 một số nhà đầu tư đã nhảy vào thị trường năng lượng mới đầy tiềm năng này. Nhưng sau gần 10 năm, việc sản xuất điện tái tạo có dấu hiệu chững lại, nhiều nhà đầu tư mất nhuệ khí và có thể bỏ cuộc.
Cho đến nay mới có 27% năng lượng tái tạo được EVN mua để hòa vào lưới điện quốc gia. Thống kê cho thấy đến đầu năm 2023, có 87 dự án với tổng công suất 4.200MW điện gió và 700MW điện mặt trời không hòa được vào lưới điện quốc gia. Điều này gây sự lãng phí rất vô lý và đẩy các doanh nghiệp vào nợ nần, phá sản.
Nguyên nhân đưa đến nghịch lý này là do nhà sản xuất điện tái tạo phải bán điện cho EVN, và lượng điện sản xuất này phải đưa vào nhập chung với mạng lưới điện quốc gia, sau đó phân phối đi các vùng miền. Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho các dự án điện mặt trời, điện gió, nhưng đến tháng 3-2023 mới có khoảng 23% số dự án nộp hồ sơ đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN. Các nhà đầu tư chần chừ vì giá mua điện của EVN thấp hơn giá thành sản xuất, càng sản xuất càng lỗ.
Điều này khó trách EVN, bởi họ cũng phải chịu rất nhiều chi phí cho việc xây dựng, phát triển lưới điện. Vì thế, nếu mua điện giá cao, đảm bảo cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo có lời, EVN sẽ lỗ, trong khi họ lại đang gánh khoản nợ khổng lồ lên đến 36.300 tỷ đồng. Thế nhưng, không bán cho điện EVN, các nhà đầu tư biết bán cho ai trong bối cảnh độc quyền năng lượng hiện nay.
Nhìn từ các nước
Vậy các nhà đầu tư điện tái tạo có thể bán điện trực tiếp cho người tiêu dùng được không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể được. Trên thế giới rất nhiều quốc gia chủ trương phát triển mạng lưới điện cục bộ, hay còn gọi là mạng lưới điện vùng, mạng lưới điện địa phương. Theo đó, nhà sản xuất điện gió hay điện mặt trời bán điện cho khu dân cư, thị trấn, khu công nghiệp, thậm chí cả thành phố.
Họ xây dựng nhà máy điện gió, điện mặt trời, xây dựng mạng lưới phân phối, vận hành hệ thống bán điện cho một hay vài đơn vị mua sỉ, rồi các đơn vị thứ cấp này bán lẻ cho người tiêu dùng. Hoặc cũng có thể nơi sản xuất bán trực tiếp đến từng chủ thể tùy theo nhu cầu và quy mô.
Một trong số các quốc gia thành công nhất là Trung Quốc. Khi tiến hành công cuộc cải cách và mở cửa, nước này vô cùng khó khăn khi phát triển các vùng sâu vùng xa. Các nhà hoạch định chính sách không thể phát triển các thị trấn, thị xã, hương trấn ở các tỉnh cực Bắc vì không đưa điện đến được, mà nếu đưa đến được giá thành lại quá cao, dân không chịu nổi và nhà nước cũng không thể bù lỗ mãi được.
Nhưng từ năm 2002, khi điện gió và điện mặt trời xuất hiện ở Trung Quốc, chính phủ chớp lấy cơ hội này hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa, đô thị hóa, điện khí hóa cho những vùng xa xôi. Cho đến năm 2012 các dự án điện gió và mặt trời đã phục vụ cho hơn 1 triệu hộ dân và hàng ngàn nhà máy ở vùng núi cao, sa mạc, thảo nguyên, nơi mật độ dân số rất thấp 30-40 người/km2 ở các tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Tứ Xuyên, Vân Nam, các vùng tự trị như Nội Mông, Tân Cương, Ninh Hạ…
Đáng nói, chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các công ty tư nhân thực hiện các dự án điện gió và điện mặt trời, như miễn các loại thuế, cung cấp đất miễn phí, hỗ trợ pháp lý và giao thông. Chính nhờ việc phát triển mạng lưới điện vùng, đã làm thay đổi đời sống người dân, phát triển kinh tế, y tế, giáo dục, giải trí.
Mô hình lưới điện vùng không chỉ phát triển ở các nước nghèo, trung bình, mà cũng được quan tâm phát triển rộng khắp ở châu Âu và Bắc Mỹ. Năm 2000, Babcock Ranch là thị trấn đầu tiên của Mỹ sử dụng hoàn toàn năng lượng mặt trời. Cho đến nay đã có hàng ngàn thị xã, thị trấn, khu dân cư sử dụng điện mặt trời, điện gió ở Pháp, Mỹ, Canada, Thụy Điển, Hà Lan do các công ty tư nhân sản xuất và bán trực tiếp cho dân. Các quốc gia thành viên EU đã lên kế hoạch đến năm 2030, 27 quốc gia thành viên sẽ nhận được 42,5% năng lượng từ các nguồn tái tạo như gió và mặt trời.
Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng thành công mô hình mạng lưới điện vùng, mạng lưới điện địa phương. Khi đó ngoài EVN sẽ có thêm các nhà cung ứng điện nhỏ hơn. Ngoài việc sản xuất họ phải tự hình thành mạng lưới phân phối điện riêng không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia, miễn là hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và đóng góp cho ngân sách địa phương. Như thế sẽ hình thành sự đa dạng trong cung cấp và mua bán điện, hình thành nên thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch.
Nhu cầu điện của Việt Nam ước tính tăng 10-12% mỗi năm. Hiện ngành sản xuất điện theo kiểu truyền thống đang gặp khó khăn khi chi phí nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, buộc phải tăng giá điện để bù đắp chi phí sản xuất. Giá điện tăng kéo theo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng, đồng nghĩa việc ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát khó khăn hơn.
Cần có chiến lược phát triển năng lượng tái tạo một cách bền vững, trong đó phát triển mạng lưới điện vùng, địa phương là điều cần được coi trọng. Điều quan trọng nhất ở đây là thay đổi nhận thức và quan điểm. Bỏ quên loại hình năng lượng tái tạo là đánh mất cơ hội vàng cho phát triển quốc gia bền vững.