Sau khi bị dư luận phản ứng gay gắt về chuyện chậm trễ giải ngân khoản tiền quyên góp từ thiện từ tháng 11-2020, danh hài Hoài Linh mới rục rịch ủy nhiệm cho người quen đi tặng quà đồng bào các tỉnh miền Trung. Thế nhưng, sự ứng phó vụng về ấy chưa phải dấu chấm hết cho một scandal ê chề. Danh hài Hoài Linh đang phải đối mặt với đề nghị tước danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ phía công chúng.
Danh hài Hoài Linh dường như quá sốt ruột để giải ngân khoản tiền từ thiện theo phương pháp dập lửa chữa cháy. Liên tục những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6, người đại diện của danh hài này đã đến trao quà cho nhiều địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát trên diện rộng.
Ông Đào Mạnh Hùng- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Trị, cho biết đoàn từ thiện của danh hài Hoài Linh đã trao 1 tỷ đồng cho cơ quan này, và trao 1,4 tỷ đồng cho huyện Hải Lăng.
Tương tự, đoàn từ thiện của danh hài Hoài Linh đã trao 2,5 tỷ đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ngãi.
Giải ngân nhanh chóng kiểu trả cho xong nợ là một thái độ lúng túng của danh hài Hoài Linh. Đây là cách làm từ thiện để bịt miệng những người chỉ trích mình. Khi kêu gọi từ thiện, Hoài Linh khẳng định bản thân sẽ đến tận nơi để trao tặng cho đồng bào khó khăn vì thiên tai. Đến khi bị phát hiện “treo” 14 tỷ đồng, Hoài Linh lại hứa hẹn sẽ đến tận nơi xin lỗi bà con vì đã tin tưởng và chờ đợi.
Thế nhưng, cả sự cam kết và sự hứa hẹn của Hoài Linh đều không thực hiện. Danh hài vẫn lánh mặt, và miễn cưỡng giải ngân vội vàng.
Không ai bắt Hoài Linh phải làm từ thiện. Vì vậy, Hoài Linh cũng không có quyền lạm dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm để “đánh trống bỏ dùi”. Mặt khác, trong những ngày nắng nóng lại cử đại diện đi trao quà cứu trợ bão lụt, Hoài Linh dường như đã có sự nhầm lẫn nghiêm trọng về giá trị cá nhân và giá trị ủy nhiệm.
Với mỗi phần quà tặng, dù là hiện vật hay hiện kim cũng trưng tấm bảng “Nghệ sĩ Ưu tú - Danh hài Hoài Linh tặng” là sai hoàn toàn. Bởi lẽ, danh hài Hoài Linh không phải dùng tiền của mình để giúp đỡ người khác. Những món quà ấy là của công chúng đóng góp cho Hoài Linh làm đại diện đi cứu trợ. Vì vậy, tấm biển cần phải ghi rõ ràng “Quỹ từ thiện do Hoài Linh phát động”.
Làm từ thiện mà không xuất phát bằng từ tâm, thì chỉ khiến đám đông từ mặt thôi. Người hâm mộ không ngừng đặt nhiều câu hỏi về Hoài Linh như: Tại sao trì hoãn 6 tháng không giải ngân với lý do dịch bệnh không thể đi trực tiếp. Nhưng giờ, đúng giai đoạn đỉnh dịch, Hoài Linh lại chi nhanh thế? Đây là bị chỉ trích mới làm phải không?
Tại sao 6 tháng trước không chi, vài ngày sau video xin lỗi mới giải ngân? Hoài Linh nghĩ gì khi cứu trợ một cách lạnh lùng như vậy, tiền từ thiện có phải thích chi lúc nào thì chi không?
