Năm 2011: GDP cả nước tăng 5,89%

Ngày 29-12, Tổng cục Thống kê đã công bố các số liệu thống kê KT-XH năm 2011, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,89% so với năm 2010. Trong đó, khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,53%; khu vực dịch vụ tăng 6,99%.

Ngày 29-12, Tổng cục Thống kê đã công bố các số liệu thống kê KT-XH năm 2011, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,89% so với năm 2010. Trong đó, khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,53%; khu vực dịch vụ tăng 6,99%.

Năm 2011: GDP cả nước tăng 5,89% ảnh 1

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2011 tăng 6,8% so với năm trước, một số ngành sản xuất chủ yếu có mức tăng khá, như: sản xuất đồ gốm, đóng tàu, sản xuất ô tô - xe máy, dệt may, đường…

Tuy nhiên, cũng có một số loại sản phẩm tăng thấp hoặc giảm như: xi măng, sản xuất thuốc - dược liệu, dây và cáp điện.

Năm 2011 có hơn 6 triệu lượt khách nước ngoài đến Việt Nam, tăng 19,1% so với năm ngoái. Tổng thu ngân sách đạt 674,5 ngàn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm, tăng 20,6% so với năm 2010; bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,9% GDP (mục tiêu đề ra là 5,3%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 96,3 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm trước, góp phần từng bước giảm nhập siêu và đưa mức nhập siêu xuống 9,5 tỷ USD – tương đương 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, là mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Tuy nhiên, đời sống KT-XH vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, với một số tồn tại, như chất lượng tăng trưởng thấp, lạm phát cao, với chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2011 tăng 18,58% so với năm 2010, bên cạnh các vấn đề về thiên tai, tai nạn giao thông, cháy nổ…

* Nhân dịp này, Tổng cục Thống kê cũng công bố báo cáo sơ bộ tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011. Đến nay cả nước có 10,37 triệu hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp.

Tốc độ chuyển dịch cơ cấu hộ còn chậm, so với năm 2006 chỉ giảm được 106.000 hộ, tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ.

Số lượng trang trại giảm mạnh với 20.065 trang trại, chỉ bằng 13,8% so với năm 2010 do xác định theo tiêu chí mới. Trong đó, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ đã chiếm tới 58,3% tổng số trang trại.

Về kết cấu hạ tầng nông thôn, đến nay chỉ còn 16 xã ở vùng hải đảo, biên giới, vùng cao chưa có điện; 8.940/9.071 xã có đường ô tô đi đến trung tâm xã; 9.016 xã có trạm y tế, trong đó có 7.055 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia…

Tuy nhiên, kết quả cuộc tổng điều tra cũng cho thấy, hạ tầng khu vực nông thôn còn nhiều bất cập, mới có 18,3% số xã và 8,4% số thôn xây dựng hệ thống thoát nước thải tập trung; 43,5% số xã và 22,4% số thôn có tổ chức thu gom rác thải; 10% số xã có thư viện.

Các tin khác