Hai trận đầu thắng Pháp
Hoàng Kế Viêm (tên thật là Hoàng Tá Viêm), tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, sinh năm 1820 mất 1909, tại làng Văn La, tổng Văn Đại, phủ Quảng Ninh (nay thuộc xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Nhà Quảng Bình học, Nguyễn Tú có tài liệu chứng minh: “Từ năm 1850-1872, quân phỉ gồm nhiều toán từ đất nhà Thanh tràn sang chiếm đóng vùng Thái Nguyên. Bọn Cờ Đen, Cờ Trắng chiếm đóng thượng du Bắc Kỳ. Bọn Hoàng Tề, Tô Tứ , Lý Dương quấy nhiễu ven biển Bắc Kỳ, Lạng Sơn. Trước tình hình này, Hoàng Kế Viêm nhận trọng trách Thống đốc quân vụ toàn miền Bắc. Không những đánh tan bọn giặc tràn vào mà còn đánh thắng quân Pháp 2 trận”.
Nhà thờ danh tướng Hoàng Kế Viêm |
Đấy là chiến thắng Cầu Giấy 1873 và 1883. Chiến thắng buổi đầu chống quân xâm lược Pháp. Cả hai chiến thắng đó đều in đậm dấu ấn cầm quân của Hoàng Kế Viêm.
Trận Cầu Giấy lần thứ nhất (1873), Hoàng Kế Viêm đã nghĩ ra cách khích lệ binh sĩ rất khác biệt. Trước khi xung trận, ông tuyên bố thưởng theo cấp số nhân cho những ai tiêu diệt được nhiều quân Pháp. Kết quả là khi xung trận, binh sĩ được khích lệ đã dũng cảm, lăn xả vào tử chiến với quân địch.
Trong trận Cầu Giấy lần thứ hai (tháng 5-1883), Hoàng Kế Viêm cho dán cáo thị với nội dung: “Ta đóng quân ở Hoài Đức nhưng không nỡ đánh vào Hà Nội gây thiệt hại cho dân. Vậy lũ ngươi có gan thì hãy đến Hoài Đức đọ sức với ta...” trên nhiều phố phường Hà Nội nhằm khiêu khích, dụ quân Pháp ra đại bản doanh của mình để nghênh chiến.
Chiêu khiêu khích này của ông đã phát huy được tác dụng trước thói ngạo mạn, chủ quan của quân Pháp. H.Rivìere đích thân mở cuộc tiến công ra Hoài Đức và rơi vào ổ phục kích tại Cầu Giấy, phải đền tội y hệt tiền nhiệm F.Garnier 10 năm trước đó.
Tin Viêm hơn vua
Trong các nghiên cứu về công điện, thư gửi, báo cáo của phía đối lập Pháp và triều đình khi nói về Hoàng Kế Viêm, nhà nghiên cứu Tạ Đình Hà cho biết: “Phía Pháp luôn coi Hoàng Kế Viêm là nhân vật không đội trời chung. Vì những trận đánh do ông chỉ huy đã thắng Pháp rất giòn giã”.
Hậu thế vẫn chăm sóc lăng mộ ông hơn 100 năm nay |
Có hàng chục năm nghiên cứu về danh tướng Hoàng Kế Viêm, ông Tạ Đình Hà nhận xét: “Ngày 20 tháng 11 năm 1873, nhân dân Bắc Kỳ tập trung dưới sự lãnh đạo của một số sĩ phu trong đó có Hoàng Kế Viêm đã làm cho quân Pháp khó khăn, chúng thú nhận: “Chiếm được thành thì dễ hơn đóng giữ”.
Với cuốn Đại Nam đối diện Pháp và Trung Hoa, người Pháp đã viết: “Viêm tiếp xúc với quân Cờ Đen để kiểm soát quân của các thứ cờ khác, phương pháp đó tỏ ra hữu hiệu, quân Cờ Vàng bị dẹp năm 1875, quân Cờ Trắng bị đánh tan năm 1876”.