Hoài Linh gần như đã thất bại hoàn toàn trong việc giải cứu truyền thông để vớt vát hình ảnh một ngôi sao quyền lực bậc nhất show biz Việt. Trang Facebook của danh hài Hoài Linh hứng chịu nhiều lời mỉa mai của cộng đồng. Còn kênh YouTube của danh hài cũng bị kêu gọi hủy đăng ký, mà minh chứng cụ thể là những video gần đây của Hoài Linh đã nhận về nhiều lượt dislike (không thích) hơn so với trước đây.
Thậm chí, bất ngờ hơn, vị trí nhà thờ tổ của Hoài Linh tại phường Long Phước, TP Thủ Đức- TPHCM trên Google Maps xuất hiện cùng lúc 2 địa điểm có tên “Đền thờ Tổ nghiệp - Tâm linh Việt” và “Trung Tâm Từ thiện 14 Tỷ”.
Cả 2 địa điểm gắn với khu nhà thờ tổ của Hoài Linh trên Google Maps hứng bão 1 sao (đánh giá thấp về chất lượng) với nhiều bình luận chế giễu, như “Đang trưa nắng thì loa phát ra nhận áo phao”, “Buồn và thất vọng, mất lòng tin” hoặc “Mua danh ba vạn bán danh 14 tỷ”…
Danh hài Hoài Linh đã ứng xử rất kém với sự tin tưởng của công chúng khi không thực hiện hoạt động cứu trợ như cam kết. Thế nhưng, Hoài Linh vẫn là một tên tuổi của show biz Việt, có sức ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng.
Trước đây, ngôi sao cải lương Ngọc Huyền từng bị tước danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, vì tham gia các chương trình ở hải ngoại có nội dung không lành mạnh.
Đơn kiến nghị được ghi ngày 14-5, nhưng đến ngày 25-5 thì Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch mới nhận được. Sau khi xem xét nội dung, ngày 27-5, Thanh tra Bộ đã chuyển cho Sở Văn hóa Thể thao TPHCM giải quyết theo thẩm quyền.
Quyền khiếu nại về tư cách một nhân vật có vị trí trong xã hội, hoàn toàn là quyền hợp pháp của một công dân. Thế nhưng, để tước danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú của danh hài Hoài Linh, cũng không phải đơn giản. Bởi hiện tại vẫn chưa có cơ quan chức năng nào phán định về hành vi của Hoài Linh vi phạm điều khoản pháp luật gì.
Lời kêu gọi và sự bội ước của danh hài Hoài Linh đối với khoản tiền từ thiện chỉ tạm dừng ở giao dịch dân sự. Nhà hảo tâm có thể khởi kiện để đòi lại phần đóng góp mà mình đã ủy nhiệm cho Hoài Linh. Còn kiến nghị tước danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú chỉ là một kiến nghị mang yếu tố tham khảo, về mức độ uy tín xã hội của danh hài Hoài Linh mà thôi.
Rõ ràng, cái khó đang đặt lên vai Sở Văn hóa Thể thao TPHCM.
Trả lời ra sao cho người kiến nghị cũng là việc phải cân nhắc và đắn đo. Vì Sở Văn hóa Thể thao TPHCM không phải nơi có quyền trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, thì cũng không phải nơi có quyền đòi lại danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Hoài Linh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 2016. Trường hợp danh hài là nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên có được sự ghi nhận này. Hoài Linh có lỗi với khán giả thì khán giả quay lưng với Hoài Linh, còn tước danh hiệu và cấm sóng truyền hình phải có bằng chứng pháp luật cụ thể.
Hoài Linh quê ở thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Từ nhỏ, Hoài Linh đã theo gia đình vào sinh sống ở Cam Ranh - Khánh Hòa rồi chuyển vào lập nghiệp ở Dầu Giây - Đồng Nai.
Năm 1993, Hoài Linh định cư tại Mỹ, thành danh trên đất khách rồi quay về chinh phục thị trường giải trí trong nước. Đi lên từ gian khó, Hoài Linh là thần tượng của công chúng mà không cẩn trọng gìn giữ hình ảnh thì cũng đáng trách và đáng buồn.