Huyện Cù Lao Dung được thành lập năm 2002, trên cơ sở chia tách một phần từ huyện Long Phú (Sóc Trăng). Địa bàn huyện có 8 đơn vị hành chính, nằm ở hạ lưu sông Hậu, biệt lập hoàn toàn với đất liền, với tổng diện tích tự nhiên hơn 24.503 ha.
Từ cuối thế kỷ XVII, dòng di dân của vùng đất Ngũ Quảng đã vào đây khai phá, cộng với một bộ phận tộc người Khmer cổ đang sinh sống trên những phum sóc, giồng đất cao và sau đó có thêm một số người Hoa di tản từ Trung Quốc chạy sang sinh sống ở vùng đất phương Nam.
Vì vậy, Cù Lao Dung đã bắt đầu có sự cộng cư của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, vùng đất Cù Lao Dung được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, như: Huỳnh Dung Châu, Cù lao Hổ Châu, Cù lao Duông, Cù lao Cồng Cộc, Cù lao Chàng Bè…
Dãy đất Cù Lao Dung gắn liền với 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, của quân và dân ta. Bởi Cù Lao Dung có vị trí chiến lược với địa hình cách biệt đất liền, thông ra Biển Đông, lại được phủ kín bởi những rừng cây và các loài thực vật cùng với hệ thống kênh, rạch chằng chịt.
Phát huy lợi thế mạnh về địa hình, Cù Lao Dung được chọn là nơi xây dựng căn cứ cách mạng như: căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng, căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh, căn cứ Huyện uỷ Long Phú, căn cứ Huyện uỷ Trà Cú (tỉnh Trà Vinh).
Với ý chí kiên cường, bất khuất, quân và dân Cù Lao Dung đã anh dũng chiến đấu làm nên những công vang dội: Chiến thắng Rạch Già (1947), Chiến thắng An Hưng (1973). Cùng với những chiến công vang dội đó, nơi đây đã xuất hiện những con người con ưu tú, như: Đoàn Thế Trung, Đoàn Văn Tố, Sơn Ton, Nguyễn Tăng, Văn Sáu…
Sau giải phóng, huyện Cù Lao Dung đã có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội. Hệ thống giao thông được mở rộng, các trường học được xây dựng, hệ thống đê bao ngăn lũ - mặn đã tạo thuận lợi cho sự phát triển sản xuất và cuộc sống của người dân địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trọng Nguyên, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung cho biết: Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, giúp cho Cù Lao Dung hiểu rõ hơn, hiểu một cách hệ thống, khoa học hơn về sự hình thành vùng đất và con người Cù Lao Dung xưa và nay. Từ đó khơi dậy niềm tự hào về vùng đất và con người Cù Lao Dung trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.
Ngoài ra, hội thảo còn có ý nghĩa quan trọng để triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định: Cù Lao Dung được định hướng phát triển chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn sẽ thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh.