Mô hình các trường đại học tại Singapore

(ĐTTCO) - Mục tiêu chung cuối cùng vẫn là sinh viên đại học (ĐH) phải kiếm được việc làm tự nuôi sống bản thân, và có thể tiếp tục rèn luyện nâng cao trình độ nghề nghiệp sau khi ra trường.

FDAA
FDAA

Mục tiêu đào đạo

Singapore hiện có 6 trường ĐH tự trị (Automonous university - AU) được nhà nước tài trợ với nhiều lựa chọn về học thuật, nghiên cứu, vừa học vừa làm để đáp ứng sở thích và phong cách học tập của sinh viên. Bộ Giáo dục Singapore (MOE) phân 6 trường ĐH này thành 2 loại.

Thứ nhất, trường nghiên cứu chuyên sâu, tập trung vào học thuật, gồm 2 trường mang tính “tổng hợp” là ĐH Quốc gia Singapore (NUS), ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), và 2 trường mang tính “chuyên ngành” là ĐH Quản lý Singapore (SMU) và ĐH Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD).

Thứ hai, trường cung cấp các chương trình đào tạo ứng dụng, với nhiều kinh nghiệm thực hành và tiếp xúc với ngành nghề, gồm Viện Công nghệ Singapore (SIT) và ĐH Khoa học xã hội Singapore (SUSS). Nhưng mục tiêu chung cuối cùng vẫn là sinh viên phải kiếm được việc làm, tự nuôi sống bản thân và có thể tiếp tục rèn luyện nâng cao trình độ nghề nghiệp sau khi ra trường.

Bai-Hữu-Huy-2.jpg

Theo chuyên gia kinh tế Song Seng Wun của CIMB Private Banking, điểm mấu chốt đối với sinh viên tốt nghiệp muốn tham gia lực lượng lao động, chính là triển vọng của nền kinh tế tạo ra nhiều cơ hội và thu hút nhiều doanh nghiệp mở rộng hoạt động trên đảo quốc này.

Về phía trường ĐH, quá trình này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tức sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa trường ĐH với các tổ chức giáo dục khác, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Liên kết đó có thể được trình bày trong sơ đồ dưới đây:

Những thành quả của cơ chế liên kết nói trên có được, là từ đề án tái cấu trúc trường ĐH đã được xúc tiến từ những năm 1990 và 2000, cải cách hệ thống tài trợ và quản trị ĐH công lập, thể chế hóa hệ thống đảm bảo chất lượng ĐH, quốc tế hóa giáo dục ĐH, tái cơ cấu và cổ phần hóa các trường ĐH công lập. Các AU phải đảm bảo 3 lĩnh vực là quản lý nhân tài, quy trình tổ chức và phân bổ nguồn lực, đều nhất quán với sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục ĐH được MOE đề ra.

Mặc dù đều được trao quyền tự chủ lớn, nhưng các AU đều phải hoạt động trong khuôn khổ trách nhiệm giải trình. Các đánh giá chất lượng nội bộ được thể chế hóa giữa các AU trong khi các đánh giá bên ngoài do MOE ủy quyền được thực hiện 3 năm 1 lần, để xác thực lại các đánh giá chất lượng nội bộ của AU. Kết quả đánh giá chất lượng được dùng để đánh giá số tiền phân bổ cho các AU từ năm 2003.

Thế nhưng, các AU không chỉ “sống” nhờ tiền ngân sách, mà còn từ những nguồn tài chính khác như huy động từ cá nhân/doanh nghiệp qua quỹ tín thác (endowment fund). Nếu cá nhân/doanh nghiệp đóng vào quỹ 1 đồng, thì chính phủ sẽ cam kết góp thêm 3 đồng; những số tiền này đều được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân/doanh nghiệp.

Ngoài ra, các AU còn có thêm tiền khi từ hỗ trợ khởi nghiệp hay cung cấp dịch vụ nghiên cứu và tư vấn cho các tổ chức chính phủ như Bộ Quốc phòng (Mindef) và Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A*Star).

