Lối thoát nào cho các dự án điện gió, điện mặt trời ‘hụt’ giá ưu đãi?

(ĐTTCO) -Nhiều dự án điện mặt trời, điện gió không thể vận hành thương mại (COD) kịp tiến độ để hưởng giá ưu đãi sẽ phải chờ đàm phán bán điện với EVN.
Những dự án điện gió đã hoàn thành được hưởng giá bán điện ưu đãi, song những dự án chưa kịp hoàn thành phải chờ chính sách mới với giá bán dự kiến giảm sâu - Ảnh: NGỌC HIỂN
Những dự án điện gió đã hoàn thành được hưởng giá bán điện ưu đãi, song những dự án chưa kịp hoàn thành phải chờ chính sách mới với giá bán dự kiến giảm sâu - Ảnh: NGỌC HIỂN

Ngày 30-1, chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo phía Nam cho hay văn bản báo cáo số 17 của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xác định giá bán điện gió, điện mặt trời đối với các dự án chuyển tiếp đã "khép lại" các kiến nghị gia hạn giá FIT từ trước đến nay của giới đầu tư và các địa phương. 

Theo vị này, các nhà đầu tư về đích chậm buộc phải chấp nhận chờ cơ chế mới để bán điện với giá bán thấp hơn giá FIT ưu đãi.

Cụ thể, báo cáo số 17 của Bộ Công thương cho hay riêng các dự án điện gió đã có 146 dự án ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với tổng công suất hơn 8.000MW, song chỉ mới 84 dự án đã bán điện với công suất gần 4.000MW, trong đó có tới 15 dự án chỉ mới vận hành thương mại một phần dự án với công suất hơn 300MW, còn đến hơn 1.000MW chưa kịp bán điện theo giá FIT.

Bộ Công thương nhận định nhiều dự án điện gió, điện mặt trời nằm trong quy hoạch, đã và đang triển khai đầu tư nhưng do nhiều nguyên nhân nên không kịp mốc thời gian được áp dụng cơ chế mua bán điện cố định (giá FIT) như các quyết định 39 về điện gió và 13 về điện mặt trời. Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng cần có cơ chế xác định giá bán điện phù hợp với quy định hiện hành.

Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt nhưng chưa triển khai đến ngày 26-1-2022 để chờ kết quả rà soát trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch điện 8.

Đối với các dự án trong quy hoạch được duyệt, đã có chủ trương đầu tư đến ngày 26-1-2022 và chưa đủ điều kiện áp dụng giá FIT tại quyết định 13, 39, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng cho phép chủ đầu tư được đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xác định giá mua bán điện nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng kiến nghị Thủ tướng để bộ này được giao xây dựng và ban hành thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện và phương pháp xác định, hợp đồng mua bán điện đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió.

Trước đó, ông Hoàng Tiến Dũng - cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) - cho hay cơ chế giá FIT là cơ chế giá hỗ trợ của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư, việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT là không phù hợp bởi nhiều lý do. 

Trong đó có lý do nếu kéo dài thời gian hưởng chính sách sẽ xảy ra "hậu quả về pháp lý" và có thể gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước và các tổ chức, cá nhân sử dụng điện.

Do đó, Bộ Công thương không ủng hộ đề xuất kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT tại quyết định 39. Theo quy định hiện hành, giá bán điện gió, điện mặt trời sẽ được xác định trên cơ sở đàm phán giữa nhà đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời với EVN trong khung giá phát điện gió, điện mặt trời do Bộ Công thương ban hành.

Theo nguồn tin, khung giá phát điện đã được xây dựng với mức giá mua điện sẽ giảm sâu so với giá FIT.

Các chủ đầu tư cho hay cùng với cắt giảm nguồn điện năng lượng tái tạo do thừa nguồn, việc các dự án không hoàn thành để vận hành thương mại kịp giá FIT sẽ ảnh hưởng lớn đến bài toán tài chính của các dự án do các chủ đầu tư đều đi vay ngân hàng.

Các tin khác