Dù chiếm tỷ trọng không lớn về số lượng tài khoản (hơn 16.700 tài khoản) nhưng NĐTNN lại đóng góp khá lớn về giá trị giao dịch. Vì thế, tăng tỷ lệ sở hữu NĐTNN để TTCK Việt Nam hấp dẫn hơn, đồng thời thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại đang là đòi hỏi cấp thiết.
Chạm trần room NĐTNN
Theo HOSE, từ năm 2011 đến nay, giao dịch của NĐTNN chiếm khoảng 15-18% tổng giao dịch toàn thị trường. NĐTNN tính chung trong các năm đều ở trạng thái mua ròng, thể hiện mức độ quan tâm nhất định đến TTCK Việt Nam. Chỉ tính trên HOSE, trong tổng vốn hóa hơn 842.100 tỷ đồng vào ngày 31-12-2013, NĐTNN nắm giữ 148.000 tỷ đồng, chiếm 17,5% (các năm trước đó ở mức trên 20%). Trong đó nhiều doanh nghiệp đã hoặc gần chạm mức trần sở hữu 49%.
Trong khi đó, TTCK Việt Nam đang bộc lộ một số hạn chế trong việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp (FII). Đó là quy mô thị trường nhỏ đối với các NĐT quốc tế. Giá trị vốn hóa tại HOSE và HNX hơn 45 tỷ USD - nhỏ hơn nhiều so với TTCK trong khu vực như Thái Lan 460 tỷ USD, Indonesia 427 tỷ USD, Philippines 186 tỷ USD.
Các công ty lớn nhất trong nước tại thời điểm này chưa có vốn hóa vượt quá 5 tỷ USD so với các công ty trong khu vực vào khoảng 30 tỷ USD. Số lượng các công ty có vốn hóa lớn hơn 1 tỷ USD niêm yết tại HOSE là 8, trong khi Thái Lan có 23 công ty và giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trên 10 triệu USD.
Bên cạnh giới hạn sở hữu của NĐTNN là 49% hoặc 30% đối với ngân hàng, việc tỷ lệ CP tự do chuyển nhượng thấp càng làm TTCK Việt Nam kém hấp dẫn đối với NĐTNN. Tỷ lệ CP tự do chuyển nhượng trung bình của các CP trên HOSE 44,6%. Đặc biệt, có 3 doanh nghiệp lớn có tỷ lệ CP tự do chuyển nhượng dưới 10% là VCB, CTG và BVH.
Theo HOSE, việc giới hạn sở hữu cho NĐTNN không chỉ làm giảm khả năng tiếp nhận dòng vốn của TTCK Việt Nam mà còn làm giá cả giao dịch thực tế giữa các NĐTNN kém minh bạch. Bởi tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các công ty niêm yết được đánh giá tốt và triển vọng đã hoặc gần chạm ngưỡng tối đa, trong khi nhu cầu của họ khá lớn, nên để sở hữu các CP này họ phải mua thông qua các giao dịch ngoài sàn với giá cao hơn trên sàn 20-30%.
Nới room là cần thiết
So với TTCK trong khu vực, tiềm năng phát triển TTCK Việt Nam còn lớn, đặc biệt khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi bởi các chính sách vĩ mô được áp dụng từ năm 2012 và 2013 đã bắt đầu phát huy tác dụng. Việc nới room cho NĐTNN đối với các CP ngân hàng (có thể nghiên cứu nới room lên 40%) sẽ tạo cú huých cho thị trường trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Khi TTCK sôi động sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cổ phần gia tăng khả năng huy động vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu. | |
Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) |
Theo Dragon Capital, hiện tỷ lệ vốn hóa toàn thị trường khoảng 56 tỷ USD, nhưng CP có tỷ lệ tự do chuyển nhượng ở mức 45% là rất thấp. Với việc room cho NĐTNN ở mức 49%, tổng giá trị CP (bất chấp tốt xấu) NĐTNN có thể mua khoảng gần 6 tỷ USD.
Còn nếu chỉ xét các công ty thỏa mãn điều kiện về vốn hóa và thanh khoản để được vào VN30, NĐTNN chỉ có thể mua được thêm tối đa 3,1 tỷ USD. Với quy mô và thanh khoản như vậy, TTCK Việt Nam thiếu hấp dẫn và không đủ khả năng hấp thụ mạnh dòng vồn FII dài hạn. Dragon khuyến nghị cần nâng từ 49% lên 100% cho quyền sở hữu của NĐTNN trong các doanh nghiệp tuân theo quy định của WTO.
TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng cùng với quá trình hội nhập và thực hiện các cam kết WTO, việc nới lỏng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trên TTCK Việt Nam là cần thiết.
Việc sửa đổi Quyết định 55/2009/QĐ-TTg theo hướng nâng tỷ lệ tham gia của NĐTNN ở các công ty niêm yết lên mức tối đa 60% có thể giải quyết nhu cầu về vốn của doanh nghiệp, cũng như góp phần thu hút vốn nước ngoài, nâng cao tính thanh khoản cho TTCK.
Tuy nhiên, việc nới lỏng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN cần đi kèm một số biện pháp quản lý thận trọng, tránh việc thị trường quá phụ thuộc vào nguồn vốn này, đồng thời đảm bảo việc bảo hộ doanh nghiệp nội địa. Cụ thể tại Malaysia, Philippines, Brazil, Thái Lan vẫn cho phép NĐTNN được sở hữu cổ phần vượt quá giới hạn quy định nhưng phần vượt quá không được quyền biểu quyết. Do đó, có thể nghiên cứu nới lỏng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN bằng cách cho doanh nghiệp phát hành thêm một tỷ lệ nhất định CP không có quyền biểu quyết cho NĐTNN.
Việc nới room sẽ thay đổi cơ cấu cổ đông của các ngân hàng theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT tổ chức. Khi tỷ lệ sở hữu NĐT tổ chức tăng, năng lực quản trị của các ngân hàng nội sẽ được cải thiện theo hướng tốt hơn do tận dụng được kinh nghiệm của các đối tác nước ngoài.
Và khi tỷ lệ sở hữu NĐTNN tăng, tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động quản trị sẽ tăng theo, bởi lúc đó cổ đông tổ chức sẽ thực hiện việc giám sát ngân hàng chặt chẽ hơn.