Tăng trưởng nóng
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam và một số công ty chứng khoán, tính riêng trong 3 quý đầu năm 2021, các DN năng lượng đã huy động gần 22.000 tỷ đồng qua kênh TPDN.
Quý IV-2021, trái phiếu nhóm DN NLTT tuy có phần chững lại khi nhóm ngân hàng “soán ngôi” nhưng vẫn giữ đà tăng trưởng. Năm 2021, phát hành TPDN đứng đầu là Trung Nam Group, tiếp đó là Điện Gia Lai (GEG) với lãi suất cao (dao động 9,5-11%/năm) đã khiến các lô trái phiếu của DN năng lượng phát hành đều trong tình trạng “cháy hàng”.
Thực tế, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh còn rất lớn, khi Chính phủ định hướng cắt giảm những nguồn điện gây ô nhiễm, đặc biệt là cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ, tỷ trọng đóng góp của nguồn điện NLTT trong tổng công suất hệ thống điện sẽ tăng mạnh trong tương lai, chiếm 40,6% tổng công suất hệ thống điện vào năm 2045.
Trong đó, điện gió và điện mặt trời sẽ là động lực chính, còn điện sinh khối và thủy điện nhỏ (công suất dưới 30MW) sẽ chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Quan điểm chủ đạo trong dự thảo Quy hoạch điện VIII là giảm điện than, khuyến khích phát triển mạnh mẽ NLTT và năng lượng mới. Trong lĩnh vực NLTT, cần đảm bảo hiệu quả, cân đối hệ thống.
Đặc biệt, điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới. Chính điều này đã làm nên kỳ vọng của nhà đầu tư khi mạnh tay “xuống tiền” thu gom trái phiếu của các DN nhóm ngành năng lượng phát hành ra thị trường.
Ước tính, nhu cầu vốn để thực hiện dự án NLTT trong vòng 3-5 năm tới khoảng 50-70 tỷ USD. Với quy mô rất lớn này, hệ thống ngân hàng không thể đáp ứng nên chủ đầu tư phải gọi vốn qua kênh TPDN.
Bởi vậy, cũng có ý kiến lo ngại các DN ngành năng lượng đang dùng công cụ lãi suất cao đối với TPDN để làm “mồi nhử” huy động vốn và che đậy năng lực tài chính thực sự của mình.
Điều này sẽ như “con dao hai lưỡi” khi tất cả nguồn vốn nhà đầu tư bỏ ra đều phó thác vào sự may rủi của DN, không được đảm bảo. Thực tế, trong bối cảnh thị trường TPDN tăng trưởng nóng hiện nay, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, lại hoàn toàn thiếu vắng các công cụ đánh giá mức độ rủi ro.
Bên cạnh đó, sự “lệch pha” giữa năng lực tín dụng của nhà phát hành và lãi suất trái phiếu trên thị trường ngày càng lớn.
Thực trạng trên dẫn đến hệ quả tiềm ẩn rủi ro cho cả 2 phía. Về phía DN năng lượng, việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao như trên khó có thể tối ưu được chi phí vốn (vì đầu tư dự án NLTT cần thời gian dài hạn, cơ chế về giá vẫn chưa rõ ràng nên rủi ro cao).
Về phía nhà đầu tư cũng loay hoay trong “ma trận” khi thiếu công cụ thẩm định. Trong khi ngân hàng thẩm định rất kỹ các dự án NLTT, nhà đầu tư cá nhân mua TPDN chủ yếu nhìn vào lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, sẽ không biết được trái phiếu nào an toàn và thu được lợi nhuận.
Rủi ro tiềm ẩn
Rủi ro tiềm ẩn
Sự phát triển quá nóng của TPDN nhóm ngành NLTT trong khi cơ chế chưa rõ ràng đang ảnh hưởng đến khả năng sinh lời, khả năng trả nợ của chủ đầu tư, từ đó gây rủi ro đến dòng vốn tài trợ của ngân hàng và các nhà đầu tư. Một trong những rủi ro lớn của các dự án NLTT là thời gian đầu tư kéo dài.
Đơn cử, năm 2021 không ít dự án điện gió hàng ngàn tỷ đồng rơi vào thế khó, khi chưa giải tỏa xong mặt bằng, những khó khăn vì dịch Covid-19 bùng phát, đã khiến vận chuyển thiết bị chậm trễ, chuyên gia nước ngoài khó nhập cảnh và nhà máy đứng trước nguy cơ không kịp tiến độ.
Điều này tác động đến tính hiệu quả của dòng vốn đầu tư, DN buộc phải gồng mình gánh chi phí lãi suất cao sau khi phát hành trái phiếu huy động.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia, cơ chế giá điện chưa rõ ràng là rủi ro lớn nhất với các nhà đầu tư mua TPDN năng lượng, cũng như với ngân hàng và chủ đầu tư dự án NLTT hiện nay.
Hiện tại, nhiều dự án NLTT công suất lớn đang được đầu tư càng làm cho vấn đề này trở nên nan giải hơn. Gần đây đã có những cảnh báo rằng, sau giai đoạn chạy đua về dự án và huy động vốn sẽ là giai đoạn trầm lắng, thậm chí đổ vỡ dây chuyền của nhóm DN NLTT, khi họ phải đối mặt với hàng loạt quy định khắt khe, biên lợi nhuận giảm và có thể có nhà đầu tư bỏ cuộc.
Những cảnh báo trên không phải là không có cơ sở. Hiện nay vẫn đang tồn tại khoảng trống lớn về luật pháp, chính sách từ giá FIT đến áp dụng cơ chế mới về giá điện. Trong khi có ý kiến cho rằng, hiện giá bán điện cho sản xuất còn thấp hơn so với nhiều nước.
Nhưng cần điều chỉnh giá điện như thế nào cho hợp lý, để vừa hỗ trợ sản xuất kinh doanh vừa khuyến khích phát triển NLTT, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có giải pháp rõ ràng từ Bộ Công Thương.
Dư luận lo ngại, với mức tăng trưởng nóng của TPDN nhóm NLTT hiện nay, rất có thể sẽ lặp lại “vết xe đổ” như các dự án của nhóm doanh nghiệp giao thông của những năm trước đó, mà các dự án BOT là thí dụ điển hình.
Việc phát hành trái phiếu với lãi suất cao của DN năng lượng, cùng với việc nhà đầu tư thiếu công cụ thẩm định giá, khiến cả 2 đang loay hoay trong “ma trận” của trái phiếu NLTT. |