Chốt phiên giao dịch hôm nay 13/1, thị trường chứng khoán ghi nhận sắc đỏ áp đảo sắc xanh.
VN-Index giảm 14,46 điểm xuống 1496,05 điểm. Như vậy, đây là phiên thứ hai trong tuần giao dịch này, chỉ số này thủng mốc 1.500 điểm. Toàn sàn có 146 mã tăng, 327 mã giảm và 38 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 12,81 điểm xuống 460,83 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 114 triệu đơn vị, tương ứng hơn 3.448,27 tỷ đồng. Toàn sàn có 65 mã tăng, 201 mã giảm và 22 mã đứng giá.
UPCoM-Index cùng giảm 1,52 điểm xuống 112,67 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 101,5 triệu đơn vị, tương ứng gần 2.147,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 122 mã tăng giá, 228 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.
Giá trị thanh toán toàn thị trường giảm 15% với hôm qua, với tổng giá trị khớp lệnh đạt 36.440,77 tỷ đồng, tương ứng tổng khối lượng giao dịch hơn hơn 1,21 tỷ đơn vị; trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 16% xuống 30.845 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng ghi nhận bán ròng trở lại khoảng gần 120 tỷ đồng ở sàn HoSE, trong khi tiếp tục mua ròng ở sản HNX và UPCoM.
Thị trường phiên giao dịch hôm nay chứng kiến áp lực chốt lời mạnh ở nhóm bất động sản. Các mã đần dầu dòng bất động sản nằm sàn la liệt, trắng bên mua như CEO, CII, DIG, NHA…
Với nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì được sắc xanh khi đây vẫn được coi là điểm sáng bất động sản trong năm 2022 nhờ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô và các biện pháp phục hồi kinh tế. Đơn cử như mã SZC tăng 1,06%, đạt 66.700 đồng/đơn vị.
Nhìn chung, áp lực bán của thị trường càng bị đẩy lên mức cao vào cuối phiên khiến đà giảm của nhóm cổ phiếu bất động sản lan rộng đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu khác.
Nếu như các cổ phiếu ngân hàng như BID, MBB, CTG… đều đồng loạt tăng mạnh, thậm chí BID tăng trần phiên sáng thì đến chiều, trước sự rung lắc của thị trường chung đã phần nào khiến nhóm cổ phiếu này hạ nhiệt, một số cổ phiếu về lại mức tham chiếu, cá nhân STB quay đầu giảm 1,15%.
Hay như nhóm dầu khí cũng thu hút dòng tiền khá tốt với GAS, PVC, PVD, PVS, PVG, BSR, OIL… tăng điểm đầu phiên sáng nhưng sau đó có dấu hiệu chứng lại và cũng quay đầu giảm về quanh tham chiếu.
Ở một diễn biến khác, nhiều cổ phiếu bluechip như PNJ, FPT, HPG… tăng điểm giúp điểm số thị trường giữ ở mức cân bằng, dù số mã giảm trên toàn thị trường đang chiếm ưu thế. Cụ thể, PNJ tăng 1,5%; FPT tăng 2,8% hay HPG tăng 1,1%.
Trợ lực từ nhóm cổ phiếu này đang ủng hộ quan điểm sau cú sốc thua lỗ về đầu tư thái quá sẽ là sự trở lại các cổ phiếu có yếu tốt cơ bản tốt và gắn với câu truyện phục hồi của kinh tế, nhất là nhóm cổ phiếu trong rổ VN30.