Dư luận và báo chí trong nước mấy ngày nay xôn xao việc diễn viên nổi tiếng Nguyễn Chánh Tín phá sản với những thông tin và cảm xúc trái chiều. Nhưng nhìn từ góc độ luật pháp, chuyện này cũng không đến nỗi ầm ĩ bởi đã kinh doanh phải chấp nhận lời lỗ, có vay có trả và một khi đã cam kết phải thực hiện.
Tại Singapore, một cá nhân có thể nộp đơn xin phá sản nếu nợ số tiền không có khả năng thanh toán tổng cộng ít nhất 10.000 đô la Singapore (SGD), tương đương 165 triệu đồng Việt Nam. Các điều kiện này sẽ được tòa án đánh giá và người này có thể tuyên bố phá sản trong vòng 4-6 tuần sau khi đệ đơn.
Sau đó ngân hàng có thể sẽ tiến hành tịch biên tài sản và chuyện thi hành các bản án sau khi tòa xử là đương nhiên không phải bàn cãi. Tuy nhiên, con nợ có thể thương thuyết với chủ nợ số tiền cần phải trả và nếu số tiền nợ không quá 100.000SGD, sau 3 năm có thể được tòa xóa án.
Thế nhưng vấn đề không chỉ đơn giản như thế. Trong quá trình thi hành án và mong đến ngày chờ tòa rủ lòng thương, con nợ phải gánh chịu những hậu quả chẳng hay ho về mặt cá nhân và xã hội. Người phá sản có thể tiếp tục làm việc nhưng với điều kiện phải chia sẻ một phần thu nhập của mình cho chủ nợ. Việc chi tiêu trong thời gian này phải được người phá sản giải trình trong một bản báo cáo. Tòa án sẽ cử nhân viên kiểm soát theo định kỳ bản báo cáo này và từng khoản mục chi tiêu phải được người phá sản nêu lý do chính đáng. Thí dụ, lý do người phá sản không đi tàu điện hay xe buýt mà dùng taxi do vợ anh ta đang mang bầu trên đường đến bệnh viện. Tất cả hoạt động chi tiêu của người này đều được theo dõi và cuộc sống sẽ trở nên phiền toái.
Đối với người phá sản đi làm thuê sẽ được chủ sử dụng lao động công bố trên các phương tiện truyền thông. Người phá sản dĩ nhiên sẽ khó mà thăng tiến trong cuộc sống nghề nghiệp, nhất là khi muốn trở thành người quản lý. Đặc biệt, nếu người này làm trong ngành tài chính ngân hàng coi như sự nghiệp đã chấm dứt. Trước khi xuất cảnh nước ngoài, người phá sản phải xin phép tòa án và thông thường tòa chỉ đồng ý nếu đi vì mục đích công việc. Người phá sản đi nước ngoài mà không được phép có thể bị phạt tù tối đa 2 năm sau khi về nước và phạt tiền lên đến 10.000SGD.
![]() |
Tại Singapore, hàng năm có không dưới 1.000 trường hợp phá sản và con số trong năm 2013 vừa qua là 1.748, tăng 14,5% so với năm trước đó. Có nhiều lý do để người Singapore phá sản, nhưng chủ yếu vẫn là chi tiêu quá mức thu nhập của mình bằng thẻ tín dụng, nghiện ngập cờ bạc, đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hay tham gia những dự án kinh doanh mà mình không kiểm soát được. 7 trong 10 trường hợp phá sản mắc nợ không quá 200.000SGD và độ tuổi chủ yếu từ 31-50.
Phá sản là một thực tế cuộc sống trên đảo Sư tử và Chính phủ Singapore đã ngày càng quan tâm hơn đến việc hỗ trợ những người phá sản vượt qua khó khăn để làm lại cuộc đời. Thí dụ, với những cá nhân mắc nợ không quá 100.000SGD và có công ăn việc làm ổn định, có thể tham gia chương trình trả nợ kéo dài 5 năm trước khi được xem xét xóa án.
Cuối năm ngoái, tòa án đã xóa án phá sản cho hàng trăm cá nhân và đã có nhiều tấm gương doanh nhân Singapore thành công sau khi phá sản. Nhưng để được quan tòa rủ lòng thương và được người dân cảm thông, người phá sản phải chứng tỏ mình là người chân chính bằng cách hợp tác chặt chẽ với nhân viên tòa án và trả nợ đều đặn như đã hứa. Nếu không anh ta sẽ mãi mãi bị xã hội xem là kẻ lừa đảo vì không tôn trọng thỏa thuận thanh toán nợ nần, dù chỉ là số tiền rất nhỏ.
Singapore, ngày 25-3-2014