Theo cập nhật dự báo tình hình thời tiết và hải văn của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, từ ngày 25 đến 31 của tháng 10 này, ven biển Nam bộ bắt đầu đợt triều cường cao.
Theo nhận định, vào mùa triều cường năm nay, Nam bộ sẽ có khoảng 8 đợt triều cường làm nước biển dâng, tràn vào đất liền, gây ngập lụt tại các đô thị.
Cảnh ngập lụt tại TPHCM trong đợt triều cường hồi cuối tháng 9 vừa qua. Ảnh: QUANG THỊNH
Đến thời điểm này, đã xảy ra 1 đợt triều cường vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua. Đây được coi là đợt triều cường kỷ lục từ trước đến nay, phá vỡ các giá trị được xác lập.
Dự báo, ven biển Nam bộ sẽ còn 7 đợt triều cường nữa. Cụ thể, vào các ngày từ 26-31 của tháng 10, từ ngày 13-16 và 25-30 của tháng 11, từ ngày 12-16 và 25-28 của tháng 12 năm 2019.
Sang đầu năm 2020 sẽ có 2 đợt từ ngày 11-14 tháng 1 và từ ngày 10-14 tháng 2. “Trong đó, hai đợt triều cường từ ngày 26-31 của tháng 10 và từ ngày 25-30 của tháng 11 nhiều khả năng xấp xỉ hoặc cao hơn đợt triều cường vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-2019”, các chuyên gia hải văn cho biết.
Đợt này, triều cường còn được “tiếp sức” bởi các đợt gió mùa Đông Bắc (gió chướng) cường độ mạnh lấn sâu xuống phía Nam. Đỉnh triều sẽ xuất hiện vào khoảng thời gian sáng sớm và chiều tối.
Vì vậy, người dân ở các khu vực trũng thấp, ven các cửa sông tại TPHCM và khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động các giải pháp để ứng phó, đón triều cường.
Theo TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, người dân nên chủ động theo dõi những thông tin dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là về thời gian và khu vực ngập để điều chỉnh kế hoạch tham gia giao thông, đồng thời có phương án bảo vệ tài sản.
Tại TPHCM, triều cường thường gây ngập tại các khu vực sau: Xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức, quận 9), đoạn hầm chui Bến Cát (Quốc lộ 1), đường Lê Văn Lương, Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè), Bình Quới (quận Bình Thạnh), Hồ Học Lãm (quận Bình Tân)... |