Giá CP phản ánh sớm thông tin
Cùng với việc kiềm chế thành công dịch Covid-19 và tăng trưởng GDP cả nước trong quý III bất ngờ đạt 2,62%, lợi nhuận doanh nghiệp (DN) niêm yết trong quý III cũng được kỳ vọng sẽ tiếp đà khởi sắc từ quý II. Giữa bối cảnh các quốc gia khác - nhất là những khu vực có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam như EU và Mỹ - vẫn đang phải đối mặt với sự căng thẳng dịch bệnh hay yếu tố rủi ro từ TTCK Mỹ, khi cơ hội có gói kích cầu lần hai đã chính thức khép lại ít nhất là tới sau cuộc bầu cử, thì kết quả kinh doanh quý III của DN niêm yết sẽ là lực đỡ chính trong ngắn hạn.
Mặc dù thời điểm hiện tại vẫn chưa có các con số chính thức được công bố, nhưng không ít DN đã đưa ra con số ước tính lợi nhuận quý III sớm. Tuy vậy thị trường không phải lúc nào cũng thể hiện phản ứng tương xứng khi xuất hiện thông tin. Sự vận động của giá cổ phiếu (CP) dựa trên định giá tương lai và yếu tố kỳ vọng nên trong nhiều trường hợp còn xảy ra phản ứng ngược.
Không ít CP trong những ngày qua đang thể hiện phản ứng ngược dạng này khi xuất hiện dự báo kết quả kinh doanh. Chẳng hạn con số gây sốc nhất là dự kiến lợi nhuận quý III của DBC gấp 20 lần cùng kỳ được đưa ra từ đầu tháng 10, nhưng giá CP này ngay lập tức lao dốc 4 phiên, giảm hơn 4%. Thực tế từ đầu tháng 6 đến nay CP DBC gần như đi ngang, dù tất cả các nhà đầu tư đều biết rõ lợi nhuận 2020 của DBC sẽ thuộc hàng “khủng”. Thực vậy, những con số ước tính cho thấy lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng của công ty này tới trên 1.100 tỷ đồng, gấp 24 lần cùng kỳ.
Thế nhưng, toàn bộ kỳ vọng lẫn hiện thực nói trên đã được phản ánh vào sóng tăng giá tới 312% của CP DBC trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 tới đầu tháng 6-2020. Thị trường đã định giá trước CP này ngay từ khi giá thịt lợn gia tăng chóng mặt, do gần như biết chắc chắn yếu tố này sẽ phản ánh lên kết quả kinh doanh các quý sắp tới.
Một “ông lớn” khác là VNM công bố ước tính lợi nhuận quý III có thể tăng 16%, nhưng đúng thời điểm thông tin được đưa ra và công ty thực hiện phát hành CP thưởng, trả cổ tức bằng tiền mặt thì giá bắt đầu giảm. Con số lợi nhuận ngàn tỷ quý III liệu có đủ tạo sức bật thêm cho giá CP nữa hay không vẫn còn phải chờ thời gian trả lời, vì trong 2 tháng qua CP VNM cũng đã tăng gần 30% và giá đang tương đương đỉnh cao nhất 18 tháng.
Có thể kể ra nhiều trường hợp tương tự khi thông tin ước tính lợi nhuận rất tốt được tung ra thì giá CP kiệt sức không tăng thêm được hoặc quay đầu giảm. DPM, KDC, DCM... đều đã chứng kiến con sóng tăng giá cực mạnh trong tháng 8 và tháng 9 để đến khi công bố thông tin, thị trường không có phản ứng gì.
Sóng kết quả kinh doanh đã muộn?
Một quy luật trên TTCK là suy luận của nhà đầu tư luôn đi trước tất cả các thông tin chính thức. Như trường hợp của DBC, mô hình kinh doanh đơn giản giúp các dự phóng về lợi nhuận dựa trên các yếu tố đầu ra dù không thể chính xác tuyệt đối về con số, nhưng gần như chắc chắn về xu hướng. “Giá thịt lợn” là từ khóa nóng nhất trong nửa đầu năm 2020 nhưng vài tháng gần đây đã nhạt đi đáng kể. Vì thế mối quan tâm của nhà đầu tư cũng nhạt đi theo. Những gì thị trường đã biết, tức là không còn mới, thì cũng sẽ bị bỏ qua. CP hàng không cũng là một ví dụ tốt như HVN của Vietnam Airlines, không thể sử dụng kết quả kinh doanh hay số liệu kế toán hay kỳ vọng lợi nhuận quý III để lý giải việc giá CP cũng tăng 26% trong 2 tháng qua.
Ở thời điểm giữa tháng 10 lúc này, nếu nói thị trường trông đợi một con sóng kết quả kinh doanh quý III có lẽ là đã muộn. Sóng kết quả kinh doanh - hay đúng hơn là sóng kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III - đã xuất hiện từ 2 tháng trước và chính là yếu tố được viện dẫn để lý giải sức mạnh dẫn đầu thế giới của VN Index trong tháng 8 và 9.
Thống kê các khuôn mẫu phản ứng của thị trường với chu kỳ kết quả kinh doanh quý III có thể thấy khá rõ, nếu thị trường đi trước thông tin thì khi tin ra, phản ứng ngược lại sẽ xuất hiện, hoặc ít nhất là gần như không có phản ứng. Trong 10 năm qua, diễn biến lặp lại là nếu tháng 9 thị trường tăng tốt, sang tháng 10 mức tăng thường rất kém, thậm chí giảm và ngược lại. Cá biệt duy nhất là tháng 9 và tháng 10-2017 khi cả 2 tháng đều tăng rất tốt và đó là một thời điểm đặc biệt khi thị trường trong giai đoạn bùng phát tương tự thời điểm 2006 để rồi đạt đỉnh đầu năm kế tiếp. Thực tế VN Index cũng thiết lập đỉnh lịch sử tương đương tháng 3-2007 vào tháng 3-2018.
Dạng phản ứng này chỉ là yếu tố xác nhận chiến lược đầu cơ phổ biến trên TTCK. Nhà đầu tư sẽ phân tích dự đoán trước các DN có triển vọng lợi nhuận tốt trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh gần kề và “đãi cát tìm vàng” mua trước CP. Trong 10 năm qua có tới 8 năm thị trường đều tăng trong tháng 9. Thậm chí nếu các nhóm nhà đầu tư có tiềm lực mạnh có thể nắm bắt sát sao hoạt động kinh doanh của DN thông qua các mối quan hệ. Con số lợi nhuận hàng quý chưa bao giờ là một yếu tố có thể gây sốc.
Sóng kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý III thực ra đã xuất hiện từ 2 tháng trước và chính là yếu tố được viện dẫn để lý giải sức mạnh dẫn đầu thế giới của VN Index trong tháng 8 và 9. |