Làm suy giảm khả năng tấn công
Trong đợt không kích mới nhất này, Mỹ nhắm tới địa điểm đặt radar được coi là mối đe dọa cho giao thông hàng hải. Trên mạng xã hội X, Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ cho biết tàu khu trục Carney đã sử dụng tên lửa Tomahawk tấn công mục tiêu “nhằm làm suy giảm khả năng tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu biển, trong đó có cả tàu thương mại”.
Trong khi đó, kênh truyền hình Al-Masirah của Houthi cáo buộc Mỹ và Anh đang tấn công vào thủ đô Sanaa của Yemen.
Bất chấp việc lực lượng Houthi thề sẽ trả đũa các vụ tấn công trong ngày 11-1 của Mỹ và Anh, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo sẽ cho thực hiện thêm các vụ không kích nếu Houthi không dừng các cuộc tấn công vào tàu biển và tàu thương mại.
Lầu Năm Góc cho biết Mỹ và Anh đã tấn công vào 60 mục tiêu ở 28 địa điểm, là những nơi lực lượng Houthi chứa hoặc phóng tên lửa, máy bay không người lái đe dọa tuyến vận tải hàng hải trên biển Đỏ trong những tháng gần đây.
Một chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh tham gia không kích các mục tiêu tại Yemen. Ảnh: REUTERS
Thúc đẩy nỗ lực chung
Vụ không kích mới nhất của Mỹ càng làm tăng thêm lo ngại về xung đột sẽ lan rộng. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho rằng hành động của Mỹ và Anh đã khiến xung đột (ở Dải Gaza) lan ra toàn khu vực, dù người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby khẳng định “Mỹ không quan tâm đến cuộc chiến với Yemen”.
Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ Cairo kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực chung của khu vực và quốc tế nhằm làm giảm căng thẳng và tránh gây bất ổn trong khu vực, nhất là tuyến hàng hải trên biển Đỏ.
Những diễn biến nguy hiểm và ngày càng leo thang gần đây ở phía Nam biển Đỏ cũng như ở Yemen diễn ra theo đúng cảnh báo trước đó của Ai Cập về nguy cơ xung đột lan rộng xuất phát từ các cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza.
Cairo nhấn mạnh cần có lệnh ngừng bắn toàn diện và đảm bảo chấm dứt hoàn toàn xung đột ở Gaza để tránh đẩy khu vực rơi sâu vào bất ổn hơn nữa.
Trong khi đó, Saudi Arabia ra tuyên bố cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ với sự quan ngại sâu sắc về các hoạt động quân sự ở biển Đỏ cũng như các cuộc không kích nhằm vào một số địa điểm ở Yemen.
Dù Mỹ và một số đồng minh đã gửi lực lượng để làm nhiệm vụ bảo vệ vận chuyển hàng hải từ tháng 12-2023, nhưng nhiều đồng minh chủ chốt của Mỹ không ủng hộ các cuộc không kích vào Yemen.
Italy, Tây Ban Nha và Pháp đã không tham gia chiến dịch do Mỹ phát động do lo ngại xung đột leo thang.
Trong khi đó, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield đã bảo vệ các cuộc không kích vào Yemen với lý do làm gián đoạn và suy giảm khả năng “tấn công liều lĩnh” của lực lượng Houthi nhằm vào hoạt động hàng hải trên biển Đỏ.
Ngày 12-1, giá dầu Brent đã tăng hơn 2 USD/thùng, trước khi mức tăng giảm xuống một nửa, do lo ngại nguồn cung có thể gián đoạn do xung đột leo thang. Hãng Reuters dẫn một dữ liệu cho thấy ít nhất 9 tàu chở dầu đã dừng hoặc chuyển hướng không đi qua biển Đỏ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ quan ngại về xung đột tại Trung Đông sẽ tác động lớn đến giá dầu.