Mộ danh thần Hoàng Kế Viêm được đắp 6 lá sen rất độc đáo |
Chứng minh điều này, ông Hà đưa ra dữ kiện: “Năm 1883, phái viên của triều đình nhà Thanh, Đường Cảnh Tùng, đi khắp Bắc Kỳ điều tra tình hình. Sau một thời gian ông ta nhân danh khâm sai nhà Thanh, xúi giục Lưu Vĩnh Phúc thừa cơ vua Việt thế thua, vận suy, địa phương rối loạn bắt giết Hoàng Kế Viêm, giải tán lực lượng quân sự do Viêm chỉ huy rồi lên ngôi vua.
Đường Cảnh Tùng năn nỉ Lưu Vĩnh Phúc; Ấn tín đã sẵn, nếu mưu kế kia không được thì hàng, hắn không dám về Thanh Triều “phục mạng” nữa. Tuy nhiên Lưu Vĩnh Phúc vẫn tiếp tục đứng trong quân sứ Tam Tuyên của Hoàng Kế Viêm tiếp tục chống Pháp. Đấy là uy danh của Hoàng Kế Viêm nên quân của Lưu Vĩnh Phúc không dám làm phản”.
Văn bia từ hơn 100 năm qua vẫn nguyên vẹn |
Trong khi đó, Đại Nam Thập lục đánh giá khi làm thiết chế quân vụ Bắc Kỳ, Hoàng Kế Viêm bình định cả phía Bắc Việt Nam tạo thanh thế, quân Pháp nhận định: “Dân chúng Bắc Kỳ tin vào Viêm hơn vua Tự Đức”. Năm 1887, viên khâm sứ Pháp cho viện cơ mật biết: Việc Kế Viêm làm, thường cùng với quý quan không hợp.
Đầu năm 1888, Việt gian Nguyễn Hữu Độ chính thức nói cho triều đình Đồng Khánh biết: “Tá Viêm ờ Bắc kỳ làm việc quân đã lâu, nay lại sung vào cơ mật, người Pháp hơi lấy làm ngại”.
Trước mộ có hồ bán nguyệt |
Cuốn Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa của tác giả Yoshiharu Tsuboi nêu rằng; trong hai lần thắng Pháp, triều đình đều khiển trách ông, buộc ông lui binh, bãi binh, cùng đó là luận tội nặng nề. Khép ông vào tội: “Trái mệnh vua không thể chối cãi được”. Khâm sai đại thần Nguyễn Trọng Hiệp tâu về triều đình: “Xin triệu ngay Hoàng Kế Viêm về kinh để mặc quân Pháp tự liệu lấy mới mong được việc”.
Goselin miêu tả trong cuốn Tiểu đoàn Kỵ binh an Nam (1885-890, trang 270) nói rõ: “Hoàng Kế Viêm là một kẻ thù không thể tiêu diệt và không thể chế ngự, là một trong những kẻ thù quyết tử nhất của chúng ta”.
Vị quan vì dân vì nước
Theo nhà nghiên cứu, TS Phan Viết Dũng, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Quảng Bình, dù ở cương vị nào Hoàng Kế Viêm đều thể hiện là một vị quan vì dân, vì nước: "Có công trị an mở mang kinh tế, phát triển dân sinh ở An – Tĩnh như chăm lo làm thủy lợi, đào kênh, thiết cảng nối ra Thanh Hóa phát triển nông nghiệp.
Ông là người dâng sớ can gián vua Tự Đức bớt ăn chơi, để ý việc triều chính. Ông còn lấy danh nghĩa thông thương để tìm hiểu về việc kiến thiết đất nước của các nước phương Tây".
Bia cổ ở lối vào lăng mộ |
Nghiên cứu chuyên sâu của chuyên gia Tạ Đình Hà cho hay: “Trong khi đi phủ dụ, khi xét xử những người tham gia phong trào cần Vương yêu nước bị bắt như Đề Chít và một số sĩ phu yêu nước khác . . . Hoàng Kế Viêm không xử tù. Bức điện của toàn quyền Đông Dương gửi cho khâm sứ Trung Kỳ nêu răng; Triều đình vì Hoàng Kế Viêm mà không xử tội Đề Chít và đồng đảng… tôi thấy có lẽ chuyển công tác của Hoàng Kế Viêm không còn lý do tồn tại. Phó sứ Vinh gửi cho khâm sứ Huế: Hoàng Kế Viêm làm ảnh hưởng xấu trong dân chúng đối với Pháp… không làm được một tí nào công việc bình định”.
