Sau Grand Plaza, Tràng Tiền Plaza, việc Parkson Landmark (Hà Nội) vừa tạm đóng cửa vào cuối tuần trước là minh chứng cho thấy với thị trường Việt Nam, tiền, danh tiếng hay kinh nghiệm quốc tế đều không phải là yếu tố bảo đảm thành công trong việc kinh doanh TTTM với mô hình department stores (siêu thị bán lẻ hàng hiệu).
![]() |
Trong khi đó, mô hình phức hợp mua sắm dường như đang ngày càng đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Thông thường, một khu phức hợp mua sắm bao gồm: siêu thị bán hàng tiêu dùng phổ thông; siêu thị hàng hiệu; khu ẩm thực; khu giải trí vui chơi; khu thể thao…
Chính bởi đáp ứng được nhu cầu đa dạng nên lượng khách vào các khu phức hợp luôn đông đúc. Dù cho khu siêu thị hàng hiệu tình cảnh cũng thảm hại không kém Parkson, Tràng Tiền… nhưng ở những khu vui chơi, ẩm thực hay siêu thị bình dân, lượng khách chung có thể bù lại và do đó, lợi nhuận chung của toàn tổ hợp vẫn được đảm bảo.
Mô hình thành công này có thể dễ dàng thấy ở các nước trong khu vực. Mall of Asia ở Manila Philipines được coi là trung tâm mua sắm lớn nhất châu Á và thứ 3 thế giới với diện tích mặt sàn gần 500.000m2. Du khách có thể dành thời gian cả ngày ở đây bởi không chỉ có hàng trăm gian hàng để mua sắm mà còn có các siêu thị, đại siêu thị, khu ăn uống, vui chơi giải trí, sân trượt băng...
Berjaya Times Square, TTTM hấp dẫn nhất ở Malaysia cũng có tổng diện tích cho thuê rộng 320.000m2, sánh cùng Tháp đôi Petronas gần đó để trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách ghé thăm Kuala Lumpur. Hay ở Việt Nam, sự thành công của khu phức hợp TTTM sinh sau đẻ muộn là Royal City với sự tích hợp đầy đủ các nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi cũng có thể coi là minh chứng cho xu hướng này.
Còn nhớ cách đây nhiều năm, một TTTM có quy mô vừa phải trên phố Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng) nổi lên như một siêu thị bán lẻ hàng hiệu chuyên về trang sức. Thế nhưng chỉ sau một thời gian lâm vào tình cảnh ế ẩm, không có khách mua, trung tâm này đã phải nhanh chóng chuyển đổi, trở thành một khu phức hợp cỡ nhỏ đáp ứng thêm nhu cầu ăn uống, vui chơi của khách hàng và đã “sống khỏe”.
Grand Plaza vẫn chưa có ngày trở lại, Tràng Tiền Plaza cũng đã phải điều chỉnh, liệu Parkson có thay đổi phương cách kinh doanh hay chấp nhận rút lui, điểm thêm một sự thất bại cho các TTTM theo mô hình siêu thị bán lẻ hàng hiệu vẫn là một câu hỏi để ngỏ trên thị trường.