Lỏng lẻo loại hình kinh doanh mới

(ĐTTCO) - Mỗi năm thu tiền tỷ tại Việt Nam nhưng các trang web trực tuyến nước ngoài Agoda.com, Booking.com, Hotels.com, Expedia.com... chưa hề đóng đồng thuế nào cho cơ quan quản lý.  Đây là các trang web với các dịch vụ cho thuê căn hộ, thuê phòng… được điều hành tại nước ngoài và hiện đang  chiếm doanh số ngày càng lớn. Trong đó, Agoda.com đứng đầu bảng khi nhận mức phí hoa hồng các khách sạn chia lại 10-25%. Vào Việt Nam từ năm 2010 nhưng chỉ sau 6 năm, Agoda đã chiếm thị phần lớn nhất, với lượng khách hàng nhiều nhất nên giá phòng tại Agoda.com luôn thấp nhất, số lượng phòng cũng áp đảo. Ước tính riêng Agoda 1 năm kiếm được ở Việt Nam khoảng 4.500 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD. Đây là phần lãi của Agoda tại Việt Nam vì họ hoàn toàn không phải đóng thuế trên doanh thu này.

(ĐTTCO) - Mỗi năm thu tiền tỷ tại Việt Nam nhưng các trang web trực tuyến nước ngoài Agoda.com, Booking.com, Hotels.com, Expedia.com... chưa hề đóng đồng thuế nào cho cơ quan quản lý.  Đây là các trang web với các dịch vụ cho thuê căn hộ, thuê phòng… được điều hành tại nước ngoài và hiện đang  chiếm doanh số ngày càng lớn. Trong đó, Agoda.com đứng đầu bảng khi nhận mức phí hoa hồng các khách sạn chia lại 10-25%. Vào Việt Nam từ năm 2010 nhưng chỉ sau 6 năm, Agoda đã chiếm thị phần lớn nhất, với lượng khách hàng nhiều nhất nên giá phòng tại Agoda.com luôn thấp nhất, số lượng phòng cũng áp đảo. Ước tính riêng Agoda 1 năm kiếm được ở Việt Nam khoảng 4.500 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD. Đây là phần lãi của Agoda tại Việt Nam vì họ hoàn toàn không phải đóng thuế trên doanh thu này.

Ước tính đến năm 2020, riêng doanh thu từ hệ thống khách sạn, nhà nghỉ chiếm khoảng 21 tỷ USD. Trong đó khoảng 50% doanh thu đến từ các website, tương đương 10,5 tỷ USD.

Và chỉ cần 50% doanh thu đến từ lượng khách nội địa sẽ đóng góp 5,25 tỷ USD tiền phòng cho toàn ngành du lịch, trong đó các công ty bán phòng online sẽ được hưởng doanh số khoảng 1,25 tỷ USD (tính theo mức hoa hồng 20% cho 1 đơn đặt phòng). Vì thế, nếu không có chế tài kiểm soát, cộng dồn sau nhiều năm, Nhà nước có thể thất thu đến 10.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Trước đó, câu chuyện thu thuế đối với loại hình taxi Uber và Grab đã nảy sinh nhiều tranh cãi về hoạt động kinh doanh mới mẻ này tại Việt Nam, như tính hợp pháp của loại hình Uber, Grab, trách nhiệm nộp thuế thuộc về công ty hay các tài xế… Những mập mờ trong mô hình kinh doanh taxi của Uber và Grab khiến cơ quan thuế khó xác định thu thuế. Trong khi các chuyên gia chỉ ra dấu hiệu lách thuế và đề nghị phải thu thuế 2 hãng taxi này để bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp vận tải taxi khác đang tuân thủ pháp luật. Bởi Grab và Uber so với taxi truyền thống có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn, do không phải thực hiện đăng ký kinh doanh, đầu tư xe, kiểm định xe, đóng bảo hiểm, không khám sức khỏe tài xế và không phải nộp thuế, nên giá cước thấp, có lợi thế hút khách hơn. Vậy nhưng, các cơ quan chức năng đã rất lúng túng trong quản lý thu thuế vì chưa có quy định, chế tài để quản lý loại hình taxi mới này để buộc Uber, Grab nộp thuế. Thậm chí, Tổng cục Thuế lại xác định 2 đơn vị này kinh doanh sử dụng giải pháp công nghệ để kết nối vận tải, không hoạt động vận tải. Điều này giúp họ chỉ phải kê khai nộp thuế 20%/doanh thu, chưa phản ánh đúng trách nhiệm thuế của các hãng này. Phải đến mãi gần đây, sau nhiều cuộc đàm phán, Bộ Tài chính cuối cùng đã chốt phương án thu thuế đối với taxi Uber và Grab.

Thực trạng trên đã cho thấy ngành thuế nước ta đang không lường trước được những loại hình kinh doanh, dịch vụ mang yếu tố công nghệ. Chính vì thế, khi quy mô hoạt động của các mô hình kinh doanh mới này còn nhỏ lẻ, cơ quan thuế đã không quan tâm, để đến thời điểm này “miếng bánh” đã lớn, việc kiểm soát hầu như vượt ra khỏi tay cơ quan thuế. Thí dụ, nếu ngay từ đầu xác định Uber là doanh nghiệp vận tải, việc buộc họ phải kê khai, nộp thuế trên toàn bộ doanh thu theo quy định sẽ dễ dàng hơn. Chính vì sự lắt léo trong cách Uber hợp tác với đối tác Việt Nam đã khiến cơ quan thuế khó xác định ai chịu trách nhiệm kê khai, nộp thuế, mức nộp thuế… Hay các trang web đặt phòng trực tuyến không thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, chỉ có văn phòng đại diện, nên cơ quan thuế không thể thu thuế khách sạn, vì người thu tiền là các trang web.

Rõ ràng ngành thuế nước ta chỉ mới nắm được “người có tóc”, trong khi không đưa ra chính sách mạnh mẽ hơn để ràng buộc trách nhiệm nộp thuế của các loại hình kinh doanh mới mẻ, cũng như tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Việc không thu được thuế các trang trực tuyến nước ngoài gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước, bởi doanh nghiệp nước ngoài đã dùng nguồn lực này đầu tư vào quảng bá thương hiệu, mang lại lợi thế hơn hẳn so với doanh nghiệp trong nước.

Đã đến lúc ngành thuế phải có chế tài đủ mạnh, thậm chí có thể phong tỏa lệnh chuyển tiền từ Việt Nam đến những tài khoản công ty nước ngoài đối với các loại hình kinh doanh dựa trên công nghệ mới, trên online và cả mạng xã hội. Theo đó, cần xác định rõ trách nhiệm các bên, trong đó phía nước ngoài và các đối tác Việt Nam có nghĩa vụ gì, thuế bao nhiêu phần trăm. Việc xác định rõ trách nhiệm này sẽ là cơ sở pháp lý để áp dụng phương án thu và giải pháp chế tài bảo đảm việc thu theo quy định của pháp luật về thuế.

Các tin khác