Ma mị núi U Bò

(ĐTTCO) - Núi U Bò (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), cái tên còn khá xa lạ với dân phượt leo núi. Nơi đây cuốn hút du khách bởi thiên nhiên hoang sơ, kỳ thú với thảm thực vật độc đáo, ma mị.
Dãy núi với các đỉnh cao từ 2.500-2.900m so với mực nước biển, bốn mùa sương mù bao phủ được xem là nóc nhà của vùng Bắc Yên. Vùng núi này còn ẩn chứa câu chuyện về những lần máy bay bị mất tích khi qua đây. Đến hôm nay dấu vết mảnh vỡ xác máy bay vẫn còn nằm lại nơi rừng già.

1.

Huyện Bắc Yên những năm gần đây đã quen thuộc với du khách khi đến thiên đường săn mây Tà Xùa. Ngoài săn mây du khách còn có thể đi Bản Bẹ ngắm hơn 200 cây chè cổ thụ, khám phá các bản Mông thâm sâu cùng cốc, hay lang thang theo những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín…
Nhưng có một địa danh bỗng trở nên thu hút thời gian qua được dân phượt truyền tai nhau đó là chinh phục dãy núi U Bò thuộc rừng đặc dụng Tà Xùa. Nhiều người đi về ca tụng vẻ đẹp ma mị của những khu rừng già, và kể lại những câu chuyện kỳ lạ về nhiều chiếc máy bay đã bị rơi ở đây. Thậm chí nơi đây được mệnh danh "Tam giác quỷ Bermuda" của Việt Nam.
Ma mị núi U Bò ảnh 1
Chúng tôi được Bí thư xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, Hạng A Củ giới thiệu một porter (người dẫn đường) bản địa dân tộc Mông đầy tin cậy Hạng A Tráng. Buổi sáng cuối tuần, cả nhóm chúng tôi theo Hạng A Tráng bắt đầu lên đường khám phá U Bò, tìm những dấu tích máy bay rơi. Để chinh phục đỉnh U Bò có nhiều cung đường khác nhau. Du khách có thể xuất phát từ bản Chống Tra, gần khu Sống Lưng Khủng Long ở xã Háng Đồng hoặc đi từ xã Xím Vàng, Hang Chú…
Sau khi tham khảo, Hạng A Tráng quyết định dẫn chúng tôi đi theo cung đường Xím Vàng với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú đang chờ đón trước mắt. A Tráng cho biết: “Lên U Bò bắt buộc phải có những người Mông bản địa quen thuộc địa bàn dẫn đường nếu không sẽ bị lạc phải trở về. Những người bản địa đã quen thuộc với cánh rừng này có thể leo lên đỉnh núi rồi trở về bản trong ngày. Nhưng du khách thường phải mất 2 ngày 1 đêm để chinh phục được đỉnh U Bò với nhiều thử thách cam go".

 

2.

Sau một đoạn từ khi rời bản, chúng tôi bắt đầu gặp một con suối đá chảy ra từ trên núi. Suối trong vắt tuôn chảy như một dải lụa trắng vắt qua cánh rừng. Theo kinh nghiệm của A Tráng đi ngược theo con suối lên cao là một cung đường khá an toàn, lại có thể nghỉ ngơi và vệ sinh thân thể… Cứ đi được khoảng 30 phút chúng tôi lại dừng chân bên suối thư giãn, tiện thể check-in một vài bức ảnh đẹp. Lên đến độ cao khoảng 2.000m so với mực nước biển, khung cảnh bắt đầu u tối dần với những màn sương mù bao trùm cảnh vật. Không khí trở lên ẩm ướt, cánh rừng già hiện ra đầy huyền ảo trước mắt đoàn người.
Những rừng cây đâm lên tua tủa, uốn lượn như thân hình hàng ngàn, hàng triệu con trăn, con rắn khổng lồ kỳ quái. Rêu xanh bám đầy thân cây, cành cây khiến những chiếc lá trên ngọn đã rụng tàn tự bao giờ. Dường như hàng ngàn năm nay rêu xanh, dương xỉ đã bám lấy cây  “trơ gan cùng tuế nguyệt” như thế. Nếu may mắn du khách còn có thể bắt gặp ở núi U Bò những cây hoa đỗ quyên cổ thụ bung nở đẹp mắt vào dịp tháng 3, tháng 4 dương lịch. Vẻ cổ kính, huyền bí đầy ma mị của cánh rừng già thu hút ánh nhìn, sự tò mò của mọi du khách khi đặt chân tới đây. Có thể nói rừng cây rêu cổ kính hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ đã mang lại cho mọi du khách ấn tượng khó quên trong suốt hành trình. 
Mải miết chinh phục cánh rừng suốt 5-6 giờ, nhóm chúng tôi đã thấm mệt và đói. A Tráng tìm được một điểm dừng chân lý tưởng trong cánh rừng già bắt đầu bày cơm, xôi, thịt gà bản, nước uống… mang theo để dùng bữa. Bữa ăn ngon giữa khung cảnh thiên nhiên kỳ thú khiến chúng tôi nhanh chóng lấy lại sức lực và sự hứng khởi. 
Tiếp tục hành trình tìm tới những đỉnh núi cao hơn, chúng tôi bắt đầu lạc vào những miền hoa thơm cỏ lạ đầy màu sắc diệu kỳ. Vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng khiến du khách vơi đi nỗi mệt nhọc. Càng lên cao phong cảnh càng hiện ra vẻ kỳ thú. Những đám rêu cỏ xanh mướt bám đầy lối đi, bám trên đá khiến mọi người có cảm giác như mình đang lạc vào một miền cổ tích xa xăm. Khi thời gian chuyển sang cuối buổi chiều, A Tráng dẫn chúng tôi tìm tới đỉnh cao nhất ở dãy U Bò. Do đây là địa danh mới khám phá nên chưa được gắn chóp inox. Nhưng theo tìm hiểu, điểm này có độ cao khoảng 2.900m so với mực nước biển.
Ma mị núi U Bò ảnh 2
Sương mù, mưa phùn bao phủ toàn bộ cảnh vật, khiến chúng tôi không thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm bức tranh thiên nhiên hùng vĩ từ đỉnh núi. Tiếc nuối một lúc trên đỉnh mù sương, chúng tôi theo chân A Tráng tìm tới lán của người Mông nghỉ qua đêm, lấy sức để tiếp tục hành trình hạ sơn đầy thú vị đang chờ đón ngày hôm sau.

