“Chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, truy xuất nguồn gốc được coi là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.
“Không chỉ vậy, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại”, ông Linh nói.
Để đón đầu xu hướng này, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) và giao cho Bộ KH&CN chủ trì triển khai; trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia.
Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.
Thế nhưng thực tế triển khai trong thời gian qua cho thấy việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm Việt chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
“Ma trận” app truy xuất nguồn gốc bủa vây nông sản Việt
Theo ông Nguyễn Văn Đoan, chuyên gia thuộc Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (đơn vị triển khai Đề án 100), hiện có hơn 60.000 doanh nghiệp là thành viên của GS1 của Tổ chức mã số mã vạch toàn cầu, với hơn 600.000 sản phẩm sử dụng mã số, mã vạch. Mỗi năm có khoảng 7.000 doanh nghiệp đăng ký mã số, mã vạch mới. Cùng với đó, thị trường cũng có rất nhiều giải pháp truy xuất nguồn gốc, nhưng lại tồn tại theo kiểu “trăm hoa đua nở”.
“Hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai, chưa tuân thủ theo quy chuẩn nào. Chỉ cần một thao tác tìm kiếm trên các kho ứng dụng, có thể thấy hàng loạt ứng dụng truy xuất nguồn gốc, nhưng tính xác thực lại thấp. Tôi cũng đã thử nghiệm truy xuất nguồn gốc trên một số sản phẩm trong một siêu thị lớn và thấy đa phần mới chỉ là điện tử hóa tem nhãn. Trên mã tem mới hiện thông tin về sản phẩm chứ không phải lịch sử sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm”, ông Đoan cho hay.
“Có một điều lạ nữa là, tất cả các sản phẩm đều có thông tin về số ngày cách ly về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giống hệt nhau. Sản phẩm nào cũng là 7 ngày với phân bón và 10 ngày với thuốc bảo vệ thực vật, dù đó là phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật gì. Trong khi có những loại phân bón, yêu cầu thời gian cách ly chỉ 3 ngày hay thuốc bảo vệ thực vật yêu cầu cách ly 14 ngày”, ông Đoan nêu dẫn chứng.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cũng cho biết tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc, loạn app đang diễn ra khá phổ biến. Các tiêu chí về truy xuất nguồn gốc của Việt Nam còn lạc hậu so với thị trường thế giới. Bên cạnh đó, sự thiếu chủ động đổi mới khiến người dân và doanh nghiệp liên tục bị bất ngờ bởi những hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu.
Cần thay đổi tư duy đối phó khi dùng mã truy xuất nguồn gốc
Đặt vấn đề về thực tế minh bạch trong truy xuất nguồn gốc hiện nay, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng, đại bộ phận coi việc truy xuất nguồn gốc giống như bị thanh kiểm tra, là việc buộc phải làm. Đấy là sai lầm nghiêm trọng của người, đơn vị có tư tưởng đối phó.
“Vẫn còn tình trạng ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo cách chống đối, giả tạo. Nhà vườn có sổ tay sản xuất, đến kỳ đánh giá tiêu chuẩn VietGap hay mã vùng trồng, nhiều người đưa ra theo kiểu đối phó mà không hiểu đây là hồ sơ kinh nghiệm để đúc rút trong sản xuất. Họ không hiểu rằng truy xuất nguồn gốc chính là công cụ xây dựng thương hiệu cho chính mình, uy tín của doanh nghiệp”, bà Thực nêu ý kiến.
Theo đại diện Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, khó khăn lớn nhất đối với quá trình thực hiện chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp là có nhiều quy định pháp luật về quản lý lưu thông hàng hóa nhưng lại thiếu chế tài nghiêm khắc để xử lý sai phạm, đặc biệt là với nông sản. Điều này dẫn đến việc mù mờ thông tin, không công bằng đối với những đối tượng cùng lưu thông ra thị trường.
“Minh bạch thông tin là yêu cầu bắt buộc. Muốn nâng cao giá trị sản phẩm Việt, chúng ta cần chủ động minh bạch thông tin, tránh việc mù mờ thông tin. Hậu quả của mù mờ thông tin là mất niềm tin của người tiêu dùng vào chính hệ thống quản lý, giám sát, hệ thống phân phối chuỗi nông sản; Thị trường bất ổn, dễ bị tổn thương khi có tin đồn thất thiệt. Cả người tiêu dùng và người sản xuất đều thiệt hại. Một nền nông nghiệp mù mờ thông tin thì hệ quả là phải giải cứu”, bà Thực nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, bộ đang có kế hoạch áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản không chỉ với thị trường xuất khẩu, mà với cả thị trường tiêu thụ nội địa 100 triệu dân. Điều này đem lại lợi ích vẹn toàn cho tất cả các bên trong chuỗi cung ứng nông sản; giúp người nông dân - chủ thể chính của tái cơ cấu nông nghiệp nâng cao khả năng đưa sản phẩm ra ngoài thị trườngvà đặc biệt là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
“Vì thế truy xuất nguồn gốc hơn bao giờ hết là nội dung hết sức quan trọng, đòi hỏi sự cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Tới đây, việc truy xuất nguồn gốc phải được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, khả thi hơn, đáp ứng được đầy đủ và không để bị động trước bất cứ đòi hỏi, tiêu chuẩn của thị trường nào”, ông Toản nói.