Lấp lánh làng nghề làm đèn ông sao Trung Thu hơn 100 tuổi

(ĐTTCO)-Để cho ra đời một chiếc đèn ông sao hoàn thiện, người dân làng nghề Báo Đáp (huyện Nam Trực, Nam Định) sẽ có trên 60 lần thao tác 'nhấc lên, đặt xuống,' mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mẩn, tâm huyết.
Người dân làng nghề Báo Đáp làm đèn ông sao. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)
Người dân làng nghề Báo Đáp làm đèn ông sao. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) lâu nay nổi tiếng với nghề làm hoa giả và đèn Trung Thu. Nơi đây chính là một trong những cái nôi sản xuất đèn ông sao Trung Thu lớn nhất miền Bắc.

Nghề làm hoa giả bắt đầu xuất hiện ở làng Báo Đáp từ cuối thế kỷ 19, sau đó theo nhu cầu của thị trường, làng nghề chuyển sang phát triển sản xuất đèn ông sao và hoa nhựa, hoa lụa.

Nghề làm đèn ông sao của làng Báo Đáp được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hầu như mọi người trong làng, từ già đến trẻ, đàn ông hay phụ nữ, đều biết làm thứ đồ chơi dân gian truyền thống này.

Kể từ những năm 60 của thế kỷ trước, làm đèn ông sao đã trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây.

Nguyên vật liệu làm đèn khá đơn giản, gồm có tre nứa, giấy bóng kính màu, keo dán, dây thép, cây đay làm cán. Để hoàn thiện một sản phẩm đèn ông sao phải qua khá nhiều công đoạn.

Trước Tết Trung Thu vài tháng, thậm chí ngay từ sau Tết Nguyên đán, người dân làng Báo Đáp đã chuẩn bị dần các nguyên vật liệu để làm đèn ông sao phục vụ Tết Trung Thu.

Người dân đi mua nứa, luồng ở Thanh Hóa từ tháng Giêng, sau đó bổ, chia thành các đoạn rồi ngâm dưới ao để đảm bảo độ dẻo, nhẹ để khi uốn chiếc đèn đảm bảo độ căng phồng mà không bị gãy.

Những thân cây đay để làm cán đèn cũng được nhuộm màu, phơi qua nhiều nắng, vừa chắc vừa nhẹ. Giấy bóng trang trí và các nguyên liệu khác cũng được người dân nhập dần về.

Việc làm đèn thường nhộn nhịp nhất vào 4 tháng trong năm, từ tháng Năm đến tháng Tám âm lịch. Các công đoạn chế đèn tác hoàn toàn thủ công, ngay cả keo dán cũng làm theo cách truyền thống từ bột gạo chứ không dùng keo dán công nghiệp.

Một em nhỏ tự tay làm chiếc đèn ông sao nhí. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Theo các cụ cao niên trong nghề, bột gạo được nấu theo công thức riêng để thành hồ dán, sau khi quét lên thân tre sẽ giúp chiếc đèn bền hơn và rất an toàn cho trẻ nhỏ.

Để có được một chiếc đèn ông sao đẹp, người thợ ngoài tính kiên trì còn đòi hỏi phải có tính thẩm mỹ và sự khéo léo.

Đầu tiên, người thợ phải xác định được kích thước của đèn, sau đó bắt đầu lên sườn khung đèn. Tiếp đó nhuộm màu giấy bóng kính và cắt thành hình các cánh sao rồi vẽ trang trí.

Tiếp đó, người thợ quệt hồ dán lên bộ khung tre thật cẩn thận rồi dán các cánh sao nhiều màu lên sao cho thật khớp, không bị bong hay xô lệch. Công đoạn tiếp theo là quấn giấy tua rua màu rực rỡ vào một thanh nan tre mảnh dẻ rồi uốn tròn bao quanh ngôi sao.

Sau khi dán, viền cánh xong, người thợ dùng một thanh tre nhỏ chống căng mặt đèn rồi dựng ở sân phơi cho khô, sau đó mới tháo ra bó thành từng cọc cùng những thanh cán đèn và xếp gọn gàng chờ đưa ra thị trường.

Từng công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mẩn, tâm huyết. Để hoàn thiện một sản phẩm, nghệ nhân cho biết phải mất khoảng trên 60 lần thao tác "nhấc lên đặt xuống."

Mỗi người thợ phụ trách một công việc để làm đèn ông sao. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Các hộ sản xuất chuyên nghiệp thường chia thời gian thực hiện các công đoạn làm đèn một cách khoa học. Cụ thể, 3 tháng đầu sẽ tiến hành làm khung cho đèn. Đèn ông sao được chia làm nhiều loại, loại lớn có đường kính 50cm, loại vừa 40cm, loại nhỏ 30cm, loại nhí 20cm. Do kích cỡ đèn khác nhau nên khi chẻ nan, người thợ phải phân loại rõ ràng.

Trong 3 tháng tiếp theo, người thợ sẽ tập trung vào công đoạn dán và trang trí. Đến gần ngày Tết Trung Thu thì chỉ cần gói và xuất hàng cho các thương lái đưa đi các địa phương tiêu thụ.

Vì sản xuất bằng thủ công, phải trải qua nhiều công đoạn mất khá nhiều công sức và thời gian nên chất lượng đèn ông sao làng Báo Đáp khá uy tín trên thị trường, luôn được khách hàng ưu tiên lựa chọn.

Những chiếc đèn ông sao Báp Đáp không chỉ có mặt ở khắp các tỉnh, thành phía Bắc mà còn "bay" vào tận vào các địa phương phương Nam.

Vận chuyển đèn Trung Thu đi tiêu thụ. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Vào thời kỳ sản xuất thịnh vượng nhất, làng nghề Báo Đáp có 7 thôn với khoảng 1.000 hộ, thì có tới 300 gia đình làm đèn ông sao truyền thống. Song, cũng có một khoảng thời gian, ánh đèn ông sao bị lu mờ do đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc tràn về chiếm lĩnh thị trường khiến làng nghề gặp khó khăn.

Thêm vào đó, 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng đã khiến doanh số đèn ông sao của làng sụt giảm mạnh.

Điều đáng mừng là ngay khi cuộc sống trở lại bình thường sau dịch bệnh, nhu cầu về các đồ chơi truyền thống tăng cao. Nhờ đó, năm 2022, những người dân làng nghề Báo Đáp đã có một mùa "bội thu" từ sản phẩm đèn ông sao.

Mùa Trung Thu năm nay, làng nghề tiếp tục đón những tín hiệu vui khi nhu cầu đèn ông sao còn tăng cao hơn cả năm trước. Những chiếc đèn loại lớn được thương lái thu mua có giá từ 8.000-10.000 đồng/chiếc; đèn cỡ trung từ 7.000-8.000 đồng/chiếc; đèn nhỏ dao động từ 4.000-5.000 đồng/chiếc tùy từng thời điểm.

Trừ đi các chi phí, người làm nghề thu lãi ròng từ 180.000-250.000 đồng/người/ngày. Đối với các hộ có năng lực sản xuất cao có thể xuất xưởng hàng vạn chiếc đèn, mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng/tháng.

Các tin khác