Đây là ngưỡng không khí rất xấu với hàm lượng bụi mịn PM 2.5 rất cao, gây ảnh hưởng nguy hại tới sức khỏe cộng đồng, nhất là các bệnh về đường hô hấp, thậm chí về lâu dài đây là yếu tố gây ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Đầu bảng về ô nhiễm
Trong ngày 15-12, tình trạng sương mù dày đặc và ô nhiễm không khí đã được cải thiện nhưng kết quả quan trắc AQI được công bố trên Cổng thông tin điện tử của TP Hà Nội và nhiều ứng dụng khác cho thấy AQI ở Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc vẫn chìm trong màu đỏ với chỉ số từ 151-200, thậm chí nhiều nơi là màu tím khi chỉ số AQI luôn ở trên ngưỡng 200.
Trước đó, ngày 14-12, hệ thống quan trắc chất lượng không khí Air Visual đã cảnh báo nhiều khu vực ở Hà Nội bị ô nhiễm rất nguy hại khi chỉ số AQI lên tới 281. Với chỉ số này, Air Visual xếp Hà Nội đứng thứ 2 trong 10 thành phố trên thế giới ô nhiễm nhất thế giới. Đáng lưu ý, không chỉ riêng Hà Nội mà hều hết các điểm quan trắc bằng ứng dụng Online Pam Air đặt tại các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình... đều ở ngưỡng màu đỏ và một số nơi là màu tím rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân, như: Từ Sơn (Bắc Ninh) là 280, Hải Hậu (Nam Định) là 282.
Đặc biệt, quan trắc chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội còn dự báo những ngày tới AQI ở Hà Nội tiếp tục chìm trong ngưỡng đỏ và tím. Cụ thể, ngày 16-12 khoảng 218-248, ngày 17-12 khoảng 159-248. Cùng với chất lượng không khí rất xấu kéo dài thì tại Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc, nồng độ bụi mịn PM 2.5 cũng rất cao ở mức từ 72-170 µg/m3 (vào ngày 15-12), còn những ngày trước PM 2.5 dao động từ 165-200 (cao gấp nhiều lần so với ngưỡng an toàn theo quy chuẩn Việt Nam là 50 µg/m3).
Có nhiều yếu tố khiến không khí của Hà Nội và phía Bắc bị ô nhiễm nghiêm trọng như: khí thải phương tiện giao thông; chưa kiểm soát được nguồn phế liệu xây dựng và việc phá dỡ các công trình xây dựng; khói bụi từ các cơ sở sản xuất công nghiệp...
Theo một số chuyên gia môi trường, chất lượng không khí rất xấu trong những ngày qua là do miền Bắc thời tiết hanh khô cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Hàm lượng bụi mịn PM2.5 thường cao nhất là vào sáng sớm, khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm rất thấp.
Nhiều chuyên gia dự báo từ nay đến tháng 3-2020, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ còn chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi hiện tượng nghịch nhiệt sẽ còn tiếp tục. TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhấn mạnh, không khí Hà Nội ô nhiễm liên tục, kéo dài chứ không còn theo đợt nữa nên các cơ quan chức năng cần nghiêm túc đánh giá về các nguồn thải và tìm biện pháp khẩn cấp ứng phó.
Rất nguy hại sức khỏe
TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, nếu ô nhiễm không khí nghiêm trọng tiếp tục kéo dài những ngày tới, cần thiết phải cân nhắc áp dụng biện pháp khẩn cấp như: cho học sinh ở vùng ô nhiễm cao nghỉ học, hạn chế các tiết học ngoài trời ở vùng ô nhiễm. Ngoài ra, xem xét tạm dừng một số cơ sở sản xuất và công trình xây dựng; ngăn chặn người dân đốt rác, đốt rơm rạ và hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Theo các chuyên gia y tế, chất lượng không khí rất xấu đang ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân, đặc biệt với nhóm người nhạy cảm là người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp. PGS-TS Chu Thị Hạnh, Chủ tịch Hội hô hấp Hà Nội, cho biết, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh về hô hấp, đặc biệt là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Trong khi đó, bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng Khoa Bệnh phổi mạn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, khi con người hít phải các chất độc hại từ bụi trong không khí, sau một thời gian tích tụ lâu dài, sẽ gây ra những bệnh mãn tính đường hô hấp và có thể là yếu tố gây nên bệnh ung thư. Nguy hiểm hơn, bụi PM2.5 có nhiều thành phần hóa học khác nhau, khi vào trong cơ thể sẽ vào sâu bên trong phế quản và phế nang. Sau khi lọt vào phế nang sẽ tích lũy dần dần đến khi đủ lượng nhất định sẽ gây ra nhiều loại bệnh cho con người. Còn TS Đỗ Mạnh Cường, Cục Quản lý môi trường y tế, cho biết, mỗi người cần đến 10.000 lít không khí để thở mỗi ngày, nếu không khí không đảm bảo có thể gây nhiều loại bệnh rất nguy hại.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam vừa có khuyến cáo về việc dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị người dân hạn chế ra khỏi nhà, tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt); vệ sinh mũi, súc miệng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm.
Theo đại diện WHO tại Việt Nam, qua các nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam khoảng 60.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh đột quỵ, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí gây ra. |