Tuy thủ đoạn và hình thức các vụ việc không mới, song lực lượng quản lý, bảo vệ rừng vẫn không thể ngăn chặn kịp thời khiến nhiều diện tích rừng bị thiệt hại. Đi sâu tìm hiểu các vụ việc mới thấy nhiều bất cập trong câu chuyện quản lý, bảo vệ rừng tại các địa phương.
Bất cập công tác giữ rừng
Hồi tháng 9-2020, Báo SGGP từng phản ánh về các vụ phá rừng quy mô lớn tại khu vực miền núi các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Tây Hòa (tỉnh Phú Yên). Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT cùng các ngành chức năng tỉnh Phú Yên vào cuộc để kiểm tra, làm rõ...
Vụ việc chưa kịp lắng xuống, giữa năm 2021 tiếp tục xảy ra nhiều vụ phá rừng ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên), khiến dư luận và người dân địa phương không khỏi lo lắng. Hai khu vực rừng bị phá mới đây thuộc rừng phòng hộ sông Trà Bương (thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) và rừng tự nhiên ở suối Dốc Quanh (thôn Tân Hội, xã Sơn Hội) chỉ là đốm lửa bùng lên, sau hàng loạt bất cập bắt nguồn từ nhiều yếu tố.
Một khoảnh rừng phòng hộ sông Trà Bương (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) bị người dân phá trắng để chiếm đất trồng rừng. Ảnh: NGỌC OAI
Ông Trần Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, cho biết, người dân xã này rất bức xúc vì nhiều diện tích rừng giao do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Sơn Hòa đang bị các đối tượng tàn phá để chuyển đổi trồng keo tràm, trong khi người dân địa phương không có đất trồng rừng.
Năm 2012, UBND tỉnh Phú Yên có quyết định trao trả hàng trăm hécta đất rừng cho người dân Sơn Hội, song việc trao trả chỉ trên giấy tờ, còn thực địa thì đất đã bị người khác chiếm. Từ đây, nhiều người dân lén lút vào các cánh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ lân cận để chặt phá, chiếm đất trồng rừng.
Khu vực rừng giáp ranh giữa các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh (Bình Định) với thị xã An Khê (Gia Lai) tiếp tục xảy ra mất rừng, dù thực trạng này đã xảy ra hàng chục năm. Cánh rừng phòng hộ gần 1.200ha ở tiểu khu 270 và 282A thuộc lâm phận xã Tây Giang do BQLRPH Tây Sơn quản lý, bảo vệ đang bị người dân xã Song An (thị xã An Khê) lấn chiếm 80ha.
Mới đây nhất, khu vực rừng giáp ranh xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) tiếp tục bị người dân từ phía Gia Lai sang tàn phá gần 6ha rừng tự nhiên. Trong khi chính quyền 2 bên đang loay hoay tháo gỡ, thì rừng vẫn tiếp tục “chảy máu”.
Tại Quảng Ngãi, những tháng qua, dư luận và người dân liên tục phản ánh về các vụ phá rừng phòng hộ tại lâm phận xã Phổ Phong (thị xã Đức Phổ), xã Long Môn (huyện Minh Long) và mới đây nhất, cánh rừng phòng hộ xã Sơn Long (huyện Sơn Tây) bị lâm tặc chặt phá.
Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND Sơn Long, nêu khó khăn: “Các đối tượng lén lút vào rừng trong đêm để cưa hạ cây rừng nên rất khó bắt giữ. Trong khi đó, chủ rừng là BQLRPH huyện Sơn Tây thời gian qua gần như không hợp tác, không báo cáo với xã để phối hợp tuần tra, quản lý”.
Xin… trả lại rừng
Cánh rừng phòng hộ gần 700ha do cộng đồng thôn Vạn Trung (xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) gìn giữ vừa bị lâm tặc chặt hạ hàng chục cổ thụ, đường kính có cây từ 60-80cm (họ cây dầu rái). Ông Huỳnh Ngọc Ánh, Trưởng thôn Vạn Trung, được ngành chức năng mời đến hiện trường để xác thực, kiểm đếm vụ khai thác gỗ rừng trái phép này.
Ông Ánh kể khó: “Từ năm 2016, UBND huyện Đức Phổ giao cho cộng đồng thôn giữ rừng, nhà nước cam kết hỗ trợ 400.000 đồng/năm/ha. Từ đó đến nay, người dân giữ rừng nhưng chưa nhận được một đồng tiền nào của nhà nước, nên ai nấy đều bất bình. Giờ nếu không có tiền giữ rừng thì cộng đồng thôn Vạn Trung xin làm đơn trả lại rừng cho chính quyền”.
Ông Nguyễn Đại, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận, câu chuyện quản lý, bảo vệ rừng toàn tỉnh này đang vướng phải nhiều bất cập.
“Không chỉ cộng đồng thôn Vạn Trung, chương trình giao khoán, bảo vệ rừng chung toàn tỉnh từ năm 2019 đến nay liên tục nợ, cộng dồn khoảng 48 tỷ đồng, chưa có để chi trả cho dân. Việc chậm bố trí kinh phí khiến người dân không mặn mà giữ rừng, ảnh hưởng đến các chương trình quản lý, bảo vệ rừng chung của tỉnh”, ông Đại nói.
Ông Ngô Huỳnh Lý, Phó Giám đốc điều hành BQLRPH Sơn Hòa, cho biết, đơn vị này có 10 biên chế trực tiếp giữ 10.000ha rừng phòng hộ, mỗi người phải giữ 1.000ha là quá sức. Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ, chế độ của người giữ rừng rất thấp. Cá nhân ông Lý có trên 15 năm công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng, những người khác lương 3-4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, cơn “khát” đất trồng rừng ở ngoài dân tăng mạnh, mâu thuẫn giữa người dân với đơn vị càng lớn.
“Hiện, anh em đang có tâm lý muốn xin nghỉ việc, đặc biệt là những người trẻ có sức khỏe, trình độ rất khó để níu chân họ ở lại…”, ông Lý nói.