Đại diện Diana Unicharm cho biết cơ quan quản lý giải thích những sản phẩm này không thuộc nhóm mặt hàng thiết yếu trong dịch, nên không được vận chuyển, lưu thông. Phía doanh nghiệp lo ngại, nếu việc tắc nghẽn, đứt đoạn chuỗi cung ứng không được tháo dỡ, mặt hàng này sẽ sớm thiếu hụt trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ, an toàn vệ sinh của người dân.
Nhiều người tiêu dùng cho biết họ khá ngạc nhiên trước thông tin này. Và cho rằng các quy định của một số tỉnh/thành hiện nay là cứng nhắc, thiếu tính thực tế.
Trước câu chuyện của doanh nghiệp này, mặt hàng đồ uống (nước đóng chai, đống lon), sữa cũng đã bị một số địa phương xem là không thiết yếu, dẫn đến doanh nghiệp không thể giao hàng đến các đại lý bán lẻ. Mặc dù ngay sau đó, các mặt hàng này đã được đưa vào danh sách hàng thiết yếu lưu thông trong những ngày giãn cách, nhưng vẫn gây nhiều bức xúc.
Việc áp dụng Chỉ thị số 16 tại một số tỉnh/thành phố nhưng không đồng bộ, mỗi nơi một cách hiểu với từng nội dung, đã dẫn đến thiếu nhất quán trong chính sách áp dụng về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hóa, quy định về thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu… Nhiều mặt hàng được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh này nhưng lại trở nên "không thiết yếu" ở tỉnh khác, gây khó khăn trong quá trình lưu thông hàng hoá của doanh nghiệp.
Ví như mặt hàng băng vệ sinh, tã bỉm, hiện chỉ có Đồng Nai ghi vào danh sách hàng thiết yếu, còn nhiều tỉnh/thành khác tại khu vực phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16 thì không.
Chiều ngày 27-7, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng, đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông”, thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông.
Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển, với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh, hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định.
Phía các doanh nghiệp cũng cho biết rất mong chờ Chính phủ sẽ sớm phê duyệt đề xuất này của Bộ Công Thương, để hàng hoá có thể lưu thông thuận lợi trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, trong khi doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo sản xuất, cố gắng cung ứng hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng, không thể đứt gãy chuỗi cung ứng như hiện nay.