Muôn kiểu trở lại thành phố sau tết

(ĐTTCO) - Ngày 6-2, ngày cuối cùng kỳ nghỉ Tết, lượng người dân từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL đổ về TPHCM và Hà Nội tăng đột biến khiến giao thông xảy ra tình trạng ùn ứ nghiêm trọng.

Ùn ứ nhiều nơi trên quốc lộ 1A

Chiều tối 6-2, tại các trạm thu phí trên quốc lộ 1, dòng xe nối đuôi nhau thành 2, 3, thậm chí 4 hàng dài nằm chờ hơn 30 phút mới qua được trạm. Đơn cử, vào khoảng 10 giờ sáng tại trạm thu phí Cam Thịnh, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm phương tiện nối đuôi nhau chờ hơn 40 phút vẫn chưa qua được trạm.

Trên tuyến QL1A đoạn đường tránh TP Thanh Hóa, lượng người vào Nam, ra Bắc khá đông. Rất nhiều xe khách di chuyển trên đường, nhưng phổ biến nhất là xe gắn máy biển kiểm soát Nghệ An, Thanh Hóa hướng ra Bắc. Họ đi theo từng tốp, mặc áo mưa tiện lợi để giảm giá rét, chở theo lỉnh kỉnh đồ đạc. Tại điểm đón xe phía trước siêu thị Big C Thanh Hóa, khá đông người đón xe nhưng nhiều xe khách đi Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã kín chỗ.

Sáng 6-2, trong thời tiết mưa phùn, gió rét, tình trạng ùn tắc đã diễn ra tại các cửa ngõ Hà Nội do mật độ phương tiện tăng đột biến, đặc biệt là khu vực nút giao Pháp Vân - QL1A, đường Vành đai 3 trên cao, QL5, cầu Thanh Trì... Chiều cùng ngày, một số tuyến đường đã bị ùn tắc kéo dài, các lực lượng chức năng đã phải tăng cường chốt trực tại các điểm nóng để hướng dẫn phân luồng từ xa, giải tỏa ùn tắc khi xảy ra sự cố.

Tại Vĩnh Long, hàng trăm phương tiện mô tô, ô tô, xe khách, xe tải, container… hướng miền Tây đi TPHCM nối đuôi nhau xếp thành hàng dài nhiều kilômét, di chuyển chậm trên quốc lộ 1A, đoạn thuộc địa phận huyện Tam Bình.

Tại phà Đình Khao nối quốc lộ 57, hướng từ Vĩnh Long đi tỉnh Bến Tre cũng xảy ra tình trạng tương tự, dù 2 phà 200 tấn hoạt động hết công suất. Đáng chú ý, tại ngã 3 An Thái Trung, nút giao quốc lộ 1A với quốc lộ 30, điểm cuối đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ. 

Muôn kiểu trở lại thành phố sau tết ảnh 1Ùn tắc kéo dài tại cầu Mỹ Thuận ngày 6-2. Ảnh: QUỐC AN

Tại quốc lộ 60, hướng qua cầu Rạch Miễu, dòng xe nối đuôi nhau di chuyển chậm. Đến khoảng 10 giờ 40 phút, lực lượng CSGT điều tiết lưu thông 1 chiều trên cầu Rạch Miễu nhằm ưu tiên giải phóng xe hướng Bến Tre đi Tiền Giang do dòng xe tăng lên. Ngoài ra, Phòng CSGT (Công an tỉnh Bến Tre) đã tổ chức ghi hình, xử phạt các trường hợp điều khiển xe đi không đúng làn đường gây ùn tắc giao thông. Theo Sở GTVT tỉnh Bến Tre, đơn vị cũng tăng cường 4 chiếc phà tạm để hỗ trợ giảm ùn tắc.

Về đường sắt, ngày 6-2, hầu hết các chuyến tàu về ga Hà Nội đều kín hành khách. Số hành khách về ga đã được giải tỏa nhanh, không xảy ra ùn ứ. Ngành đường sắt cho biết sẽ áp dụng chính sách giảm 10% vé đối với hành khách đi tàu số lẻ chiều Hà Nội - TPHCM từ ngày 9-2 đến 13-2; giảm 20% giá vé các đoàn tàu khách chiều số lẻ từ ngày 14-2 đến 20-2; giảm 30% giá vé các đoàn tàu khách chiều số lẻ từ ngày 21-2 đến 28-2.

Tại ga Thanh Hóa, người đến mua vé khá đông. Theo đại diện nhà ga, năm nay lượng khách đi tàu tăng so với cùng thời điểm năm trước. Trước Tết, nhằm khuyến khích khách đi tàu, ngành đường sắt có chế độ giảm giá vé cho khách đặt nguyên toa, tuy nhiên, chỉ riêng khách lẻ đã mua hết phần lớn lượng vé. Tại ga Vinh, vé chính các ngày mùng 6, 7, 8 Tết đi Sài Gòn đã kín chỗ, chỉ còn một số ghế ngồi mềm.

