Tuần qua, những ai chờ đợi VN Index vượt ngưỡng 600 điểm để xác lập một sóng tăng mới lại một lần nữa thất vọng. Thêm một lần nữa, VN Index đã chạm 600 điểm nhưng không thể trụ lại.
Loanh quanh “chạm rồi chỉnh”
Sau khi đóng cửa cuối phiên 4-3 đạt 600,4 điểm, VN Index tiếp tục có những diễn biến tích cực vào đầu phiên 5-3, khi tăng tiếp lên 602,4 điểm. Nhưng không được lâu, lực bán ra tại những CP lớn đã đẩy chỉ số này xuống dưới 600 điểm trở lại. Phiên 6-3, lực bán tiếp tục tăng từ đầu phiên, đến cuối phiên nếu nhóm CP ngân hàng không quay đầu tăng giá, VN Index sẽ còn giảm mạnh hơn con số 2,94 điểm.
Một đợt sóng lớn vẫn có khả năng xuất hiện, và cũng đáng để chờ đợi. Tuy nhiên, sẽ là không hay và lãng phí cơ hội nếu chỉ lệ thuộc vào việc VN Index vượt 600 điểm rồi mới quyết định giải ngân. |
Trong khoảng chục phiên gần đây, VN Index đang dao động quanh ngưỡng 590-600 điểm và một số ý kiến cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn tích lũy để bước vào một đợt sóng tăng mạnh.
Tuy nhiên, nhìn VN Index cứ “chạm rồi chỉnh” tại ngưỡng 600 điểm, hẳn không ít người sẽ cảm thấy khó nhọc và cả khó… nhằn. Nếu tính từ tháng 12-2014 đến nay, VN Index đã tăng xấp xỉ 100 điểm, từ mức gần 500 điểm lên gần 600 điểm, kèm theo đó, không ít CP đã tăng từ 20-30% trở lên.
Những thống kê trên chỉ ra thị trường đã tăng giá đáng kể, nhưng không tạo ra cảm giác thị trường đã có một đợt sóng lớn. Điều này có thể đúng bởi thanh khoản những tháng qua chỉ ở mức trung bình 2.000-3.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí dưới mức này.
Những phiên tăng giảm đan xen với nhau lẫn lộn, cũng chưa thấy những phiên bùng nổ cả thị trường đều có màu xanh (tăng giá). Kế đến, dường như chỉ có một số nhóm CP, chẳng hạn như ngân hàng, là tăng mạnh, trong khi những nhóm CP chủ chốt khác như bất động sản, chứng khoán cũng chỉ khởi sắc trong một số phiên. Những phiên gần đây, các CP trụ cột của thị trường liên tục đổi vai trò đẩy, kéo, giữ cho nhau thay vì có chung một vai trò.
Gần đây nhất là phiên 6-3, khi BID và CTG tăng tốt vào buổi chiều, trong khi các trụ khác như BVH, GAS, MSN, VIC, VNM lại giảm giá. Ngay trong nhóm ngân hàng cũng ít nhiều có sự phân hóa khi BID, CTG tăng nhưng VCB lại giảm. Đến đây, một vấn đề được đặt ra rằng có nên đợi VN Index chinh phục 600 điểm thành công để tham gia mạnh vào thị trường hay không?
Khả năng đợt sóng mới
Để trả lời câu hỏi trên cần xem xét đến tương quan 600 điểm có đồng nghĩa với một đợt sóng lớn hay không? Nếu lấy mốc là phiên giao dịch đầu tiên của năm Ất Mùi (24-2) đến nay, VN Index đang giảm, nhưng có không ít CP đã tăng 10-15%, thậm chí hơn. Và dường như những CP này cũng chỉ chịu ảnh hưởng phần nào từ diễn biến chung của TTCK, còn lại nếu có tăng vì có thông tin hỗ trợ từ nội tại của doanh nghiệp và dòng tiền tập trung. Tiêu biểu là nhóm mid cap và penny.
Điều này mở ra khả năng, nếu thị trường tiếp tục biến động trong một phạm vi nhất định, chẳng hạn 590-600 điểm, sẽ có thêm những CP không cần đợi VN Index vượt 600 điểm nữa, mà sẽ “chạy trước”. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra khi mùa ĐHCĐ đã bắt đầu (dù chưa vào mùa cao điểm), thông tin về KQKD năm 2014 đã lộ ra, các doanh nghiệp cũng tiến hành chốt ngày tổ chức đại hội, chốt quyền trả cổ tức…
Càng đợi VN Index vượt 600 điểm, có khi lại càng bỏ lỡ nhiều cơ hội để mua vào CP. Dù vậy, việc mua vào CP khi VN Index chưa vượt 600 điểm, hoặc thị trường chưa vào một đợt sóng lớn cũng có những rủi ro nhất định, đó là diễn biến rung lắc khá mạnh của nhiều CP. Có khi chỉ trong khoảng 5-6 phiên, CP tăng giá 10-15%, nhưng việc mua vào và nắm giữ CP lại không đơn giản, bởi có thể đầu phiên CP “đi” mất 4-5% nhưng cuối phiên lại “hồi” tăng giá 5-6%.
Ảnh: LONG THANH |
Trong khi đó, chờ đợi một đợt sóng tăng được hình thành, cũng có những mặt tích cực nhưng cũng ẩn chứa không ít rủi ro. Điều tích cực là thường khi thị trường bùng nổ, cơ hội nhiều hơn, số lượng CP tăng giá cũng nhiều hơn, thanh khoản tăng, sự phấn chấn được đẩy lên cao. Bước vào sóng tăng cũng sẽ có hiệu ứng nước lên thuyền lên, CP có thể làng nhàng, nhưng cũng được hưởng lợi nhờ thị trường.
Về lý mà nói, giai đoạn 590-600 điểm được tích lũy càng lâu, có thể tạo ra một nền tảng vững chắc cho đợt sóng lớn của thị trường, tuy nhiên diễn biến hiện tại rất khác. Do từng nhóm CP có thể chạy trước, nên mặt bằng giá CP sẽ dần cao hơn và không còn rẻ, nghĩa là càng về sau, khả năng tăng thêm sẽ bị ảnh hưởng.
Vậy nên, có thể khi VN Index vượt 600 điểm, sẽ có một số phiên bùng nổ, nhưng khả năng kéo dài đến đâu phải xem lại. Suy cho cùng, nếu VN Index vượt được 600 điểm, nhưng CP không có khả năng tăng tiếp (vì giá cao), NĐT ít cơ hội, rồi cũng lại chán thị trường, lúc đó 600 điểm không có nhiều ý nghĩa nữa.
Đó cũng là lý do, một số NĐT có nhiều kinh nghiệm cho rằng diễn biến thị trường lúc này hóa ra lại hay, vì chỉ cần VN Index đi theo hình răng cưa, nhưng CP hết nhóm này tăng lại đến nhóm khác dậy sóng, sẽ có nhiều cơ hội để xoay vòng. Và thực tế, khả năng VN Index vượt 600 điểm cũng không có gì khó nhọc, khi chỉ cần tại một số thời điểm, các trụ “đồng biến” với nhau. Thí dụ, nhóm ngân hàng và 2-3 trụ tăng giá tích cực trong 2-3 ngày là thị trường hoàn toàn có thể tạo nên một mặt bằng giá mới.