Cách đánh giá danh tiếng ĐH

Theo ông Jason Tan, GS về Chính sách, Chương trình giảng dạy và Lãnh đạo tại Viện Giáo dục Quốc gia (NIE), ngoài việc sử dụng các chỉ số liên quan đến danh tiếng học thuật (chất lượng giảng dạy và nghiên cứu), danh tiếng của nhà tuyển dụng (mức độ các trường ĐH chuẩn bị cho sinh viên thành công trong sự nghiệp và trường ĐH nào cung cấp sinh viên tốt nghiệp có năng lực, sáng tạo và hiệu quả), tỷ lệ giảng viên/sinh viên, trích dẫn học thuật trên mỗi giảng viên thành viên, tỷ lệ sinh viên quốc tế và tỷ lệ giảng viên quốc tế, một phần của dữ liệu xếp hạng này cũng có được thông qua các khảo sát dựa trên cảm tính chủ quan hoặc kiến thức không đầy đủ.

Bai-Hữu-Huy-1.jpg

Chẳng hạn như khảo sát danh tiếng học thuật của QS được gửi tới hàng ngàn học giả trên khắp thế giới mỗi năm. Những người được hỏi họ quen thuộc nhất với quốc gia/lãnh thổ và khu vực địa lý nào. Sau đó, họ được yêu cầu cung cấp, trong số những thứ khác, đề cử cá nhân của họ về các tổ chức hàng đầu trong nước và quốc tế mà họ cho là tạo ra nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

GS. Jason Tan cho rằng, bảng xếp hạng như vậy hiếm khi hữu ích cho sinh viên tương lai. Quá trình lựa chọn trường ĐH, khóa học và mức độ tập trung, dù là trong nước hay nước ngoài, đều phụ thuộc vào sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố.

Bên cạnh điểm thi, sở thích và niềm đam mê cá nhân, nguyện vọng của phụ huynh và lượng thông tin toàn diện về các lựa chọn có sẵn cả trong và ngoài lãnh thổ Singapore, các yếu tố khác có thể bao gồm hoàn cảnh tài chính, hoàn cảnh gia đình và ảnh hưởng của bạn bè. Một số sinh viên cũng có thể xem xét các lĩnh vực mà họ tin là những lĩnh vực đang có nhu cầu mới nổi trong thị trường việc làm.

Sinh viên còn phải suy nghĩ cẩn thận hơn về những tác động đối với gia đình và cam kết tài chính bản thân khi từ bỏ một công việc để theo học chương trình cấp bằng toàn thời gian. Và đó cũng chính là lý do QS thừa nhận bảng xếp hạng chỉ là điểm khởi đầu không thể thay thế việc ra quyết định của cá nhân dựa trên nghiên cứu sâu hơn và thu thập thông tin thông qua khám phá các trang web của trường ĐH.

Sinh viên phải suy nghĩ về khả năng và hoàn cảnh cụ thể chứ không nên dựa vào bảng xếp hạng để soi đường cho mình. Tương tự, các nhà tuyển dụng ngày nay còn xem xét một loạt các yếu tố khác bên cạnh các xếp hạng tổ chức này khi đánh giá giá trị của người xin việc và nhân viên hiện tại.

Theo GS. Tan, có lẽ đã đến lúc từ bỏ thói quen đọc các bảng xếp hạng quốc tế nhiều hơn những gì chúng có thể cho chúng ta biết về những gì thực sự quan trọng trong giáo dục ĐH. Điều này bao gồm các chức năng cơ bản của giáo dục ĐH ở cả cấp độ cá nhân và tập thể.

Đó chính là phương tiện để trưởng thành và phát triển cho một cá nhân, phương cách để thay đổi vị thế xã hội và thịnh vượng quốc gia với động lực phục vụ cho lợi ích chung rộng lớn hơn.

Các tin khác