Tăng thêm 100 chuyến bay đi các tỉnh phía Nam

Chiều 6-2, lượng khách đổ về sân bay Tân Sơn Nhất tăng mạnh so với ngày bình thường. Thống kê từ Cảng vụ Hàng không miền Nam, ước tính lượng khách đi và đến trong ngày hơn 100.000 lượt (riêng khách bay là hơn 70.000 lượt). Thông tin từ hãng taxi Mai Linh, đơn vị đã huy động toàn bộ nhân sự để phục vụ hành khách đi lại, nhưng do số lượng khách đặt xe tăng đột biến vào một số thời điểm nhất định nên xảy ra tình trạng chờ đợi xe.

Đại diện hãng Vinasun cũng chia sẻ, số lượng taxi của đơn vị này phải điều động phục vụ khách ở một số nơi khác nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của khách tại sân bay. Trước thực tế này, Cảng vụ Hàng không miền Nam cũng như các hãng xe khuyến cáo người dân chủ động phương tiện đưa đón, tránh phải chờ đợi lâu tại sảnh…

Bên cạnh đó, ghi nhận trong 2 ngày nghỉ cuối cùng của Tết Nhâm Dần, vé máy bay ở một số chặng về TPHCM tăng cao hoặc có tình trạng “cháy vé”. Anh Lê Lâm, ngụ tại TP Hà Nội cho biết, vài ngày nay rất khó để đặt vé hạng phổ thông vào TPHCM. “Một vài đại lý mở bán vé vào ngày 7-2, nhưng chủ yếu là hạng thương gia, ở mức 6,2-10,8 triệu đồng/vé”, anh Lê Lâm nói. Một số bạn đọc phản ánh, do vé máy bay khá cao và khó đặt nên họ đã chuyển sang đi xe khách, xe lửa hoặc xin làm trễ vài ngày so với quy định.

Muôn kiểu trở lại thành phố sau tết ảnh 2Hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất chiều 6-2. Ảnh: THI HỒNG

Thông tin từ Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết, trong ngày 6-2, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài đã khai thác hơn 370 chuyến bay, lượng khách nội địa thông qua cảng ước tính lên tới 56.000 khách, tăng gần gấp đôi so với ngày cao điểm Tết Nguyên đán 2021 (29.000 khách). Mặc dù hành khách tăng mạnh nhưng việc làm thủ tục chuyến bay tại sân bay Nội Bài tương đối thuận lợi, không xảy ra tình trạng ùn ứ. 

Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân sau kỳ nghỉ tết, các hãng hàng không vừa lập kế hoạch tăng thêm 100 chuyến vào các tỉnh phía Nam từ nay đến ngày 12-2, chủ yếu chặng Hà Nội - TPHCM, bay vào khung giờ đêm. Cảng HKQT Nội Bài cũng đã chủ động mở 102 quầy check-in tại nhà ga T1 và 22 điểm soi chiếu an ninh đủ khả năng thông qua 4.000 khách/giờ.

Sân bay Nội Bài cũng đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ cho giai đoạn cao điểm sau tết, đảm bảo phù hợp với thực tế và nâng cao năng lực phục vụ hành khách.

Để hạn chế và xử lý tình trạng ùn ứ tại các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc, theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an), các trạm thu phí phải chủ động bố trí nhân sự, phương án để chống ùn tắc tại trạm thu phí khi có nguy cơ ùn ứ. Lực lượng chức năng triển khai nhiều phương án phân luồng để chống ùn tắc.

Đối với tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí cần chủ động các phương án, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, điều hành đảm bảo giao thông thông suốt tại các trạm. Sẵn sàng xả trạm khi có yêu cầu của lực lượng CSGT.

Theo quy định hiện hành, nếu để xảy ra ùn tắc, tùy theo mức độ tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ sẽ bị xử lý mức cao nhất lên đến 40 triệu đồng; nếu khi có yêu cầu xả trạm của CSGT mà không chấp hành, tổ chức quản lý, vận hành trạm thu phí đường bộ có thể bị phạt lên đến 70 triệu đồng.


Ngày 6-2, Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) cho biết, qua 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, toàn quốc xảy ra hơn 200 vụ tai nạn giao thông, làm hơn 120 người chết và hơn 130 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó có vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Gia Lai ngày 1-2 làm 3 người chết, tại Vĩnh Long ngày 2-2 làm 2 người chết.

Cũng trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, C08, PC08 công an các địa phương đã kiểm tra, xử lý hơn 25.000 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 25 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 1.600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tỉnh Thanh Hóa là địa phương có số lượng người vi phạm nồng độ cồn cao nhất, với hơn 200 trường hợp.

Các tin khác