Gần như được mặc định “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, cứ sau Tết rồng rắn các đoàn người tham gia các lễ hội. Du xuân vốn không có gì đáng phàn nàn, nhưng cứ chen chúc nhau ở các cửa chùa, cửa đình rồi hương khói mịt mù, quả thật không hay ho chút nào.
Do quan niệm “đi lễ cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng” nên khách thập phương lũ lượt đổ về các điểm thờ tự. Cũng có lòng thành tâm hướng Phật, nhưng không ai nhường ai, người nọ cắm cây nhang to thì người kia cắm cây nhang to hơn, người nọ dâng bó sen hoành tráng thì người kia dâng bó sen hoành tráng hơn. Cứ thế thành cảnh xô bồ, và tạo cơ hội cho nhiều tệ nạn nảy sinh. Không ái ngại sao được, khi trước chánh điện lại có những lời cảnh tỉnh “cẩn thận tư trang” hoặc “đề phòng trộm cắp”. Thậm chí, ngay trong bóng mát cửa Phật lại có tấm biển ghi rõ “hai tay hứng hoa sa la, coi chừng kẻ gian móc túi”. Đi chùa để thanh thản, hay đi chùa để chuốc lấy nỗi lo?
Theo thống kê của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, mỗi năm nước ta có hơn 8.000 lễ hội. Mỗi năm có 365 ngày, dân số 90 triệu người, mà lễ hội nhiều như vậy còn đâu thời gian và sức lực để lao động sáng tạo. Bằng ý thức tiến bộ, cộng đồng bắt đầu có những ý kiến đề xuất dẹp bỏ bớt những lễ hội tốn kém và lạc hậu. Tuy nhiên, nhiều văn bản chỉ đạo đã ban ra, nhưng địa phương vẫn cương quyết làm lễ hội với mục tiêu thu hút khách du lịch. Phải chăng, đã đến lúc phải có quy hoạch nghiêm túc các lễ hội tại Việt Nam, nếu không muốn tái diễn tình trạng bát nháo và lãng phí.
Tình trạng tranh cướp tại lễ hội đã báo động nhiều năm. Đến nay, tại nhiều lễ hội còn phát sinh thêm những hành vi bạo lực. Lễ hội Đền Gióng ở Sóc Sơn - Hà Nội vừa diễn ra cuộc hỗn chiến, đến lễ hội phết Hiền Quan ở Tam Nông - Phú Thọ lại xảy ra cảnh loạn đả. Những khách du xuân hồn nhiên nhất cũng đã thấy hãi hùng lễ hội hiện nay.
Mặt khác, quá trình hội nhập thế giới, không thể dung túng những lễ hội phản cảm như tập tục chém lợn cầu may. Những người bênh vực lễ hội rùng rợn này cho rằng, tại sao phương Tây đấu bò tót được mà bên ta chém lợn không được. Ơ hay, đấu bò tót là đối diện một con bò tót tung hoành trong đấu trường để thể hiện lòng can đảm, còn chém lợn là cột chặt 4 chân con lợn để chém. Hai hình thái hoàn toàn khác nhau, một đằng lấy ý chí còn một đằng chỉ lấy thịt mà thôi.