Tuần qua, một số NHTM lớn như BIDV, VCB công bố hạ lãi suất cho vay. Đây được xem là tín hiệu khả quan trước thông điệp mới đây của Chính phủ "đặt hàng" cho NHNN gấp rút tìm phương án giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều NHTM cổ phần nhỏ vẫn chạy đua lách trần lãi suất huy động, dư luận quan tâm là các NHTM lớn có thực sự giảm lãi suất như công bố?
Giảm lãi suất: Không dễ vay
Từ tháng 9-2011 đến nay BIDV đã 5 lần công bố giảm lãi suất cho vay, lần gần nhất giảm xuống 0,5-1%/năm. Hiện nay lãi suất cho vay của BIDV thấp nhất 14,5%/năm và cao nhất 17,5%/năm. Đây được xem là mức lãi suất cho vay thấp nhất hiện nay.
Tuy nhiên, một trưởng phòng giao dịch của BIDV cho biết lãi suất cho vay 14,5%/năm chỉ áp dụng cho 3 đối tượng là tài trợ doanh nghiệp xuất khẩu, cho vay khu vực nông nghiệp - nông thôn và hỗ trợ tín dụng cho đối tượng nhà thu nhập thấp.
Nhưng để vay được mức lãi suất đó, 3 đối tượng khách hàng này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thủ tục theo quy định của NHNN.
Thí dụ, đối với doanh nghiệp vay mục đích xuất khẩu phải có đủ chứng từ chứng minh đầu vào, đầu ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giấy phép xuất hàng ra nước ngoài…
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTTC, các thủ tục, quy định pháp lý của một hợp đồng tín dụng luôn chặt chẽ, trong khi các doanh nghiệp hoạt động không chuyên nghiệp nên thường khó chứng minh được đầy đủ theo các quy định đặt ra.
Do vậy, không ít khách hàng nằm trong đối tượng được vay lãi suất thấp vẫn phải vay lãi suất cao. Và thực tế quy định mức vay vốn do NHNN công bố nhưng lãi suất cho vay ở mức nào thực sự nằm trong tay các NHTM.
Khách hàng giao dịch tại Sacombank. Ảnh: LÃ ANH |
Đầu tuần qua, VCB công bố giảm lãi suất cho vay VNĐ với mức giảm bình quân đến 2%/năm nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp. Cụ thể, lãi suất cho vay thương mại và dịch vụ ngắn hạn còn 17%/năm, lãi suất ngắn hạn phục vụ sản xuất 16,5%/năm và xuất khẩu ngắn hạn 16%/năm.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTTC tại một tỉnh miền Trung có chi nhánh VCB, mức lãi suất đưa ra cho doanh nghiệp thực tế vẫn trên 17,5%/năm và cá nhân 18-18,5%/năm. Riêng đối với lĩnh vực cho vay phi sản xuất như cho vay tiêu dùng dao động 18,5-19%/năm, cho vay chứng khoán và bất động sản 20%/năm.
Trong khi đó, hiện nay các NHTM chưa mở rộng nhiều đối tượng được hưởng lãi suất cho vay giảm, mà vẫn tập trung chủ yếu ở những đối tượng được ưu tiên cũ. Với đối tượng khách hàng này thường không có nhu cầu vay tiền đồng nhiều.
Điển hình như các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chuộng vay ngoại tệ để hưởng lãi suất thấp hơn vay VNĐ, hơn nữa họ cũng là đối tượng được vay ngoại tệ vì có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai.
Lợi cả đôi đường
Một vấn đề được đặt ra nếu các NHTM lớn như VCB, BIDV giảm lãi suất cho vay xuống thực sự như công bố, các NHTM này có chịu áp lực lỗ do nguồn vốn huy động giảm khi thực hiện nghiêm quy định của NHNN về trần lãi suất 14%/năm?
Theo tính toán của các chuyên gia NH, nếu các “đại gia” huy động lãi suất đầu vào đúng quy định 14%/năm, cho vay ra từ 17%/năm là huề vốn, trên mức này mới có lãi. Vậy có 2 vấn đề được đặt ra: Cho vay lãi suất đưới 17%, một là chấp nhận lỗ, hai là “huy động có lách”.
Thực tế hiện nay khó có thể biết được các NHTM nhà nước có giá vốn đầu vào ở mức bao nhiêu, không loại trừ giá vốn đầu vào của các NHTM nhà nước thấp hơn rất nhiều so với 14%/năm, nhất là khi các NHTM nhà nước có lợi thế nguồn vốn lớn giá rẻ từ tiền gửi thanh toán của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Điều này có vẻ hợp lý bởi trong bối cảnh hiện nay các NHTM nhà nước đang thừa vốn nên khả năng lách trần lãi suất khó xảy ra. Chính vì vậy, dù giảm lãi suất cho vay xuống ở mức như trên các NHTM nhà nước vẫn kiếm được lợi nhuận cao ở mảng tín dụng.
* Năm 2011 Vietcombank đạt lợi nhuận hợp nhất 5.700 tỷ đồng, tăng 4,0% so với năm 2010. Năm 2012, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 6.500 tỷ đồng. * Năm 2011 BIDV đạt lợi nhuận trước thuế 4.243 tỷ đồng. Năm 2012 BIDV đặt hoạch lợi nhuận trước thuế 5.800 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2011. |
Một phó tổng giám đốc ACB cho biết, thực tế khi cho vay lãi suất ưu đãi ở những doanh nghiệp xuất khẩu nếu chỉ tính lãi suất các NHTM không lời. Nhưng nếu đẩy vốn ở đối tượng khách hàng này các NHTM luôn kèm theo yêu cầu như bán ngoại tệ cho NH, sử dụng các dịch vụ thanh toán, chuyển khoản, chi lương qua thẻ…
Tính ra các NHTM vẫn lợi hơn khi cho vay lãi suất rẻ ở những đối tượng khách hàng mà NHNN khuyến khích tăng trưởng tín dụng. Một điều nữa là các NHTM được cho vay theo cơ chế thỏa thuận lãi suất, nên trong điều kiện “room” tín dụng năm nay dự báo không được xông xênh, tất yếu sẽ tận thu gia tăng lợi nhuận biên từ hoạt động tín dụng.
Theo ghi nhận của ĐTTC, nhiều doanh nghiệp phản ánh dù lãi suất đã giảm nhưng vẫn quá cao so với khả năng sinh lời của các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt và giá cả hàng hóa thế giới vẫn có nguy cơ biến động lớn.
Nhiều NHTM cũng thừa nhận thời điểm này các doanh nghiệp vẫn e ngại lãi suất cao nên chưa vội mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh mà chủ yếu kinh doanh ngắn hạn, dựa trên vốn tự có là chính.
Số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy tổng huy động vốn của các NHTM trên địa bàn đến 31-1-2012 tăng 1,7% so với cuối năm trước và tăng 17,76% so với cùng kỳ, trong khi đó tổng dư nợ cho vay chỉ tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 8,46% so với cùng kỳ.
Tóm lại, một trong những “chìa khóa” mở “khóa” giảm lãi suất cho vay chính là từ các NHTM nhà nước có thế mạnh về nguồn vốn giá rẻ. Một khi các “đại gia” này giảm lãi suất thật sự thì mới mong kéo theo các NHTMCP đi theo, tình trạng huy động lách trần mới hạ nhiệt.