Thừa Thiên Huế: Hàng chục ngàn học sinh nghỉ học tránh lũ, hồ chứa lớn nhất tăng lưu lượng xả
Lúc 8 giờ 30 phút ngày 18-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế ra lệnh Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Tả Trạch điều chỉnh tăng lưu lượng vận hành điều tiết hồ chứa nước Tả Trạch qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 400 - 900m3/giây.
Trước đó, từ ngày 16-10, hồ Tả Trạch xả nước qua cống tháo sâu và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 180-280m3/giây.
Một khối lượng lớn đất đá sạt lở xuống đường Hồ Chí Minh gây ách tắc giao thông
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mưa lớn ở thượng nguồn nên mực nước hồ chứa nước Tả Trạch lúc 8 giờ sáng 18-10 ở mức +42,32m, lưu lượng đến hồ 1.118m3/giây, lưu lượng về hạ du 290m3/giây; mực nước trên sông Hương tại trạm thủy văn Kim Long ở mức +1,72m, tình hình mưa lũ tại thượng nguồn tại các hồ chứa tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp nên Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã ra lệnh tăng lưu lượng vận hành điều tiết hồ chứa nước Tả Trạch về hạ du.
Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng lúc 10 giờ sáng 18-10.
Sạt lở gây ách tắc đường Hồ Chí Minh từ A Lưới đi Quảng Nam
Thống kê sơ bộ từ các địa phương gửi về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, sáng 18-10 đã có 86 trường học từ mầm non đến THPT phải cho hàng vạn học sinh nghỉ học để tránh lũ.
Sáng 18-10, đường Hồ Chí Minh qua xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở tại Km 392, hướng A Lưới đi Quảng Nam bị ách tắc giao thông.
* Sáng cùng ngày, ông Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, trên địa bàn xã xảy ra sạt lở làm sập một phòng học thuộc điểm trường Tăk Cui (Trường Tiểu học Trà Cang, thôn 5). Mặc dù trước đó xã đã phát hiện nguy cơ sạt lở tại vị trí này và đã chủ động triển khai phương tiện máy móc giải quyết khối lượng sạt lở. Nhưng do nền đất yếu, đất liên tục sạt trượt lượng lớn nên làm đổ tường. Sự việc xảy ra vào ban đêm nên không có giáo viên, học sinh bên trong.
Hiện xã Trà Cang đã chỉ đạo trường sắp xếp học sinh học bên dãy phòng học gỗ để đảm bảo an toàn, đồng thời bố trí lực lượng khắc phục, nghiêm cấm học sinh lại gần khu vực sạt lở để tránh nguy hiểm. Đồng thời, xã tiếp tục theo dõi các điểm trường Tong Pua, Lâng Loang để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh.
Rất may vụ sạt lở xảy ra vào ban đêm nên không có giáo viên, học sinh bên trong
Theo thống kê, huyện Nam Trà My có nhiều cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng, trong đó có công trình kè sân thể thao của Nhà văn hóa xã Trà Dơn, Sân vận động xã Trà Dơn... Sạt lở cũng đe dọa an toàn tại điểm trường Tăk Ngo – Kon Pin (thôn 2, Trà Linh, huyện Nam Trà My) đã chỉ đạo tạm thời di dời giáo viên, học sinh đến điểm trường Tăk Ngo để tiếp tục dạy học.