Cũng theo ông Tạ Đình Hà, công sứ Pháp khi đọc tư văn của Hoàng Kế Viêm nhận xét: “Người đọc dù nghiêm chỉnh mấy cũng thấy hình như ông Hoàng Kế Viêm đang đùa với người Pháp, làm một quan lo việc phủ dụ mà giao người nhà của người chống Pháp đi gọi họ về đầu thú thì thử hỏi ai mà nghe được”.
Lối vào lăng mộ trồng nhiều cây tùng |
Kho tư liệu của ông Tạ Đình Hà còn đề cập khâm sứ Hector từ Huế gọi điện cho toàn quyền Đông Dương ngày 24-8-1887 đầy bực bội: “Hoàng Kế Viêm đề nghị tôi phải rút bỏ nhiều đồn bốt ở Quảng Bình với lý do là những đồn này đã quấy rầy nhân dân, bắt bớ khảo cung, tra tấn, treo cổ nhiều người tình nghi… Mặc dù tôi đã rút bỏ một số đồn rồi mà ông ta vẫn tỏ ra bất bình và phẫn nộ với quyền lực quân sự của chúng ta, đòi xóa sạch tất cả”.
Chính vì thế mà toàn quyền nói về Hoàng Kế Viêm: “Là một con người đã từng là kẻ thù quan trọng của nước Pháp. Hoàng Kế Viêm đóng bản doanh ở Đồng Hới nhưng sự công tác của ông ta hầu như không có gì, những vụ quy thuận mà ông ta thu được đều khá bề ngoài hơn sự thật”.
Theo Tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái (Quảng Bình), để giải oan cho ông, các nhà sử học đã lục tìm rất nhiều tài liệu của mật thám Pháp và chứng minh Hoàng Kế Viêm là nhân vật yêu nước, luôn đứng về phe chủ chiến, nhưng vì bị triều đình triệt thoái binh quyền nên không thể điều binh, khiển tướng chống thực dân Pháp khiến bị hàm oan.
Công nhận lăng mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm là di tích cấp quốc gia |
Những năm tháng về an trí tại quê nhà, Hoàng Kế Viêm từ chối ruộng vua ban, ông lãnh thống người làng khai hoang ruộng ở phá Hạc Hải và đầm lầy Võ Ninh hàng ngàn mẫu. Thành công khai phá ruộng lớn, ông không giữ lại cho riêng mình mà chia hết cho người dân.
Ngày nay, vùng Gia Ninh , Tân Ninh, Võ Ninh (huyện Quảng Ninh), ruộng đồng cò bay thẳng cánh, người dân đặt vùng lúa này là “đồng quan Hoàng ngàn mùa không mất” để tri ân danh tướng Hoàng Kế Viêm. Ông thọ 89 tuổi, nhưng cuộc đời của ông sáng ngời cho đến nay như tấm gương sáng về yêu nước thương nòi.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Quang Trung Tiến (Thừa Thiên Huế) đánh giá: “Sự nghiệp vì nước, vì dân của Hoàng Kế Viêm vô cùng lớn lao, trước sau như một, không hề hai lòng. Không chỉ là một nhà nội trị tài ba, xông xáo, đem lại nhiều ích quốc lợi dân; Hoàng Kế Viêm còn vừa là một tượng đài của dân tộc trong công cuộc chống Pháp xâm lược ở Bắc Kỳ; ngay cả khi thất thế, kẻ thù vẫn không thể khiến ông đổi dạ. Vì thế, ông xứng đáng được tôn vinh là một danh tướng yêu nước, chống Pháp, là một nhân cách lớn của dân tộc thời ly loạn cuối thế kỷ XIX”.
Ngày nay, tên của Hoàng Kế Viêm được đặt tên phố ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Hới và nhiều đô thị lớn khác của cả nước.