Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Festival Huế, cho biết ngoài lễ khai mạc và bế mạc được dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc, Festival Huế 2018 còn có các lễ hội, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra trong 6 ngày đêm.

Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn chủ đề “Nguồn cội” sẽ diễn ra tại Công viên Phu Văn Lâu vào tối 28-4 nhằm giới thiệu đến khán giả là quê hương, thân phận, tình yêu với phố, ru, ca khúc Da vàng, nhạc thiếu nhi, trường ca. Chương trình có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: Hồng Nhung, Lệ Quyên, Ngọc Mai, Đức Tuấn, Lân Nhã, Tấn Sơn, Saxophonists Trần Mạnh Tuấn và An Trần, Pianist Tuấn Mạnh, Trống Trọng Nhân, Nhóm Múa Lyricist với Alex Tú Nguyễn…

Văn Hiến Kinh Kỳ được xem là chương trình “đinh” của Festival Huế 2018 do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dàn dựng và thực hiện. Đó là một chương trình kết hợp giữa nhiều yếu tố: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo màn hình led, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật cũng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu khác…
Một câu chuyện lịch sử hào hùng về đất nước Việt Nam trong thế kỷ XIX được kể chủ yếu bằng ngôn ngữ nghệ thuật cung đình và nghệ thuật truyền thống Huế để làm nổi bật các chủ đề: Công cuộc xây dựng Kinh đô, thực thi chủ quyền đất nước, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống thanh bình với những giá trị được sáng tạo nên của một đất nước văn hiến, độc lập trong diễn trình lịch sử của dân tộc.
Văn hiến Kinh Kỳ sẽ được “kể” trên cơ sở xâu chuỗi các sự kiện lịch sử để làm nổi bật 5 di sản văn hóa được thế giới công nhận là Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Chương trình sẽ tổ chức dàn dựng tại sân khấu nền điện Cần Chánh và sẽ có 2 show diễn vào tối 28/4 và 30/4/2018.

Âm vọng sông Hương là chương trình nghệ thuật đầu tiên trong suốt 10 kỳ Festival được thực hiện trên một sân khấu chìm trên sông Hương như bức tranh thủy mặc về cảnh quan sông nước, về chân dung, về một góc làng chài nhỏ, một cây đa, giếng nước, sân đình cùng với tình yêu, cuộc sống, lao động chài lưới của người dân Huế.
Âm vọng sông Hương giản dị và sâu lắng, mượt mà và chân thực, mộc mạc và ấn tượng đi vào trong sâu thẳm của tinh thần Huế, gợi mở và níu kéo niềm thương nhớ, chan chứa yêu thương của tình người dân xứ Huế, lấp lánh trong cõi nhớ, trong cõi tâm, trong cõi tình một Huế bản sắc, một Huế chầm chậm đi, chầm chậm nhớ, chầm chậm hát, chầm chậm yêu, chầm chậm theo thời gian trôi…. Đặc biệt, đây là chương trình mà người dân xứ Huế tham gia đông đảo nhất bằng chính cuộc sống tình cảm và công việc của họ diễn ra vào tối 29-4.

Lễ hội Đường phố “Sắc màu văn hóa”: 16h00 các ngày 28, 29, 30/4 & 01/5/2018 trên các tuyến phố chính:
Ngày 28/4: Khai mạc tại Cung An Định - Hùng Vương - Đống Đa - Lý Thường Kiệt;
Ngày 29/4: Trung tâm Văn hóa TP - Trần Hưng Đạo - Phan Đăng Lưu;
Ngày 30/4: Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh - Hùng Vương - Trung tâm Dịch vụ Du lịch Festival;
Ngày 01/5: Cửa Hòa Bình - Đặng Thái Thân - Đoàn Thị Điểm - Mai Thúc Loan - Đinh Tiên Hoàng - Sân Hàm Nghi.

Chương trình áo dài tại Festival Huế 2018 sẽ có sự tham gia của nhiều nhà thiết kế trẻ cùng đông đảo hoa khôi, hoa hậu, người mẫu, các ca sĩ nổi tiếng như: Vân Khánh, Hồ Quỳnh Hương và các ca sĩ trẻ đang được yêu mến. Chương trình sẽ diễn ra lúc 20h00 ngày 1/5 tại sân khấu Bia Quốc Học, Huế…

Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018: từ 19h00 các ngày 26 - 29/4/2018 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ngoài ra, Festival Huế 2018 còn có các hoạt động văn hóa, du lịch và nghệ thuật, các lễ hội cộng đồng lần đầu được tổ chức sẽ góp phần tạo ra nhiều nét đặc sắc, mới lạ và hấp dẫn đang chờ đón du khách khám phá.