Tuyển dụng online thuận tiện trong việc nộp hồ sơ nhưng cũng không ít đòi hỏi, đặc biệt là kỹ năng giới thiệu bản thân qua các hồ sơ xin việc. Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành nhưng chưa chắc sẽ trúng tuyển, bởi giỏi chuyên môn là yêu cầu bắt buộc, bên cạnh đó phải có kỹ năng mềm về giao tiếp và kỹ năng giới thiệu bản thân.
Thiếu chuyên nghiệp
CV là viết tắt của cụm từ Curriculum Vitae, được dịch và hiểu là sơ yếu lý lịch. Tuy nhiên, CV khác với sơ yếu lý lịch tự thuật về gia đình trong các bộ hồ sơ xin việc thường thấy. CV xin việc chủ yếu là phần giới thiệu tóm tắt về bản thân như: thông tin cá nhân, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng liên quan đến chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, vị trí mong muốn ứng tuyển.
Nội dung đầy đủ nhưng ngắn gọn, trình bày dễ nhìn, đẹp mắt là những yêu cầu cần phải có của một CV, trong việc ứng tuyển trực tuyến, CV cũng như bộ mặt của ứng viên để nhà tuyển chọn đánh giá. Ở một số công ty, để cạnh tranh với những ứng viên khác, tất cả dường như phụ thuộc vào CV và khi đến vòng phỏng vấn trực tiếp, gần như nhà tuyển dụng đã đồng ý tuyển bạn.
Tuy nhiên, một số bạn trẻ hiện nay quên mất kỹ năng mềm này, đến khi ứng tuyển xin việc mới loay hoay tạo CV cho bản thân.
“Lúc vừa tốt nghiệp, tôi đã chuẩn bị sẵn 2 bộ hồ sơ xin việc để gửi đến công ty đã nhắm từ trước. Khi đọc thông báo, thấy họ yêu cầu gửi CV online trước, qua được vòng này thì mới nhận hồ sơ trực tiếp. Lúc đó, tôi cũng chỉ lờ mờ hiểu CV là gì, đánh máy vài dòng giới thiệu thông tin và học vấn bản thân, kết quả là cả hai tôi đều bị loại. Sau này hỏi bạn bè, rồi mấy anh chị đi trước mới rút kinh nghiệm được”, Nguyễn Văn Hoàng (27 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận 2, TPHCM) kể.
Sau 3 lần nộp hồ sơ thất bại, Thành Nhân (25 tuổi, lập trình viên, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) chia sẻ kinh nghiệm: “Thấy thông báo nộp hồ sơ online, tôi làm file word giới thiệu bản thân rồi học vấn chuyên môn, gửi đi 3 chỗ, chỗ thì nói liên hệ sau, chỗ thì trượt. Tôi hỏi bạn bè, mới biết CV khác với viết bài giới thiệu về mình, nhờ đứa bạn làm thiết kế hỗ trợ, tôi bắt đầu gửi CV tới những công ty khác, xin việc mới dễ dàng hơn”.
Không phải “tô hồng” bản thân
Nhiều trang web giới thiệu việc làm, hay các hội nhóm trên mạng xã hội được các bạn trẻ lập ra và chia sẻ “bí kíp” để có một bản CV thật ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng. Những bài viết hướng dẫn cụ thể cách viết, kể cả những CV dùng ngoại ngữ, video hướng dẫn sử dụng các phần mềm để thiết kế CV đẹp mắt.
Bên cạnh đó, các dịch vụ nhận làm “CV xin việc theo yêu cầu”, “viết CV ấn tượng”, “thiết kế CV độc lạ”… cũng nở rộ, thông tin liên lạc, số điện thoại đính kèm dưới mỗi bài viết, khách có nhu cầu cứ theo đó liên lạc và giá cả do hai bên thỏa thuận. Một số bài viết về cách “làm hồng” thành tích bản thân để ghi điểm với nhà tuyển dụng cũng thu hút sự quan tâm từ nhiều tài khoản mạng xã hội của người trẻ. Tuy nhiên, đây cũng như một chiêu trò “múa rìu qua mắt thợ” và rất dễ phản tác dụng.
Với bản CV ấn tượng khi mục ngoại ngữ đề biết tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc, T.A. (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) được công ty mời phỏng vấn trước ở vòng 1, nhưng cô vẫn bị loại. T.A. kể: “Tôi hay xem phim Hàn Quốc, học lỏm mấy câu, nên ghi luôn phần ngoại ngữ có tiếng Hàn, công ty dựa vào đó phỏng vấn, họ hỏi vài câu tiếng Anh trước, sau đó là vài câu tiếng Hàn, kết quả là tôi trượt, cũng không thể nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí khác trong công ty đó nữa. Sau lần đó, tôi rút kinh nghiệm, viết CV đúng với khả năng của bản thân”.
Hơn 10 năm làm công việc tuyển dụng nhân sự, chị Ngọc Diễm (38 tuổi) chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ nộp CV khá hời hợt, chủ yếu viết cho có, vì các bạn nghĩ phỏng vấn trực tiếp quan trọng hơn, nhưng công ty tuyển dụng có rất nhiều CV gửi đến, phải dựa trên đó để lọc ứng viên tới phỏng vấn, không thể phỏng vấn hết tất cả được. Nhiều bạn có kinh nghiệm hơn một chút thì cố tình “tô hồng” bản thân, chỉ biết vài câu chào hỏi thì đề hẳn biết 2, 3 ngoại ngữ, hoặc biết chút kinh nghiệm tay trái ngoài chuyên môn chính thì ghi hẳn bản thân có kiến thức trong nhiều lĩnh vực”.
Có thể thấy, khi xin việc, bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm để giao tiếp, ứng xử qua các CV là điều thiết yếu, để nhà tuyển dụng thấy được thái độ chuyên nghiệp với công việc của ứng viên. Trong thời đại 4.0, cần phải biết tạo cho bản CV xin việc ấn tượng, tuy nhiên nội dung CV cần trung thực với năng lực thực sự của bản thân.