Nguyên nhân đau vai
Tình trạng bệnh đau vai xảy ra chủ yếu do sự căng dãn quá mức, hoặc do hoạt động lặp đi lặp lại của gân cơ khi người bệnh vận động sai tư thế, do tình trạng thoái hóa khớp hay thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây chèn ép thần kinh lan đến vùng vai. Tùy vào từng nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh khác nhau, các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán như: đau căng cơ, viêm gân cơ, hội chứng chóp xoay hoặc viêm chu vai hay viêm quanh khớp vai, hội chứng đông cứng khớp vai, hội chứng cổ vai cánh tay, hội chứng chèn ép rễ hoặc dây thần kinh, hội chứng lỗ thoát… Các bệnh lý ít gặp hơn gồm tình trạng thoái hóa hoặc viêm xương khớp vùng vai và các bệnh lý hiếm gặp hơn là tình trạng đau quy chiếu.
PGS.TS.BS Trịnh Thị Diệu Thường, Trưởng Cơ sở 3 – BV Đại học Y Dược TPHCM
Hậu quả của đau vai hay đau vùng vai thường không nguy hiểm đến tính mạng nếu như nguyên nhân của đau vai là do các nguyên nhân thường gặp như đã kể trên. Tuy nhiên khi đau nhức ở mức độ nhẹ, nặng hay rất nặng sẽ làm người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Người bệnh sẽ hạn chế vận động vùng vai cánh tay do đau hoặc do thần kinh bị chèn ép, điều này có thể dẫn đến các hậu quả thứ phát như teo cơ và cứng khớp.
Trên lâm sàng, nhiều trường hợp đau vai kéo dài khiến cho người bệnh mất ăn mất ngủ và dẫn đến suy mòn. Ngoài ra cơn đau kéo dài khiến người bệnh phải sử dụng các thuốc giảm đau trong thời gian dài, gây ra các tác dụng phụ không mong muốn lên thận, tim và đặc biệt là gây đau, viêm loét dạ dày tá tràng.
Trong y học cổ truyền đau vai là chứng kiên thống. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau vai theo góc nhìn của y học cổ truyền, trong đó thường gặp là do khí trệ huyết ứ. Khí trệ huyết ứ kinh lạc vùng vai có thể gây ra bởi vi chấn thương do vận động sai tư thế, do lặp đi lặp lại một động tác quá nhiều lần hoặc cũng có thể do phong hàn thấp tà xâm nhập. Ở mỗi người bệnh, qua thăm khám lâm sàng cụ thể, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh theo y học cổ truyền một cách chính xác, từ đó mới có thể đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Y học cổ truyền sử dụng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc để điều trị đau vai. Trong đó, dùng thuốc là sử dụng các bài thuốc hành khí hoạt huyết thông ứ nếu nguyên nhân là do vi chấn thương, sử dụng các bài thuốc khu phong tán hàn trừ thấp nếu nguyên nhân là do phong hàn thấp xâm phạm. Đối với không dùng thuốc, người bệnh được xoa bóp, bấm huyệt và đặc biệt là các phương pháp châm cứu (hào châm, cứu ấm, điện châm, laser châm, cấy chỉ, nhĩ châm, đầu châm…).
Cấy chỉ trong điều trị đau vai
Cấy chỉ trong điều trị đau vai có tác dụng kháng viêm giảm đau, hồi phục tổn thương. Cấy chỉ được thực hiện 1 lần nhưng tác dụng kéo dài đến 2 tuần hoặc hơn, do đó người bệnh không cần đến bệnh viện để châm cứu hàng ngày. Cấy chỉ không có tác dụng phụ đáng kể nếu được thực hiện ở trung tâm uy tín. Khi cấy chỉ ở nơi uy tín và được cấp phép đúng chuẩn theo quy định, nhờ kỹ thuật đảm bảo vô trùng nên thủ thuật này hầu như không gặp các tác dụng phụ nặng như nhiễm trùng hoặc áp xe.
Như vậy, cấy chỉ phù hợp với mọi người bệnh đau vai đặc biệt là ở những người bận rộn (người trẻ), không thể đến bệnh viện hàng ngày để châm cứu, nhất là khi nguyên nhân thường gặp của đau vai ở người trẻ là do căng cơ, viêm quanh khớp vai (viêm chu vai, hội chứng chóp xoay). Cấy chỉ điều trị đau vai trong trường hợp này rất hiệu quả.
Hiện nay tại Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã tiếp nhận và điều trị thành công rất nhiều trường hợp đau vai đến khám. Tùy vào từng đánh giá trên từng người bệnh khác nhau mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp và liệu trình điều trị phù hợp nhất. Như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị D, 46 tuổi, ngụ tại huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, đến khám vì sau khi bị kéo căng mạnh cánh tay, bị đau mặt trước khớp vai bên trái kéo dài không giảm.
Cô đã sử dụng thuốc từng đợt nhưng khi ngưng thuốc thì cơn đau lại xuất hiện khiến không thể làm việc, mất ăn mất ngủ. Sau hơn 1 tháng dùng thuốc, cô bị đau dạ dày và cơn đau vai vẫn quay lại sau khi ngưng thuốc. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, cô được chẩn đoán viêm gân cơ quanh khớp vai. Do cô ở rất xa nên các bác sĩ đã quyết định lựa chọn phương pháp điều trị cấy chỉ và dùng bài thuốc “Thân thống trục ứ thang” đã được nấu sẵn và đóng gói tại Cơ sở 3 – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Sau 2 tuần điều trị, cô đã giảm đau được hơn 80%, không đau dạ dày, ăn ngủ hoàn toàn bình thường. Sau đó cô được tiếp tục chỉ định thêm 1 lần cấy chỉ. Sau 2 lần cấy chỉ cho đến nay, cô đã không còn đau vai.