 

3.

Trời tờ mờ sáng, cả nhóm thức dậy dùng bữa, nạp năng lượng sẵn sàng cho một ngày xuống núi. Trước chuyến đi Bí thư Hạng A Củ đã chỉ chúng tôi khu vực có nhiều dấu tích của những vụ rơi máy bay trong quá khứ. Theo anh Củ, vùng núi U Bò những năm 1950-1994 đã có nhiều vụ rơi máy bay kỳ lạ. Đó là 5 lần máy bay của người Pháp rơi từ 1949-1953, máy bay của Mỹ đâm vào vách núi trong thời kỳ 1966-1972, máy bay trực thăng Mi-8 của Liên Xô năm 1985, và mới nhất năm 1994, sự kiện chiếc trực thăng Bell Long Ranger đâm vào vách núi U Bò.
Sau gần 2 giờ xuất phát từ điểm dừng chân qua đêm, chúng tôi đã đến được khu vực còn dấu tích của những mảnh vỡ máy bay. Ở đây hiện vẫn còn một chiếc lán bỏ hoang. Lán này do đoàn người tìm kiếm xác máy bay trực thăng Bell Long Ranger dựng vào năm 1994. Buổi sáng sương mù dày đặc bao quanh khu vực lán hoang khiến mọi người có cảm giác sờ sợ khó tả.
Xung quanh khu vực lán hoang có nhiều mảnh vỡ của máy bay cùng những vật dụng của đoàn người tìm kiếm bỏ lại. Những mảnh vỡ này chỉ to bằng vài ngón tay hoặc mảnh to nhất cũng chỉ bằng bàn tay, do hầu hết phần chính của xác máy bay rơi đã được di chuyển đi nơi khác.
Anh Hạng A Củ kể, những người Mông cao tuổi ở các bản thuộc xã:  Xím Vàng, Háng Đồng, Hang Chú, Làng Chếu… xưa kia đều đã từng một vài lần được chứng kiến hay nghe thấy các vụ nổ lớn do tai nạn máy bay gây ra trong cánh rừng già U Bò. Đã có nhiều đoàn thám hiểm địa chất, khí tượng… lên U Bò để khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân vì sao máy bay khi qua đây hay bị tai nạn, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải.
Chính vì thế từ năm 1995, đường bay từ Hà Nội lên Sơn La, Điện Biên hay sang nước bạn Lào đã phải đổi hướng không đi qua dãy U Bò nữa. Những mảnh vỡ của xác máy bay qua năm tháng đã rỉ sét, rêu phong nằm rải rác bên sườn núi U Bò đã phần nào minh chứng cho truyền thuyết Tam giác quỷ Bermuda của Việt Nam. Vẻ đẹp huyền ảo của rừng già cùng những dấu tích về xác máy bay khiến cho chuyến đi khám phá của chúng tôi có thêm nhiều cung bậc cảm xúc.
Rời khu lán hoang chúng tôi lặng lẽ theo chân A Tráng xuống bản kết thúc một hành trình khó quên.
 Núi U Bò hay còn được người dân bản địa gọi là Sa Mu. Dãy núi thuộc cánh rừng đặc dụng Tà Xùa là đoạn kéo dài về phía Đông Nam của dãy Hoàng Liên Sơn. Núi U Bò là điểm giáp ranh của 2 huyện, 2 tỉnh: Bắc Yên (Sơn La) và Trạm Tấu (Yên Bái). Với diện tích rừng đặc dụng gần 18.000ha, có nhiều đỉnh cao trên 2.500m, U Bò có hệ sinh thái, thảm thực vật độc đáo, giá trị cao về bảo tồn nguồn gen. Cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ nơi đây còn là tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ du lịch giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Các tin khác