Chương trình gồm nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em, thầy cô giáo và người dân nghèo tại xã Đắk R’Măng, huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Các thành viên trong nhóm Bụi kết nối trao tặng quà và tổ chức vui chơi cho các em nhỏ tại xã Đắk R’Măng, huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông
Động viên kịp thời
Trong chương trình, đoàn đã trao tặng 1.000 phần quà (gồm ba lô, quần áo, sách vở, sữa, bánh kẹo…) cho các em học sinh mầm non, tiểu học, 24 chiếc xe đạp cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 250 phần quà (lương thực, thực phẩm, chăn mền, quần áo...) cho người dân khó khăn trên địa bàn. Chương trình cũng tặng tiền mặt cho 5 đoàn viên, 5 thương bệnh binh, 5 giáo viên trên địa bàn xã. Nhóm còn trao tặng, lắp đặt 5 bộ máy tính tại một số trường học thiếu cơ sở vật chất và 1 bộ máy tính tại trụ sở Công an xã Đắk R’Măng. Nhân dịp này, các thành viên nhóm Bụi kết nối cùng thầy cô giáo, chính quyền địa phương lên kế hoạch tổ chức các hoạt động vui chơi có thưởng, tái hiện các trò chơi dân gian và tổ chức ngày hội ẩm thực dành riêng cho các em nhỏ.
Chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của các em nhỏ vùng cao, một số mạnh thường quân tại TPHCM đã chung tay đóng góp, hỗ trợ em Vàng Thị Pa (học sinh lớp 8A3, Trường Phổ thông Dân tộc - THCS bán trú Đắk R’Măng) và em Vàng Thị E (học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lê Lợi); với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng, duy trì cho đến khi hai em tròn 18 tuổi. Được biết, cha mẹ hai em không may bị sét đánh trúng tử vong trong lúc đang đi làm rẫy. Hiện hai chị em phải sống nương tựa bà ngoại đã già yếu, không còn sức lao động.
Theo đại diện UBND xã Đắk R’Măng, nơi đây là một trong những xã khó khăn nhất huyện, với hơn 97% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi nên các em nhỏ đi học rất vất vả. Thiếu sân chơi, thiếu sự quan tâm từ gia đình nên tuổi thơ các em chỉ là những buổi theo bố mẹ lên rừng, vào rẫy giữa cái nắng, cái mưa, cái gió rất khắc nghiệt của vùng cao. Năm vừa qua, do ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt, mùa màng thất bát, cộng với dịch bệnh bùng phát nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, một số em phải bỏ học giữa chừng. Chính vì vậy, chương trình thăm hỏi, tặng quà của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện là sự động viên kịp thời đối với các em.
Chị H’ Hồng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Nông, chia sẻ: “Dù đã được chính quyền, Nhà nước quan tâm hơn trước nhưng cuộc sống của trẻ em nơi đây vẫn còn thiếu thốn trong sinh hoạt hàng ngày và cả trong học tập. Đây là chương trình đầu tiên giúp các em thiếu nhi có một sân chơi bổ ích, một ngày hội đúng nghĩa, phù hợp với lứa tuổi. Các hoạt động vui chơi, tặng quà thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng xã hội, là nguồn động viên to lớn để các em vươn lên, vượt qua khó khăn, tiếp tục vui bước đến trường học tập, trở thành người công dân có ích”.
Nhân rộng sự sẻ chia
Đại diện nhóm Bụi kết nối cho biết, tổng kinh phí thực hiện chương trình “Nụ cười cho em lần 8” hơn 270 triệu đồng, do nhóm kêu gọi, vận động tài trợ suốt nhiều tháng qua. Đây là một trong những chương trình thường niên của nhóm. Hàng năm, nhóm vẫn thực hiện nhiều chương trình nhằm giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào các khu vực đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, trên tinh thần chia sẻ yêu thương và kết nối cộng đồng.
Trước đó, vào ngày 20-3, các thành viên trong nhóm cũng tổ chức chương trình “Trao gửi yêu thương”, thăm hỏi và tặng quà cho 500 em nhỏ và người dân nghèo tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước; phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, hỗ trợ khoan 8 giếng nước sạch cho người dân tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Tổng kinh phí cả hai chương trình gần 100 triệu đồng.
Vượt đường xa đến với xã Đắk R’Măng, chị Hữu Thị Thu Hạnh (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) xúc động khi lần đầu tiên được tham gia hoạt động thiện nguyện, tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả mà người dân, trẻ em vùng sâu, vùng xa đang hàng ngày phải trải qua. Chị tâm sự: “Tôi thấy hoạt động như vậy là hết sức ý nghĩa, cần thêm nhiều sự giúp sức của cộng đồng xã hội để trẻ em nghèo có điều kiện học tập ở những môi trường tốt, tiếp xúc với công nghệ, thế giới bên ngoài nhiều hơn. Hoạt động hỗ trợ cho học sinh vùng cao còn góp phần khuyến khích phụ huynh cho con em đến trường học tập đầy đủ”.
Nhóm Bụi kết nối được thành lập từ năm 2016 với hơn 10.000 thành viên rải rác ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước; hầu hết thành viên trong nhóm là những bạn trẻ đam mê phượt, du lịch bụi. Thay vì chỉ là những chuyến đi thử thách bản thân, nhóm chọn kết hợp đi thăm và tặng quà cho những người kém may mắn hơn mình trên những cung đường đi qua, để mỗi chuyến đi thêm phần ý nghĩa.
Anh Võ Ngọc Hòa, trưởng nhóm Bụi kết nối, cho biết, trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19, các hoạt động thiện nguyện của nhóm bị chững lại hoặc tạm hoãn. Bước qua giai đoạn bình thường mới, mục tiêu của nhóm vẫn luôn hướng về các em thiếu nhi và người dân ở vùng cao, vùng xa, vùng khó khăn. “Tôi luôn quan niệm rằng, yêu thương cho đi thì nụ cười ở lại. Những phần quà tuy không lớn về vật chất nhưng thiết thực, là sự chung tay của tất cả cộng đồng, góp phần động viên các em nhỏ có thêm nghị lực vươn lên, cố gắng học tập trong hoàn cảnh khó khăn”, anh Hòa tâm sự.