Loạt dự án cầu đường tại TP Hồ Chí Minh 'hồi sinh'

(ĐTTCO) - Trong 2 năm trở lại đây, công tác tái khởi động các dự án cầu đường, khởi công các dự án giao thông mới của TP Hồ Chí Minh có nhiều tín hiệu tích cực.
Diện mạo cầu Long Đại sau 6 năm thi công. (Ảnh: PLO)
Diện mạo cầu Long Đại sau 6 năm thi công. (Ảnh: PLO)

Những cây cầu nằm trơ trọi sắp tới đây sẽ mang một diện mạo mới. Có được những kết quả tích cực ban đầu này chính là nhờ thành phố đã tìm nhiều giải pháp để gỡ nút thắt trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.

Dự án cầu Long Đại thuộc TP Thủ Đức có tổng kinh phí đầu tư gần 400 tỷ đồng, khởi công vào năm 2017, nhưng phải tạm dừng sau 2 năm thi công. Đến cuối năm 2022, sau khi UBND TP Thủ Đức có những giải pháp quyết liệt trong câu chuyện gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng, dự án đã được tăng tốc thi công trở lại, dự kiến thông xe vào cuối tháng 12 này.

Ngoài cầu Long Đại, loạt các dự án cầu khác như: Nam Lý, Tăng Long, Phước Long... sau nhiều năm đình trệ cũng đang được thi công trở lại, sau khi các hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng.

Đại diện TP Thủ đức cho biết, việc tăng giá đền bù cho người dân chính là yếu tố mấu chốt giúp nhiều dự án được "hồi sinh" thời gian qua.

"TP Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho TP Thủ Đức phê duyệt cái giá bồi thường và giá tái định cư nên chúng tôi tăng cường khảo sát giá để đưa giá bồi thường tiệm cận, sát nhất với giá thị trường. Bên cạnh đó chúng tôi cũng quan tâm đến khu vực tái định cư gồm các nền đất và căn hộ chung cư. Khi chúng ta có sự chăm chút, từ đó nhận được sự đồng cảm của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án", ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Trong những năm tới, TP Hồ Chí Minh triển khai rất nhiều dự án cầu đường, đặc biệt trong nhóm dự án vành đai - cao tốc và cửa ngõ.

Riêng khối lượng giải phóng mặt bằng ước tính sơ bộ khoảng hàng nghìn hecta đất và chi phí lên tới 50.000 tỷ đồng.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện, đại diện Ban giao thông cho biết, thành phố cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực cả về vốn lẫn con người.

"Tiếp tục tăng cường năng lực của chủ đầu tư, các đơn vị quản lý dự án, nhà thầu… Hiện thành phố có Ban chỉ đạo và tổ công tác liên ngành đang hoạt động hiệu quả. Tôi tin rằng trong 5 năm tới và thời gian tiếp theo, chúng ta sẽ chứng kiến một giai đoạn thay đổi về "chất" trong hoạt động giao thông hạ tầng của thành phố", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Riêng về các nguồn lực lớn cho các dự án hạ tầng giao thông, theo ước tính, thành phố cần khoảng 500.000 tỷ đồng cho 5 năm tới, trong khi nhu cầu vốn hiện chỉ đáp ứng khoảng 20%.

Giải pháp được đưa ra là thành phố sẽ bắt đầu khởi động lại các dự án PPP theo phương thức mới để kêu gọi nhà đầu tư, tăng thêm nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông.

Các tin khác